Cạn kiệt vắc xin, tăng nguy cơ dịch bệnh quay lại
Tin Y tế - Ngày đăng : 11:00, 25/10/2022
Sáng 24/10, chị Lê Phan Hồng Ngân (26 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM) đưa con 11 tháng tuổi đến cơ sở tiêm chủng thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC, số 699 Trần Hưng Đạo, quận 5) để tiêm phòng sởi. Tuy nhiên, tại đây nhân viên y tế thông báo đã hết vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin dịch vụ cũng không còn. “Tôi cảm thấy lo lắng vì con mình đã trễ thời gian tiêm vắc xin sởi theo quy định. Tôi hy vọng sẽ sớm có vắc xin để bé được tiêm ngừa, tránh nguy cơ nhiễm bệnh” - chị Hồng Ngân nói.
Thiếu vắc xin khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của con em mình ảnh: Vân Sơn |
Thiếu vắc xin tiêm phòng cho trẻ là tình trạng đang diễn ra trên địa bàn TPHCM. Dự báo, nếu không được cung ứng kịp thời, từ nay đến cuối năm, nguồn vắc xin tiêm phòng cho trẻ sẽ bị cạn kiệt. Vắc xin ngừa COVID-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi với 2 loại chính được dùng là Moderna và Pfizer cũng rơi vào tình trạng khan hiếm và gián đoạn nguồn cung ứng từ nhiều tháng qua. Hiện nay, nhiều trẻ đã đến thời gian tiêm mũi nhắc lại theo quy định, tuy nhiên ngành y tế TPHCM vẫn chưa nhận được nguồn vắc xin cung ứng.
“Chúng ta đã nhiều lần đối mặt với dịch bệnh vì người dân không chịu tiêm các loại vắc xin phòng bệnh, khi đó rõ ràng lỗi là ở người dân. Bây giờ không có vắc xin để tiêm cho người dân thì cần phải xem lại trách nhiệm của các bên liên quan, bởi dịch bệnh xảy ra có thể ảnh hưởng đến toàn xã hội, đe dọa sức khỏe, sinh mạng của thế hệ trẻ. Hiện nay, vắc xin trên toàn cầu không thiếu, nhưng chúng ta lại đang bị thiếu kéo dài”.
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TPHCM
Trao đổi với phóng viên về phương án tháo gỡ khó khăn vắc xin COVID-19, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết: “Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Quốc gia, trong tháng 10/2022 dự kiến vắc xin Moderna cho trẻ em sẽ được nhập về 300.000 liều và sau đó sẽ nhập thêm 1,2 triệu liều vắc xin Pfizer. Sau khi nhập, Bộ Y tế sẽ tiến hành phân bổ cho từng địa phương, trong đó có TPHCM”.
Loại bệnh đe dọa sự an toàn của trẻ
Ngoài vắc xin ngừa COVID-19, thành phố đang đối mặt với tình trạng hết các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. HCDC dự báo, thành phố đang có nguy cơ thiếu 6 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, gồm: Sởi; DPT (Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván); Viêm não Nhật Bản; Lao; Sởi - Rubella (MR) và DPT-VGB-Hib (SII). Riêng vắc xin Sởi và DPT Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia đã ngừng cấp cho TPHCM từ tháng 5/2022.
Ước tính mỗi tháng, ngành y tế TPHCM cần từ 5.000 đến 11.000 liều mỗi loại vắc xin trên để tiêm miễn phí cho trẻ. Trong đó, vắc xin ngừa lao cần hơn 9.400 liều, Viêm não Nhật Bản hơn 6.300 liều, Sởi - Rubella gần 6.000 liều, DPT - VGB - Hib hơn 8.800 liều, Bại liệt hơn 11.400 liều, Sởi hơn 8.000 liều. Tuy nhiên, nguồn vắc xin dự trữ trong kho của HCDC và Trung tâm Y tế các quận huyện đã cạn kiệt. Tính đến giữa tháng 10 vắc xin Lao chỉ còn hơn 26.000 liều, Viêm não Nhật Bản còn hơn 4.200 liều, Sởi - Rubella còn 600 liều; DPT-VGB-Hib còn gần 25.000 liều.
Gần 10.200 loại thuốc, vắc xin được gia hạn đăng kí lưu hành
Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) vừa gia hạn giấy đăng kí lưu hành thêm 55 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nâng tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế được gia hạn qua 4 đợt lên đến con số gần 10.200 trong hơn 4 tháng qua.
Những thuốc này gồm các loại sử dụng cho bệnh nhân suy giảm chức năng gan, hỗ trợ giải độc, chống dị ứng và trong điều trị xơ vữa động mạch; thuốc trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp, thuốc hướng tâm thần, chống loạn thần; trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; điều trị triệu chứng như buồn nôn và nôn do tình trạng đau nửa đầu cấp tính gây ra… Kem bôi trị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, viêm da; điều trị các nhiễm khuẩn tại chỗ do các chủng vi sinh vật nhạy cảm, đặc biệt là tụ cầu vàng...
Thái Hà
Trước tình hình trên, tuần qua BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đã ký Tờ trình “khẩn” về việc cung ứng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng gửi đến UBND TPHCM. Theo Sở Y tế, đã nhiều lần gửi công văn đến thành phố và Bộ Y tế, tuy nhiên đến nay Sở vẫn chưa nhận được phân bổ thêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Do đó, khả năng cung ứng vắc xin trong chương trình tiêm chủng của TPHCM thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thiếu vắc xin sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành quả của chương trình tiêm chủng mở rộng, nguy cơ khiến dịch bệnh quay trở lại. Ngày 24/10, trao đổi với phóng viên, BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TPHCM cho hay: “Lỗ hổng miễn dịch sẽ được tạo ra khi số trẻ không được tiêm phòng đầy đủ, đúng thời gian quy định của các loại vắc xin tăng lên. Khi gặp tác nhân gây bệnh, nhóm trẻ chưa có kháng thể bảo vệ sẽ bị tấn công, nguy cơ các loại bệnh đã có vắc xin phòng ngừa sẽ gia tăng. Một trong những loại bệnh đang đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của trẻ trong giai đoạn cuối năm nay chính là sởi”.