Ứng dụng trí tuệ nhân tạo cứu sống hàng nghìn bệnh nhân đột quỵ

Tin Y tế - Ngày đăng : 15:54, 27/10/2022

TPHCM – Sau khi triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, trong những năm qua, Bệnh viện Nhân dân 115 đã cứu thành công hàng nghìn bệnh nhân đột quỵ, trong đó có những bệnh nhân qua thời gian vàng.

Sáng 27.10, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã có buổi giám sát tại Bệnh viện Nhân dân 115 về tình hình triển khai thực hiện Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030.

 
Trung tâm điều trị đột quỵ não Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: BV115

Bác sĩ Trần Văn Sóng - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, trong giai đoạn thực hiện đề án y tế thông minh, bệnh viện đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ trong điều trị ngoại trú và nội trú.

Cụ thể, tăng cường công tác số hóa, chuyển đổi thanh toán điện tử, ứng dụng công nghệ trong đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính…

Đặc biệt, từ năm 2019, Bệnh viện Nhân dân 115 ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân bị đột quỵ bằng phần mềm RAPID - đại học Standford, Hoa Kỳ.

Đây là phần mềm điều trị hiệu quả, chính xác. Bởi trước đây, khi chưa ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, bệnh nhân đột quỵ tắc mạch não nhập viện trong 6 giờ đầu can thiệp điều trị khả quan, sau 6-24 giờ, bác sĩ không thể làm gì để cứu bệnh nhân khỏi nguy cơ tàn phế, tử vong.

Hiện nay, Việt Nam là nước thứ 3 tại Đông Nam Á ứng dụng thành công, cứu nhiều bệnh nhân đột quỵ khi áp dụng ứng dụng này. Trước khi chưa ứng dụng trí tuệ nhân toạ vào điều trị, những bệnh nhân ở dưới tuyến tỉnh hoặc bệnh nhân được can thiệp sau 6 giờ thường nguy cơ tử vong rất cao.

Cũng theo bác sĩ Sóng, trong vòng 3 năm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đã có 2.215 ca được chẩn đoán và chỉ định can thiệp bằng phần mềm RAPID.

50% trong số nững bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện sau giờ vàng (trong khoảng thời gian từ 6-24h) được can thiệp nội mạch. Có 48% người bệnh được can thiệp thành công có thể quay trở lại vận động bình thường.

Trong số ca 1.000 ca đột quỵ/năm, 30% trong số đó là can thiệp cấp cứu. Tuy nhiên, giống như nhiều bệnh viện khác, quá trình tiến tới y tế thông minh của Bệnh viện Nhân dân 115 còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nổi bật là nguồn nhân lực công nghệ thông từ tin y tế còn thiếu, rất khó tuyển dụng và giữ chân lao động do lương thấp.

Ngoài ra, hạ tầng, thiết bị thiếu đồng bộ, khó tích hợp và tương thích theo xu hướng phát triển phần mềm. Chi phí về công nghệ thông tin chưa được cơ cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh, khiến bệnh viện gặp khó khi phát triển mảng này...

Ông Cao Thanh Bình - Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TPHCM cho biết, Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030, do UBND TP HCM ban hành, mục tiêu triển khai chuyển đổi số hướng đến xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, giúp dự báo và xây dựng chiến lược, nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân.

Việc này còn giúp bác sĩ tập trung vào chuyên môn cứu chữa bệnh nhân. Để thành công, vấn đề bảo mật an toàn CNTT phải được đặt lên hàng đầu, bệnh viện có thể phối hợp với Sở Thông tin truyền thông và Công an TPHCM để có quy trình chặt chẽ hơn.

NGUYỄN LY