Mùa đông cản trở sức chiến đấu của Nga và Ukraine như thế nào?

Tin thế giới - Ngày đăng : 20:30, 29/10/2022

Tại chiến trường Ukraine, mùa đông lạnh giá đã cận kề. Các chuyên gia nhận định, thời tiết khắc nghiệt đó sẽ ảnh hưởng lớn đến sức chiến đấu và phương án tác chiến của cả quân đội Nga lẫn Ukraine.

Mọi thứ khó khăn gấp bội

Mùa đông đang đến dần trên lãnh thổ Ukraine. Nhiệt độ giảm sâu dần, theo đó là các đợt mưa lạnh giá, tạo ra bùn lầy cản bước người đi cũng như xe cộ. Tiếp đó là lạnh sâu và tuyết rơi, gây khó khăn cho hoạt động tác chiến.

Quân đội hai phe sẽ phải gồng mình ứng phó với tình trạng thời tiết lạnh giá và thời gian nắng ngắn lại - những yếu tố gây khó khăn lớn cho công tác hậu cần, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tinh thần binh sĩ.

Trong điều kiện thời tiết ấy, hiệu quả vũ khí và các cảm biến thu thập tình báo cũng sẽ bị giảm.

Khí hậu mùa đông ở Trung Âu và Đông Âu rất đáng sợ. Việc bảo dưỡng, sửa chữa xe, vệ sinh súng bằng tay sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Chiến hào đóng vai trò quan trọng ở chiến trường Ukraine, giúp hai bên tránh đạn pháo và hỏa lực súng máy. Nhưng đào hào khi mặt đất đóng băng sẽ không đơn giản chút nào.

Một quan chức NATO cho biết, với thời tiết mùa đông băng giá, xe tăng dễ bị kẹt.

Việc vận chuyển lương thực và đạn dược cũng sẽ lâu hơn do xe tải dễ bị trượt trên đường, hỏng hoặc kẹt trong tuyết bùn.

Mỹ, Canada, Bulgaria và các nước thành viên khác của NATO đã quyên góp đồ mặc đại hàn cho quân đội Ukraine. Dân chúng Ukraine ở các thành phố lớn cũng tham gia quyên góp tiền bạc để “giúp quân đội giữ ấm”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên của khối quân sự này đã thảo luận nhiều về việc đảm bảo quần áo ấm và thiết bị giúp binh sĩ Ukraine hoạt động trong điều kiện mùa đông như máy phát điện, lều bạt…

Yury Bereza - chỉ huy tiểu đoàn Dnipro-1 thuộc Vệ binh Quốc gia Ukraine, cho biết 1.500 lính dưới trướng của ông đang được trang bị thêm các đôi ủng và chăn ấm khi mùa đông đến.

Ông Bereza lưu ý có sự khác biệt giữa mùa đông ở Đông Ukraine, nơi nhiệt độ giảm xuống âm 20 độ C và miền Nam Ukraine, nơi nhiệt độ ít lạnh hơn.

Trong khi đó, tại các trại huấn luyện tân binh của Nga, các sĩ quan cũng hướng dẫn tân binh sử dụng các đồ giữ ấm được phát cho họ.

Tác động đến phương án tác chiến

Giới phân tích phương Tây nhận định, thời tiết mùa đông khiến quân Nga khó tiến nhưng lại dễ phòng thủ. Trong khi đó, chỉ huy một đơn vị Ukraine ở miền Đông nói rằng mùa đông sẽ khiến lính của ông khó giấu mình trên chiến trường.

Mykola Bielieskov - nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu chiến lược Quốc gia của chính phủ Ukraine cho biết: “Tác chiến trên bộ nói chung rất khó khăn. Tác chiến vào mùa đông sẽ là thách thức lớn gấp đôi. Khi mở một cuộc tiến công lớn, nhiệt độ không khí ở mức âm 15 độ C sẽ là một thử thách đối với cả hai phe”.

Thời tiết xấu ảnh hưởng đến cả hai bên tham chiến và có khả năng làm giảm nhịp độ tác chiến - Ben Barry, một chuyên gia tác chiến trên bộ tại Viện nghiên cứu chiến lược Quốc tế tại London (IISS), cho biết. “Nhưng nếu mỗi bên vẫn muốn đánh nhau, thì vẫn khả thi”.

Mike Martin - nghiên cứu viên cao cấp tại trường Kings College London bình luận: “Lối tác chiến của Ukraine dựa trên cơ động, đòi hỏi tốc độ và sự linh hoạt. Cả hai yếu tố này khó đạt được vào mùa đông”.

Chiến sự ở miền Đông Ukraine thiên về đấu pháo. Lính Ukraine bắn pháo rồi di chuyển sang vị trí khác để đề phòng phản pháo của Nga. Họ ý thức rằng phía Nga khả năng cao sẽ đánh trả vào đúng vị trí mà đạn pháo Ukraine xuất phát. Trong khi đó, trên tuyết, vết bánh các xe quân sự của Ukraine sẽ hiện rõ trước UAV Nga và có thể giúp Nga định vị chính xác vị trí lính Ukraine vừa chuyển tới. Còn nếu binh sĩ Ukraine thắp lửa để làm ấm cơ thể vào mùa đông, họ sẽ càng dễ bị phát hiện. Mùa đông lá rụng, họ càng lộ hơn nữa.

Nhà nghiên cứu Bielieskov nói tiếp: “Vào mùa đông thì không thể chiến đấu như mùa xuân và mùa hè nữa. Khó ẩn náu hơn nhiều. Sẽ phải sáng chế ra các phương pháp mới và chiến lược mới. Chúng tôi sẽ chiến đấu trong thực tế mới”.

Thời kỳ khó khăn nhất sẽ là vào tháng 11 và đầu tháng 12 - thời kỳ mà người Nga gọi là “rasputitsa” khi đường đi sẽ trở lên lầy lội. Sau đó bùn mới cứng lại.

Ông Bielieskov phân tích: “Bất cứ ai chuẩn bị tốt hơn và có khả năng tận dụng tình huống này theo hướng có lợi cho mình sẽ tiến bước được”.

Quan niệm truyền thống của người Nga là “tướng mùa Đông” và “tướng Bùn” sẽ trợ giúp cho phe Nga trong chiến trận y như trong các thế kỷ trước đây, khi họ phải chiến đấu đẩy lui quân Napoleon và quân Hitler xâm lược.

Mùa đông tuy gây nhiều khó khăn nhưng cũng có thể mang lại cơ hội. Ông Bielieskov nêu lại trận chiến Moscow năm 1941, khi bùn đóng băng vào nửa sau của tháng 11, tạo cơ hội cho cả quân Đức và quân Xô viết. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ Hồng quân Liên Xô tận dụng được cơ hội này./.