Cá tra mang về hơn 2 tỷ USD: Doanh nghiệp thắng đậm, nông dân có lãi
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 14:28, 27/10/2022
Thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), xuất khẩu cá tra trong tháng 10/2022 ước đạt 183 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu trong 10 tháng năm nay lên 2,06 tỷ USD, tăng 76,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết quý III năm nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam tăng mạnh ở hầu hết các thị trường. Trung Quốc, Mỹ, Mexico và Brazil vẫn là 4 thị trường chính, chiếm gần 60% giá trị xuất khẩu cá tra Việt với gần 1,2 tỷ USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong đạt 589 triệu USD, tăng 111% so với cùng kỳ. Thị trường EU cũng có mức tăng trưởng hơn 100%, trở thành điểm sáng của ngành khi quay trở lại ấn tượng ở thị trường khó tính này.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ có xu hướng chững lại trong những tháng gần đây nhưng vẫn thu về 454 triệu USD. Hiện Mỹ là thị trường có vai trò dẫn dắt thương mại cá tra toàn cầu, đặc biệt là giá, góp phần tăng giá trị cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm nay.
Đáng chú ý, tháng 9 vừa qua, xuất khẩu cá tra sang nhiều thị trường tăng đột phá gấp 2-3 lần so với cùng kỳ, như Trung Quốc, Brazil, Anh, Hà Lan, Úc,... Ấn tượng hơn cả là xuất khẩu cá tra sang thị trường Đức tăng gấp 41 lần so với cùng kỳ và sang Peru tăng gấp 17 lần.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường ASEAN cũng tăng vọt. Trong đó, xuất khẩu sang Lào tăng tới 2.214%, sang Campuchia tăng 474,7%, Myanmar tăng 254,8% và Indonesia tăng 173,7%...
Các thị trường ồ ạt mua với số lượng lớn, giá cá tra xuất khẩu tăng mạnh giúp các doanh nghiệp thắng đậm.
Báo cáo tài chính của Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) cho thấy, quý III năm nay, VHC ghi nhận lợi nhuận lãi gần 460 tỷ đồng, tăng 76,24% so với quý III/2021. Lũy kết 9 tháng năm 2022, lãi sau thuế là 1.815 tỷ đồng, so với gần 649 tỷ đồng 9 tháng 2021.
Chia sẻ câu chuyện về thị trường xuất khẩu cá tra trước đó, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT VHC, cho biết, nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Mỹ, châu Âu, Trung Quốc bật tăng do kiểm soát được đại dịch Covid-19, thêm việc nguồn cung thiếu hụt nên năm 2022 sẽ "rất vi diệu", giúp toàn ngành cá tra có lời.
Tương tự, “vua cá tra” một thời Thủy sản Nam Việt Navico (ANV) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III năm 2022 đạt gần 120 tỷ đồng so với mức lỗ gần 13,17 tỷ đồng quý III năm 2021. Luỹ kế 9 tháng năm nay, ANV đạt mức lợi nhuận sau thuế 567,2 tỷ đồng, so với mức lãi gần 74,4 tỷ đồng 9 tháng 2021.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khác cũng ghi nhận doanh số tăng cao trong 6 đầu năm, như: Công ty Thủy sản Biển Đông tăng 41%; Công ty Vạn Đức Tiền Giang tăng gần 61%; Công ty Đại Thành Tiền Giang tăng 118%; Công ty Cổ phần Thủy sản NTFS tăng 87%...
Dịp này, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL ổn định ở mức 30.500-31.000 đồng/kg, giá cá tra giống ở mức 33.000–35.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lớn chủ yếu bắt cá trong hệ thống cho các hợp đồng mới ký.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, do nuôi trồng cá tra phát triển khá, nhu cầu thị trường thế giới cũng tăng cao và duy trì ở mức ổn định giúp người nuôi cá có lãi.
Mức giá mức 30.500-31.000 đồng/kg xuất bán cá tra nguyên liệu cho nhà máy, theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, người nuôi cá tra đã có lãi nhẹ.
Những tháng qua, dù giá cá tra nguyên liệu tăng khá cao so với năm ngoái nhưng người dân vẫn hạn chế thả nuôi cá tra thương phẩm do thiếu vốn, giá cá đầu ra không ổn định. Ngoài ra, do giá thức ăn và nhiều chi phí đầu vào phục vụ nuôi cá tra liên tục tăng nên giá thành nuôi cá tra tại nhiều hộ dân đã ở mức 27.000-28.000 đồng/kg.
Xuất khẩu cá tra đang vào mùa cao điểm khi các thị trường bước vào mùa lễ hội cuối năm. Đơn hàng cá tra nhích dần lên trong tháng 10. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra được dự báo đạt kỷ lục 2,5 tỷ USD, tăng 54% so với năm 2021.