Sợ nhà vệ sinh trường học bẩn, nhiều học sinh mắc táo bón

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:18, 27/10/2022

Sợ nhà vệ sinh trong trường học bẩn, dơ, không kín đáo... nhiều học sinh nín, nhịn đi vệ sinh dẫn đến táo bón nguy hiểm đến sức khỏe.
nha-ve-sinh-tiya.jpeg
Nhà vệ sinh trường học phải được tranh bị sạch sẽ - Ảnh: Internet

Mắc táo bón vì sợ nhà vệ sinh trường học

Bác sĩ Hà Văn Thiệu - quyền trưởng khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ đi học bị táo bón dẫn đến phải nhập viện điều trị.

Hiện nay tình trạng táo bón ở trẻ em và người lớn hiện nay đang gia tăng rất báo động. Có đến 90% trẻ nhập viện vì táo bón nhưng không cần phải phẫu thuật, chỉ cần điều trị bằng thuốc, thay đổi thói quen ăn uống.

Khi được các bác sĩ hỏi lúc thăm khám, đa phần các trẻ đều trả lời vì nhà vệ sinh có mùi hôi, dơ nên nhịn không dám đi vệ sinh, đặc biệt là ở trẻ nữ sợ nhà vệ sinh không kín đáo.

Chính vì không dám đi vệ sinh trẻ không uống nước dẫn đến phải nín nhịn phát sinh táo bón nếu không được điều trị kịp thời rất ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ về sau.

Bác sĩ Thiệu cho biết táo bón là một vấn đề phổ biến ở trẻ em trên toàn thế giới, tỉ lệ này bắt đầu tăng lên trong năm thứ hai của trẻ. Dấu hiệu để nhận biết trẻ mắc táo bón là đi cầu dưới 2 lần/tuần, kèm theo các triệu chứng phụ như đi tiêu phân cứng, phân to, són phân, màu sắc nước tiểu đậm…

Tỉ lệ táo bón ngày càng tăng trong cộng đồng, gia đình, do các thói quen lười vận động, ít uống nước, ăn ít chất xơ… đối với người lớn do áp lực cuộc sống, tâm lý căng thẳng cũng dẫn đến tăng tỉ lệ táo bón.

Táo bón gây ra rất nhiều hệ lụy như bệnh trĩ, nứt hậu môn, sa trực tràng, gây tâm lý hay cáu gắt ảnh hưởng đến cuộc sống.

Theo bác sĩ Thiệu tại các trường bán trú giáo viên phải nhắc nhở học sinh chủ động đi vệ sinh. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học hai thời điểm đi vệ sinh tốt nhất trong ngày là buổi sáng và sau bữa ăn chiều từ 15-20 phút.

7-2-.jpeg
Trẻ mắc táo bón rất nguy hiểm cho sức khỏe - Ảnh: internet

Xử trí táo bón cho trẻ ra sao?

Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) khi trẻ bị táo bón tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh mà có những cách xử trí thích hợp. Cần cho trẻ ăn đủ số lượng hàng ngày, cho trẻ ăn nhiều rau xanh và quả chín: chọn các loại rau có tính chất nhuận tràng như rau khoai lang, mồng tơi, rau dền thái nhỏ nấu canh...

Khi nấu bột và cháo, phải băm nhỏ rau cho trẻ ăn cả cái đối với trẻ nhỏ. Cho trẻ ăn các loại quả: bưởi, cam, quýt (tốt hơn nếu ăn cả múi), thanh long, chuối tiêu, đu đủ… Khi trẻ đã bị táo bón không nên ăn cà rốt, hồng xiêm, táo... Có thể dùng nước cốt khoai lang sống: khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, đem giã nhỏ vắt lấy nước cho trẻ uống.

Ngoài ra, có thể tác động bên ngoài bằng cách xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải sang trái ngày 3-4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa để kích thích làm tăng nhu động ruột.

Tập cho trẻ đi đại tiện đúng giờ quy định, chọn thời gian lúc nào trẻ không vội vã, thường nên chọn sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột hoạt động tăng, nên tránh bắt trẻ ngồi bô hoặc ngồi hố xí quá lâu.

Các trường hợp táo bón do nứt hậu môn: rửa sạch hậu môn, bôi dung dịch natri bạc 2%. Điều trị các bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu… nếu có.

Khi điều trị bằng chế độ ăn không khỏi thì mới nên sử dụng tới dược phẩm như dùng thuốc và thụt tháo theo chỉ dẫn của bác sĩ như cho trẻ uống dầu Parafin vào buổi sáng, các loại thuốc có chứa magie sunphát có tác dụng nhuận tràng hay các loại thuốc có chứa vi khuẩn sống dưới dạng đông khô như: cốm vi sinh (Biobaby); Biosyptin, lactomin, lactylac, biofidin... làm cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.

ANH ĐÀO (tổng hợp)