Nhiễm giun sán vì khoái ăn đồ sống

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:20, 27/10/2022

Những năm gần đây, số lượng người bị giun, sán tấn công đến khám tại các cơ sở y tế có dấu hiệu gia tăng, một phần nguyên nhân chính là do sự du nhập của trào lưu ăn đồ tươi sống, đặc biệt là hải sản.
san_la_gan_do_an_goi_song.jpeg
Gỏi cá sống một trong nhưng nguyên nhân gây nhiễm giun, sán - Ảnh: Internet

Nhiều cá nước ngọt nhiễm sán

Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, trong các năm 2018 - 2019, nghiên cứu xét nghiệm cho người từ 6 tuổi trở lên tại một số xã mà người dân có thói quen ăn gỏi cá của huyện Lục Yên, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) cho thấy: Trong tổng số 1.748 xét nghiệm tại 14 xã của 2 huyện, tỷ lệ trung bình nhiễm sán lá gan nhỏ tại 2 huyện này là 34,6%.

Riêng tại xã Yên Thành của huyện Yên Bình, tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ lên đến 68,6% trong số những người được xét nghiệm.

Năm 2017 - 2018, nghiên cứu do Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thực hiện đã xét nghiệm một số mẫu cá tại vùng hồ Thác Bà (Yên Bái) cho kết quả các loại cá như: tép dầu, cá thiểu, cá mương, chép, trôi... đều nhiễm sán lá gan nhỏ. Như vậy, nếu ăn cá sống thì nguy cơ nhiễm sán gan nhỏ rất cao.

Ông Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Hà Nội) - cho biết thói quen ăn cá sống, gỏi cá với cá chưa nấu chín đã tồn tại rất lâu ở một số địa phương như: Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Yên Bái, Bình Định, Phú Yên...

Có nhiều hình thức ăn gỏi cá, có thể là cá được cắt thành những miếng nhỏ, trộn với thính, gia vị, rau thơm; hoặc cũng có một số nơi, sau khi bắt được cá đang bơi, họ ăn trực tiếp cả con cá với rau sống, rau thơm...

Nguy cơ ăn cá sống, gỏi cá với sức khỏe rất đáng lưu ý, đặc biệt là nhiễm sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ. Trong đó, tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ rất cao tại những nơi người dân có tập quán ăn cá sống, gỏi cá. Tại VN, 32 tỉnh thành có bệnh sán lá gan nhỏ.

images3023812_img_20210313_191639.jpeg
Món gỏi cá sống rất phổ biến tại khu vực phía Bắc - Ảnh: Internet

Tăng người nhiễm giun, sán vì thói quen ăn uống

Bác sĩ Lê Thành Đồng - Viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM - cho biết thời gian gần đây, viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân (ở mọi lứa tuổi) nhiễm các loại giun sán, ký sinh trùng hơn so với thời gian trước. Trong đó có nhiều người ở mức độ nặng, gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Về nguyên nhân là do liên quan đến các yếu tố môi trường, thói quen ăn uống (thích ăn rau sống, thịt sống, cá sống) và lâu dài hơn là phong tục tập quán. Một nguyên nhân làm tăng số người mắc giun sán, ký sinh trùng trong năm là yếu tố thời tiết, khí hậu (mưa nhiều, lũ lụt…).

Tại Nam Bộ, khi mưa nhiều cá nhiều và nhiều động, thực vật khác cũng phát triển tốt hơn. Người dân nhiều nguồn thực phẩm thì kéo theo đó là thói quen ăn uống cũng đa dạng, thoải mái hơn. Đặc biệt là khu vực thành thị lớn có xu hướng ăn những thức ăn sống, hải sản do du nhập thói quen ăn uống thì nước ngoài.

"Nếu chúng ta không kiểm soát nguồn vào hải sản tươi sống, cộng thêm chế biến, bảo quản không đảm bảo thì làm tăng tỉ lệ người nhiễm các bệnh giun sán", bác sĩ Đồng chia sẻ.

Bác sĩ Đồng cho biết thêm, giun sán thường gây bệnh cách âm thầm, kín đáo, lâu dài. Chúng lây truyền khi con người tiếp xúc với đất có ấu trùng rồi chúng chui qua da xâm nhập vào cơ thể như giun móc/mỏ, giun lươn…

Bệnh cũng lây qua đường tiêu hóa do thói quen ăn uống như ăn rau sống rửa chưa kỹ dễ nhiễm giun đũa, giun tóc, ấu trùng sán dải lợn; hoặc ăn thực phẩm chưa nấu chính (gỏi cá, thịt lợn tái, thịt bò tái, tiết canh, gan lợn tái, cua nướng…) thì dễ bị nhiễm sán dải, sán lá…

Để phòng tránh nhiễm giun sán, ký sinh trùng, bác sĩ Đồng khuyến cáo trong quá trình canh tác cần sử dụng nguồn phân bón hợp lý, bởi thực tế vẫn còn nhiều người dân dùng phân tươi để bón rau, hoặc để chuồng trại gia súc, gia cầm gần nơi trồng rau màu.

Khi tiếp xúc môi trường đất có nhiều cỏ, cần mang ủng để phòng nhiễm giun móc bởi đây là nơi sống lý tưởng của chúng. Cá nhân mỗi người cũng cần có thói quen ăn uống hợp lý, ăn chín uống sôi.

Với những món ăn sống cần kiểm soát được nguồn cung cấp. Bên cạnh đó, định kỳ sáu tháng cần xét nghiệm máu và phân qua tích hợp khám sức khỏe tổng quát. Nếu nghi ngờ bản thân nhiễm giun sán thì cần đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị đúng phác đồ.

ANH ĐÀO (tổng hợp)