Quảng Nam khai thác tiềm năng, phục hồi du lịch sau đại dịch

Du lịch online - Ngày đăng : 16:09, 28/10/2022

Khởi động từ tháng 3/2022, Năm Du lịch Việt Nam 2022 với chủ đề “Điểm đến du lịch xanh” được tỉnh Quảng Nam đăng cai với nhiều sự kiện mang tầm quốc gia, trải dài từ vùng đồng bằng đến vùng sâu trong đất liền, vùng ven biển, hải đảo đã để lại nhiều ấn tượng mạnh, làm tiền đề để địa phương nói riêng và cả nước nói chung khai thác tiềm năng, phục hồi du lịch xanh, bền vững.


Ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch

Sau loạt sự kiện được tổ chức trong Năm Du lịch Quốc gia 2022 - Quảng Nam điểm đến du lịch xanh; Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam chủ trì tổ chức tại Quảng Nam vào đầu tháng 10/2022 đã đặt ra vấn đề cần phải ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch bền vững.

Đón đầu xu hướng ứng dụng công nghệ, ngày 20/10, lần đầu tiên tại Quảng Nam, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã xây dựng website thực tế ảo VR360 chi tiết. Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết, Ban Quản lý đã triển khai nhiều dự án đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Điển hình như: số hóa hiện vật được bảo quản tại di tích và bảo tàng, đề án thuyết minh đa ngôn ngữ, dịch vụ internet banking, quét mã QR. Việc xây dựng website thực tế ảo chi tiết cho Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng, tăng trải nghiệm cho khách tham quan; đồng thời, giúp Ban Quản lý ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thực hiện quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.

Quang Nam khai thac tiem nang, phuc hoi du lich sau dai dich hinh anh 1Sản phẩm du lịch xanh được tỉnh Quảng Nam tập trung xây dựng. Ảnh: Đoàn Hữu Trung-TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân chia sẻ, với một loạt sự kiện được tổ chức trong Năm Du lịch Quốc gia 2022, tỉnh cam kết tăng trưởng bền vững ngành Du lịch bằng cách tận dụng công nghệ để giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời thúc đẩy bảo vệ môi trường tự nhiên. Năm Du lịch Quốc gia 2022 không chỉ là cơ hội vàng để địa phương thể hiện hình ảnh của Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung là điểm đến an toàn, thân thiện. Ngành Du lịch Quảng Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường liên kết du lịch giữa các địa phương trong cả nước và với các nước thành viên Tiểu vùng sông Mê Công.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mới lạ đến bạn bè, du khách gần xa; đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hơn nữa vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển mạnh mẽ du lịch sau đại dịch COVID-19 là sự lựa chọn tất yếu đang được Quảng Nam hướng đến.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng và nâng cao kỹ năng

Trong 10 tháng của năm 2022, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch Quảng Nam ước đạt 4.402.200 lượt khách, tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, khách quốc tế ước đạt 464.700 lượt khách, khách nội địa ước đạt 3.937.500 lượt khách.

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Namnêu rõ: Trong Năm Du lịch Quốc gia 2022, những thế mạnh của Quảng Nam đã được đánh thức một cách bài bản. Hai Di sản Văn hóa thế giới (là: Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn) và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, nghệ thuật Bài chòi được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được quảng bá rộng rãi. Đặc biệt, địa chỉ đỏ là Tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng kỳ vĩ và trang nghiêm đã trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách.

Quang Nam khai thac tiem nang, phuc hoi du lich sau dai dich hinh anh 2Với 38 đảo lớn nhỏ, Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh là địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng. Ảnh: Đoàn Hữu Trung-TTXVN

Quảng Nam sở hữu 125 km bờ biển đẹp; có núi rừng Trường Sơn đại ngàn và nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng khác. Bên cạnh đó, tỉnh nằm ở trung điểm của Việt Nam, cửa ngõ kết nối với các nước trong Tiểu vùng Mê Công và ASEAN, nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây. Cùng với lợi thế về kết nối giao thông với các nước trong khu vực, Quảng Nam thực sự trở thành là trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Để khai thác tiềm năng du lịch, hướng tới tương lai bền vững của du lịch xanh, an toàn và thân thiện, Quảng Nam cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao kỹ năng của nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo, gắn với ứng dụng công cụ kỹ thuật số và tăng cường liên kết du lịch trong nước và quốc tế.

Đoàn Hữu Trung

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)