4 vụ án mạng một ngày: Cần hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn quốc

Nhịp sống - Ngày đăng : 21:00, 26/10/2022

Để giải quyết bài toán bạo lực trong xã hội cần phải thúc đẩy việc xây dựng, phát triển hệ thống tâm lý trị liệu toàn quốc và một chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng.

Thời gian vừa qua, xã hội xảy ra nhiều vụ việc sử dụng bạo lực dẫn đến những hệ lụy đau lòng. Đỉnh điểm, trong một ngày xuất hiện tới 4 vụ việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn ở những địa phương khác nhau, gây nên sự mất mát về tính mạng con người. Trong đó, những đối tượng gây án khi tuổi đời còn trẻ, có hành vi xốc nổi trong lúc nóng giận, sau đó mới hối hận thì đã muộn.

4 vụ án mạng một ngày: Cần hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn quốc - 1

Đối tượng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn tình cảm ở Bắc Ninh ngày 24/10 bị công an bắt giữ (Ảnh: V.C.).

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ với Dân trí góc nhìn của một nhà nghiên cứu từ tâm lý học như sau.

Xuất phát từ việc chưa được chăm sóc đầy đủ về sức khỏe tâm thần 

PGS.TS Trần Thành Nam, cho hay, ông không ngạc nhiên khi các hành vi bạo lực và tội phạm bạo lực đã gia tăng trong thời gian gần đây.

"Dưới góc độ tâm lý, chúng ta đều có thể dự báo được rằng sau khủng hoảng về Covid-19 sẽ đến khủng hoảng về sức khỏe tâm thần và bạo lực xã hội giống như một hệ quả. Không chỉ ở Việt Nam, các quốc gia khác cũng đang ở trong tình trạng tương tự", ông Nam chia sẻ.

PGS.TS Nam cho rằng, trong và sau đại dịch, các vụ trộm cắp ít nghiêm trọng dường như đã giảm đi. Tuy nhiên, tỷ lệ tội phạm bạo lực lại tăng, đặc biệt là bạo lực do mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa vợ chồng, bạn tình. Dường như các vụ hành hung có vẻ trầm trọng hơn, các vụ trọng phạm giết người tăng lên đặc biệt là sau khi các yêu cầu giãn cách xã hội được nới lỏng.

Người ta có thể thấy, sau những giai đoạn cao trào của dịch bệnh, hệ thống an ninh, trấn áp tội phạm, nguồn nhân lực các chiến sỹ công an, cảnh sát đã chịu căng thẳng đáng kể vì các nhiệm vụ hỗ trợ trong cao điểm dịch.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý bị gián đoạn, nguồn nhân lực y tế trở nên quá tải và kiệt sức sau đỉnh dịch dẫn đến một khoảng trống lớn, không thể cung cấp được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho những người cần hỗ trợ khẩn cấp.

"Những điều này vô tình tạo thêm cơ hội cho tội phạm nói chung và tội phạm bạo lực nói riêng tăng lên", PGS lý giải.

Theo phân tích của ông Nam, những người phạm tội bạo lực thường có thu nhập thiếu ổn định, mất việc làm, bị bệnh tật hành hạ, lo sợ về cái chết, sống trong trạng thái cô lập, bất an tài chính, sợ hãi, tức giận, ghen tuông, hận thù với gia đình, bạn tình...

Nhiều người bị người thân bỏ mặc về mặt tâm lý, chịu ảnh hưởng của các tư tưởng cực đoan do tiếp cận với quá nhiều thứ lệch lạc qua phương tiện truyền thông. Một số khác bị tổn thương sức khỏe tâm thần nặng, thậm chí còn chịu ảnh hưởng của chất gây nghiện và ma túy dẫn đến mất kiểm soát hành vi bạo lực.

Trở lại với cuộc sống bình thường sau đại dịch cùng sự mơ hồ, bất định về tương lai kinh tế và sự nghiệp đã đẩy một số người đến bên bờ vực… Họ tuyệt vọng và bắt đầu nung nấu muốn "trả thù đời" trước khi tự kết liễu. Khi đó, hành vi bạo lực trút giận sẽ man rợ và tàn bạo ngoài sức tưởng tượng của chính họ.

Trên thực tế, cũng có những giả thuyết đưa ra rằng sự gia tăng tội phạm bạo lực cũng đến từ những người thiếu nhận thức đúng đắn vào sự an toàn của môi trường xã hội. Họ đã tiếp xúc quen với việc hành xử bạo lực "luật rừng" qua những chất liệu bạo lực trên truyền thông và cuộc sống xung quanh.

Chính vì vậy, họ cũng "tự xử" bằng bạo lực khi đối diện với những ấm ức trong cuộc sống. Ví dụ điển hình cho những vụ việc bạo lực kiểu này là việc người dân đánh chết kẻ trộm chó.

"Khi nhìn kỹ hơn, chúng ta có thể dự đoán rằng, tỷ lệ tội phạm bạo lực có thể gia tăng gay gắt nhất ở những đối tượng có thu nhập không ổn định, an sinh kém và trình độ học vấn thấp. Những người này không thể tiếp cận với các nguồn lực có thể hỗ trợ họ, cả về mặt tài chính, về mặt thông tin pháp luật hay tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần", chuyên gia tâm lý học cho hay.

4 vụ án mạng một ngày: Cần hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn quốc - 2

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, vấn nạn bạo lực gia tăng do chịu tác động hậu đại dịch, trong khi nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa được đáp ứng đầy đủ. (Ảnh: NVCC).

Giải pháp giảm thiểu vấn nạn bạo lực

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, trên thực tế, việc giữ cho một cộng đồng an toàn phụ thuộc vào sự sẵn có của các nguồn lực giúp giữ cho cộng đồng an sinh ổn định. Bao gồm nhà ở, giá cả có thể chi trả được, được tiếp cận giáo dục chất lượng, có công ăn việc làm, có khả năng tiếp cận với các nguồn hỗ trợ từ xã hội và cộng đồng, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sức khỏe tâm thần tâm thần và chăm sóc trẻ em...

Đại dịch đã ít nhiều làm giảm hoặc loại bỏ khả năng tiếp cận với những điều kiện này. Vì vậy, để giải quyết bài toán bạo lực trong xã hội sẽ phải là một phương trình tổng thể từ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra nhiều vị trí việc làm, hỗ trợ chỗ ở và an sinh cho người lao động, hỗ trợ hệ thống giáo dục để đưa con cái của người lao động tới trường, phát triển các dịch vụ công tác xã hội và tâm lý…; tăng cường củng cố hệ thống trấn áp tội phạm; tuyên truyền pháp luật.

Có lẽ cũng vì nhận thấy được những nguy cơ và hậu quả mà đại dịch Covid-19 để lại nên mục tiêu của ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10/10 năm nay cũng là "Làm cho sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của mọi người trở thành ưu tiên toàn cầu".

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, chúng ta cần phải thực sự quan tâm và thúc đẩy việc xây dựng, phát triển hệ thống tâm lý trị liệu toàn quốc và một chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng đặc biệt là chiến lược chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và vị thành niên; đưa các chương trình giáo dục về vệ sinh sức khỏe tâm thần vào trong các chương trình học đường.

"Cá nhân tôi cảm thấy rất vui mừng là trong mấy ngày qua, Quốc hội đã thảo luận rất sôi nổi về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh và theo ý kiến của các đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung chức danh "tâm lý trị liệu" tại điểm H, khoản 1, điều 20, và giữ quy định về cấp giấy phép hành nghề cho y sỹ…

Ông Nam bày tỏ hy vọng trong tương lai không xa, sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ phát triển tâm lý trị liệu như hoàn thiện mã nghề "tâm lý trị liệu", cấp chứng chỉ hành nghề tâm lý trị liệu, mở các mã ngành đào tạo tâm lý trị liệu. Xem xét đưa các dịch vụ tâm lý trị liệu vào danh mục được bảo hiểm chi trả.

Đồng thời, có các vị trí việc làm cho nhà tâm lý trị liệu và xây dựng cơ chế tuyển dụng cán bộ trị liệu tâm lý làm việc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Có như vậy, vấn đề sức khỏe tâm thần của cộng đồng mới được quan tâm đúng mức, kịp thời chăm lo và tháo gỡ những "ngòi nổ chậm" trước khi nó tạo nên hệ quả tai hại cho xã hội.