Nền tảng chiến đấu tiềm năng của lực lượng không quân Ấn Độ

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 09:04, 25/10/2022

Máy bay trực thăng chiến đấu hạng nhẹ (LCH) nội địa được kỳ vọng trở thành một trong những “át chủ bài” đáp ứng nhiều yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị không quân thuộc quân đội Ấn Độ.

Vừa qua, tập đoàn hàng không vũ trụ quốc doanh Ấn Độ Hindustan Aeronautics Limited (HAL) lần lượt chuyển giao máy bay LCH để chính thức đưa vào biên chế của lục quân và không quân nước này. Trước đó, Ủy ban Nội các về an ninh (CCS) của Ấn Độ do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu đã phê chuẩn kế hoạch mua lô LCH thứ nhất với số lượng 15 chiếc để bàn giao cho hai lực lượng trên đến đầu năm 2023.

“Sau hai thập niên nỗ lực nghiên cứu và phát triển, máy bay LCH sẽ giúp củng cố năng lực tác chiến của quân đội Ấn Độ”, Hindustan Times dẫn chia sẻ của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh trên trang Twitter cá nhân.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh (hàng đầu, thứ nhất, từ trái sang) tại buổi lễ chính thức đưa máy bay LCH vào biên chế của không quân nước này. Ảnh: The Indian Express

Chính quyền New Delhi công bố ý định tự chế tạo một dòng trực thăng chiến đấu hạng nhẹ vào năm 2006.

Quân đội Ấn Độ đang cần một dòng trực thăng hạng nhẹ, trang bị khí tài linh hoạt, tính cơ động tốt, tầm bay mở rộng, khả năng hoạt động ở khu vực có độ cao lớn, kể cả trong địa hình núi non và chiến đấu mọi thời điểm cũng như điều kiện thời tiết.

Từ những yêu cầu trên, HAL đã phát triển máy bay LCH dựa trên nguyên mẫu của trực thăng đa dụng Dhruv cũng do tập đoàn này sản xuất. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của máy bay LCH diễn ra tại thành phố Bangalore, phía Nam Ấn Độ vào tháng 3-2010.

Nhiệm vụ chính của máy bay là tiêu diệt xe bọc thép và bộ binh, hỗ trợ hỏa lực mặt đất, khắc chế cứ điểm phòng không đối phương, chống khủng bố, trinh sát, hộ tống, tìm kiếm cứu nạn, cũng như chống lại một số mục tiêu bay có vận tốc thấp như máy bay không người lái (UAV).

Theo công bố của nhà sản xuất, máy bay LCH có kíp lái 2 người, trọng lượng rỗng 2,25 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 5,8 tấn, trong đó tải trọng vũ khí 1,2 tấn. Được lắp 2 động cơ HAL/Turbomeca Shakti-1H1 công suất gần 1.400 mã lực mỗi chiếc, máy bay đạt tốc độ tối đa 330km/h, trần bay 6.500m, tầm hoạt động 550km. Đáng chú ý, máy bay LCH hiện là mẫu trực thăng tấn công duy nhất trên thế giới có thể cất hạ cánh ở độ cao 5.000m so với mực nước biển.

Phi công được trang bị mũ bay tích hợp công nghệ hiển thị mục tiêu trên kính. Ngoài ra, hệ thống cảm biến được lắp trên mũi máy bay có thể đưa ra chỉ thị và khóa mục tiêu. Về hỏa lực, trực thăng lắp pháo bắn nhanh Giat M621 20mm của Pháp.

Hai bên cánh máy bay cũng được thiết kế để mang theo nhiều loại vũ khí tùy theo từng nhiệm vụ khác nhau như tên lửa không đối không tầm ngắn, tên lửa chống tăng, rocket, bom chùm hoặc bom không dẫn đường.

Được biết, HAL đã chuẩn bị dây chuyền với công suất sản xuất 30 máy bay LCH mỗi năm và kỳ vọng có thể giành được hợp đồng cung cấp khoảng 150 chiếc từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, cũng như hướng tới xuất khẩu dòng trực thăng này.

Thành công bước đầu của dự án phát triển máy bay LCH được coi là dấu mốc tiếp theo của nền công nghiệp quốc phòng Ấn Độ trong việc tăng cường tự chủ, tiết kiệm ngân sách quốc gia, giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, theo tinh thần các sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” và “Ấn Độ tự cường” mà chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng.

Trong đó, thông qua những chiến lược này, Ấn Độ không ngừng thúc đẩy khả năng thiết kế, phát triển, sản xuất các hệ thống và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực quốc phòng, từ đó tạo thêm việc làm cho lao động trong nước cũng như nâng cao vị thế của New Delhi trên thị trường vũ khí toàn cầu.

VĂN HIẾU