Công dân Mỹ bị cấm làm việc cho công ty chip của Trung Quốc

Công nghệ - Ngày đăng : 13:23, 25/10/2022

Ít nhất 43 nhân sự cấp cao là người Mỹ đang làm việc tại 16 công ty bán dẫn của Trung Quốc. Nhiều người trong số còn này đang giữ các vị trí quan trọng như CEO hoặc phó chủ tịch.
Nhiều nhân sự cấp cao người Mỹ đang làm việc cho các công ty sản xuất chip của Trung Quốc có thể bị mất việc do lệnh cấm mới. Ảnh: WSJ.

Hiện tại, nhiều nhân sự người Mỹ đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong ngành chip tại Trung Quốc, giúp những nhà sản xuất phát triển sản phẩm mới để bắt kịp các đối thủ nước ngoài. Giờ đây, những nhân sự đó đang gặp khó khăn do Mỹ cấm công dân hỗ trợ lĩnh vực chip của Trung Quốc.

Theo Wall Street Journal, có ít nhất 43 nhân sự cấp cao người Mỹ đang làm việc tại 16 công ty bán dẫn lớn của Trung Quốc. Theo hồ sơ công khai, hầu hết giám đốc điều hành đều chuyển công tác từ Thung lũng Silicon sang Trung Quốc thông qua chương trình “Nghìn nhân tài” của nước này.

Tuy vậy, trong tháng 10, Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát lĩnh vực xuất khẩu đối với một loạt sản phẩm chip và công nghệ sản xuất chip, đánh dấu “cuộc tấn công lớn nhất” của Mỹ đối với ngành công nghệ của Trung Quốc. Không chỉ vậy, cơ quan này cũng cấm các công dân Mỹ được tiếp tục làm việc với Trung Quốc như một phần trong lệnh kiểm soát toàn diện.

My cam cong dan anh 1
Hầu hết nhân sự người Mỹ đang làm việc tại các công ty sản xuất chip của Trung Quốc đều nắm giữ vị trí quan trọng. Ảnh: Reuters.

Trước tình hình này, một số công ty bao gồm Naura Technology Group, có trụ sở tại Bắc Kinh và nhà sản xuất thiết bị ASML Holding của Hà Lan đã đình chỉ công việc đối với các nhân viên có quốc tịch Mỹ. Ông Dane Chamorro, người đứng đầu bộ phận rủi ro toàn cầu của công ty tư vấn kinh doanh Control Risks cho biết việc hạn chế Trung Quốc tiếp cận nhân tài của Mỹ sẽ khiến nhiều công ty sản xuất chip gặp khó khăn.

“Công nghệ sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có những người ở đó và làm cho nó hoạt động”, ông Dane Chamorro nhận định.

Ngược lại, bà Anne Hoecker, một đối tác tại công ty tư vấn quản lý Bain & Company, cho biết việc hạn chế nhân tài cùng với các lệnh cấm khác có thể làm chậm đáng kể sự phát triển của lĩnh vực chip tại Trung Quốc. Song, điều này không đủ sức để khiến các công ty rơi vào hỗn loạn.

“Có một điều mà Trung Quốc rất nhất quán, đó là nhu cầu xây dựng nguồn cung chất bán dẫn nội địa. Họ sẽ tiếp tục bỏ rất nhiều tiền vào lĩnh vực chip và đẩy mạnh chúng”, bà Anne Hoecker nói.

Hiện tại, nhiều công ty sản xuất chip tại Trung Quốc hoặc đặt nhà máy tại quốc gia này đều yêu cầu nhân sự là người Mỹ dừng công việc cho đến khi có thông báo mới.

Ngoài ra, những quy định mới cũng có thể ảnh hưởng đến nhân viên của các công ty Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ. Điển hình như Yangtze Memory Technologies, nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu của Trung Quốc, có văn phòng đặt tại California, nhân viên của công ty có thể phải nghỉ việc tạm thời do các lệnh cấm mới ban hành.