Con trai bà Nguyễn Phương Hằng nộp 10 tỉ đồng bảo lĩnh mẹ tại ngoại, luật quy định ra sao?

Pháp luật - Ngày đăng : 20:32, 25/10/2022

Vừa qua, con trai bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, CEO Công ty CP Đại Nam) đã gửi đơn đến Công an TP HCM và VKSND TP HCM để bảo lĩnh cho mẹ được tại ngoại.

Trong đơn, ông Tuấn trình bày bà Hằng phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, chưa có tiền án và có nơi ở rõ ràng. Trước khi bị bắt, bà Hằng có nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cơ quan nhà nước, nhiều tổ chức xã hội về hoạt động từ thiện.

Ông Tuấn cũng khẳng định từ khi bị tạm giam mẹ ông đã thành khẩn khai báo, nhiều lần tự viết đơn xin được tại ngoại để điều trị bệnh và cam kết không tái diễn hành vi livestream trên mạng xã hội.

Con trai bà Nguyễn Phương Hằng cho biết mẹ ông đang điều trị nhiều bệnh như cao huyết áp, rối loạn lo âu, rối loại lipid máu, mất ngủ kéo dài, u xơ tử cung… phải thường xuyên uống thuốc điều trị.

Con trai bà Nguyễn Phương Hằng nộp 10 tỉ đồng bảo lĩnh mẹ tại ngoại, luật quy định ra sao? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng

Đồng thời, bà Nguyễn Phương Hằng là người chăm sóc mẹ già hơn 80 tuổi, con nhỏ và là người điều hành hoạt động doanh nghiệp với rất nhiều người lao động...

Từ đó, ông Tuấn có đơn xin được đặt 10 tỉ đồng để bảo lĩnh cho bà Hằng được tại ngoại.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) cho biết hiện nay luật quy định rất rõ về việc bảo lĩnh và đặt tiền để đảm bảo.

Theo đó, Điều 121 Bộ luật Tố tụng Hình sự định nghĩa bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, VKSND, TAND có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

"Bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan, đồng thời không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội", bà Nguyễn Thị Thu Thủy nói.

Trong khi đó, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự cho phép được đặt tiền để bảo đảm. Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm nhưng không dưới 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng, 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 300 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm được thực hiện theo đúng quy trình và có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng với Kho bạc Nhà nước, cơ quan tài chính trong Quân đội; bảo đảm quyền được trả lại tiền của bị can, bị cáo, người thân thích của bị can, bị cáo khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ cam đoan.

PHẠM DŨNG