Đề xuất cấm quấy rối, xâm hại tình dục người bệnh vào dự thảo Luật Khám, chữa bệnh

Tin Y tế - Ngày đăng : 12:23, 24/10/2022

Góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm: Cấm lợi dụng việc khám chữa bệnh để có hành vi quấy rối tình dục người bệnh, người thân người bệnh.

Đưa hành vi cấm lợi dụng việc khám bệnh, chữa bệnh để quấy rối, xâm hại tình dục vào dự thảo luật

Góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) cho biết, quy định hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 7 dự thảo luật, bà đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm đối với người hành nghề và lao động khác. Đó là cấm lợi dụng việc khám bệnh, chữa bệnh để quấy rối, xâm hại tình dục người bệnh, thâm nhân người bệnh.

Sở dĩ đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị đưa hành vi này vào dự thảo luật là bởi thời gian qua, tình trạng quấy rối, xâm hại tình dục người bệnh, nhân nhân người bệnh đã diễn ra, gây bức xúc dư luận xã hội. Cho nên cần thiết phải được quy định trong luât, để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Về việc thu hồi giấy phép hoạt động, bà Yến Nhi cho rằng khoản 1 Điều 54 đã có quy định tương đối chi tiết, tuy nhiên, bà đề nghị bổ sung thêm trường hợp bị thu hồi giấy phép hoạt động khi lần thứ 2 bị cơ quan quản lý nhà nước có thầm quyền đình chỉ hoạt động do để xảy ra sai sót chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh.

"Việc bổ sung này sẽ đảm bảo xử lý nghiêm, hạn chế lặp lại những sai sót y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tạo niềm tin với người bệnh, nâng cao chất lượng khám bệnh", bà nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi. Ảnh: Qh
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi. Ảnh: Qh

Về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm trước pháp luật khi tiên lượng sai khả năng điều trị của cơ sở, dẫn đến nguy hiểm tính mạng người bệnh.

Đồng thời cần thực hiện nhanh chóng, kịp thời khi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân yêu cầu chuyển viện khẩn cấp khi được tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cũng góp ý dự thảo luật, đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn Kon Tum) cho rằng, gần đây các vụ việc người nhà bệnh nhân bạo hành nhân viên y tế, cá biệt hơn là cả bệnh nhân đang khám và điều trị cũng có hành vi bạo lực nhân viên y tế tại các bệnh viện có chiều hướng gia tăng và có những vụ việc gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Đại biểu Nàng Xô Vi – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum. Ảnh: Qh
Đại biểu Nàng Xô Vi – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum. Ảnh: Qh

Do đó, đại biểu đề nghị cần phải có bổ sung thêm vào dự thảo luật này các biện pháp phù hợp hơn, quyết liệt hơn để xử lý, chấn chỉnh hiện trạng này.

Cần chính sách đãi ngộ đặc biệt cho cán bộ ngành y

Về nội dung chính sách của nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Đoàn Sóc Trăng) cho rằng, khoản 2, Điều 4 dự thảo luật quy định có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề là chưa cụ thể, khó áp dụng trong thực tế.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đặt câu hỏi: "Yếu tố đặc biệt được định tính ở mức độ nào để đủ sức trở thành một trong những động lực cơ bản cho đội ngũ, vì ngành y là ngành có thời gian đào tạo dài hơn, đặc thù hơn các ngành khác. Đào tạo càng dài, tiêu chuẩn càng cao thì bảng lương, hệ số lương phải khác so với ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn hơn".

Ngoài ra, với tính chất đặc thù nên sẽ có những nhiệm vụ đặc biệt phát sinh như trong đại dịch COVID-19 vừa qua cần có những chính sách đãi ngộ đặc biệt để có thể áp dụng ngay khi cần, như hưởng 100% phụ cấp đặc thù, nên có một bảng lương theo từng bậc, từng ngạch riêng cho ngành y tế theo vị trí việc làm…

Góp ý vào Điều 10 của dự thảo luật, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đề nghị bỏ khoản 4: Không bị ép buộc khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại khoản 1 Điều 80 của luật này, vì trùng với khoản 18 của Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm với nội dung "bắt buộc chữa bệnh đối với người không thuộc diện bắt buộc chữa bệnh".

Đối với quyền được từ chối khám bệnh, chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 13 của dự thảo, đại biểu cho biết, khoản 2, Điều 13 nêu "được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc chữa bệnh trái với chỉ định của người hành nghề nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh".

Tuy nhiên, trên thực tế khó thực hiện vì có trường hợp bệnh nhân trốn khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nên việc thực hiện cam kết bằng văn bản không thể thực hiện được.

Do đó, đại biểu đề nghị xem xét điều chỉnh diễn đạt lại thành: "Được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc chữa bệnh nhưng phải tự chịu trách nhiệm về việc ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trái với chỉ định của người hành nghề".

Nhóm PV