Loạt ngân hàng tăng lãi suất, 4 ông lớn vẫn chưa vào cuộc
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 10:09, 26/10/2022
Tại ngân hàng Sacombank, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng được nâng lên 5,6-6%/năm cho mức từ 4,1-4,6%/năm trước đó. Với mức giao dịch tại quầy, lãi suất tiền gửi từ 6-11 tháng được nâng từ 5,8-6,3%/năm lên 7-7,25%/năm.
Trong khi đó, kênh online kỳ hạn dưới 6 tháng được Sacombank tăng lên mức kịch trần là 6%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng là 7,8%/năm và 8%/năm ở kỳ hạn 24 tháng.
Ngoài Sacombank, một số ngân hàng khác như BacABank, NCB, SeABank, VIB cũng đưa ra biểu lãi suất huy động mới, đặc biệt ở kỳ hạn dưới 6 tháng.
Trong đó, ở kỳ hạn dưới 6 tháng của BacABank, NCB có mức lãi suất kịch trần là 6%/năm, còn SeABank cũng điều chỉnh tăng ở tất cả các kỳ hạn.
Ở kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), lãi suất tiết kiệm tại quầy tăng lần lượt 5,7%/năm và 5,9%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tăng lần lượt lên 6,8%/năm và 7,5%/năm, còn đối với 36 tháng lãi suất là 7,8%/năm. Ở kênh online, OCB đưa ra mức lãi suất 7,85%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng, trong khi kỳ hạn 12-24 tháng tăng lên 7,8%/năm.
Ngoài những ngân hàng trên phản ứng trước quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng khác vẫn chưa có động thái điều chỉnh lãi suất. Đặc biệt, nhóm Big4 là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank hiện vẫn duy trì mở mức 6-6,4%/năm ở kỳ hạn 12 tháng, còn ở kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn quanh mức 4-4,5%/năm.
Trước đó, ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định tăng các lãi suất điều hành thêm 100 điểm phần trăm.
Cụ thể, lãi suất tái chiết khấu được tăng từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.