Về Trà Vinh ghé 'bảo tàng mỹ thuật truyền thống' Phước Minh Cung
Du lịch online - Ngày đăng : 14:59, 24/10/2022
Nhắc đến Trà Vinh, người ta thường nghĩ ngay đến vùng đất nổi danh với những tích truyện diệu kỳ của đồng bào Khmer vốn đã có mặt lâu đời tại đây. Thế nhưng Trà Vinh không chỉ là sự hiện thân duy độc của nền văn hóa Khmer, mà còn là sự cộng cư của người Kinh, người Chăm và người Hoa. Bốn tộc người đã tạo nên một nền văn hóa với sự giao thoa đặc sắc, một nền văn hóa “rất Trà Vinh”.
Phước Minh Cung nhìn từ ngoài vào với cửa chính điện hướng ra phía đông, biểu tượng cho mùa xuân, cho thần thú Thanh Long trong phong thủy. Ảnh: An Võ.
Trong không gian văn hóa ấy thì Phước Minh cung hay còn gọi là miếu Quan Đế hiện lên như một nhân chứng luôn đứng kiên vững trong dòng chảy vun vút của thời gian, là dấu tích không thể chuyển lay vẫn đang tiếp tục kể lại câu chuyện người Hoa đã đến vùng đất này lập nghiệp từ những ngày đầu mở cõi qua bao nhiêu thế hệ ra sao.
Bia ký hoa cương kỷ niệm Phước Minh Cung được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Toạ lạc tại trung tâm Trà Vinh, nằm trên một trong những con đường sầm uất bậc nhất của thành phố này, vị trí của Phước Minh cung cho thấy rằng bất kể nơi nào người Hoa đặt chân đến sinh sống thường sẽ trở thành khu giao thương buôn bán tấp nập. Dù không gian xung quanh hiện đại hóa dần theo sự phát triển của thời đại, nhưng Phước Minh cung vẫn giữ gìn được nét cổ kính vốn có của riêng nó, một hòn ngọc của người Hoa tại Trà Vinh đã ngót gần 466 năm tuổi.
Bia ký đá ghi lại niên đại xây dựng Phước Minh Cung. Chữ nhỏ ở góc trái là nhất ngũ ngũ lục niên, nghĩa là năm 1556.
Theo bia ký ghi lại, hội quán này của người Hoa gốc Phúc Kiến được xây dựng vào năm 1556, tức năm Bính Thìn. Nhưng mãi đến đầu thế kỷ 20 những giá trị nghệ thuật của công trình tâm linh này mới được nhìn nhận và quan tâm đúng mực. Sau đó vào tháng 11/2005, Phước Minh cung chính thức được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
Bức hoành phi đề hiệu “Phước Minh Cung”, phía trên là bức hoành phi nhỏ đề “nghĩa khí” – một trong những phẩm chất nổi bật của vị chính thần Quan Thánh Đế Quân.
Phước Minh cung được xây dựng theo lối kiến trúc “Nội Công Ngoại Quốc” với tổng diện tích hơn 800m2, với ba gian điện thờ Tiền – Trung – Chính. Tương tự như hầu hết các Hội quán khác của người Hoa, ngoài ba gian điện thờ chính thì Phước Minh Cung còn xây dựng thêm hai gian Tả – Hữu ở các bên tạo thành hình chữ “Khẩu” khép kín cho tổng thể công trình.
Bức hoành phi trên trên lối vào đề “Thanh Trung Đại Nghĩa” thể hiện khí chất của Quan Công.
Giữa các không gian có sân thiên tĩnh và hành lang tương thông nhau, cùng các trụ tròn vuông chêm các bệ đá vuông và tròn tùy ứng thể hiện sự hài hòa âm dương, tỏ ra tính uy nghi vững chắc cho tổng thể công trình.
Các kiến trúc được nối với nhau bằng sân thiên tĩnh và dãy hành lang hai bên.
Thùng Hương Dầu để đóng góp lo việc nhang khói.
Phước Minh cung thờ phượng các vị thần đặc trưng của tín ngưỡng dân gian truyền thống người Hoa, Tiền điện thờ cúng bài vị chân linh các vị Tiền Hiền – Hậu Hiền có công khai hoang mở cõi cùng kim thân của đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Chính Điện được phân thành ba gian thờ phụng lần lượt các vị từ phải sang là Chủ Sanh Nương Nương, Quan Thánh Đế Quân và Phước Đức Chánh Thần, ngoài ra còn nhiều tôn tượng nhỏ cũng được phụng thờ trước bàn thờ chính.
Trang thờ Quan Thánh Đế Quân tại chính điện.
Tôn tượng Phước Đức Chánh Thần cũ trước khi trùng tu vẫn được phụng thờ trước trang thờ chính.
Điểm đặc biệt của Phước Minh cung chính là nghệ thuật kiến trúc được sử dụng để tô hương điểm sắc cho công trình tâm linh này. Phần mái được thiết kế theo kiểu “trùng thềm điệp ốc” đi liền với mặt dựng đầu hồi trang trí bằng các đồ án đặc trưng của nghệ thuật Trung Hoa, tiêu biểu là cặp “Lưỡng Long Tranh Châu” trên đỉnh mái, ngoài ra còn lợp ngói âm dương tiểu đại với giàn khung sườn chịu lực bằng gỗ quý.
Phù điêu đắp nổi Bát Tiên cùng thần thú.
Phù điêu Hổ bên trái mặt tiền của miếu.
Bên cạnh những bức liễn đối, hoành phi được sơn son thếp vàng thì Hội quán còn có nhiều bức tranh đắp nổi thể hiện những câu chuyện thần tiên trong Đạo giáo và các giai thoại xưa của người Hoa như: “Bát Tiên Kỵ Thú”, “Tùng Hạc Trường Xuân”, “Đào Viên Kết Nghĩa”,...
Ngói lưu ly lợp âm dương tiểu đại.
Bức phù điêu “Đào Viên Kết Nghĩa” ở mặt sau của Phước Minh cung.
Người Hoa đã đến xứ Trà Vinh sinh sống qua muôn nghìn thế hệ, trong hành trình ấy họ đã dựng xây nên những kiến trúc hữu hình mà đến tận ngày hôm nay vẫn còn hiện diện, chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa quý báu.
Phước Minh cung là chứng nhân thời đại ôm ấp muôn miền ký ức về những gì đã qua, để rồi chắc hẳn bất cứ ai khi đến đây đều sẽ được nghe, được thấy những câu chuyện, những hồi ức của những người khách xa lạ đã đến, đã chọn nơi đây và dừng chân lại.