Mập mờ công ty tài chính, cho vay tiêu dùng chịu 'thị phi'
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 10:49, 24/10/2022
Tăng trưởng nhanh
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74 nghìn điểm giới thiệu dịch vụ, phục vụ khoảng 30 triệu khách hàng trên toàn quốc.
Tính đến 30/9/2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng ngày càng tăng trong tổng dư nợ nền kinh tế, từ 8,17% năm 2010 lên xấp xỉ 20% cuối năm 2021 và ước tính trên 21% vào cuối năm 2022.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học, khám chữa bệnh và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống. Cho vay tiêu dùng một mặt giúp đáp ứng nhu cầu chi tiêu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đã tiếp cận đến các phân khúc khách hàng đại chúng, những người chưa thể tiếp cận được hoặc khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, lịch sử tín dụng hạn chế, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản đảm bảo… Đồng thời, góp phần mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở các địa bàn này; qua đó thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, ổn định kinh tế và công bằng xã hội.
Tuy nhiên, do thị trường tài chính tiêu dùng phát triển nhanh nên đã xuất hiện hàng loạt tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, không hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng hay các quy định pháp luật ngân hàng khác. Những tổ chức này thường sử dụng cụm từ mập mờ “công ty tài chính”, cũng thực hiện hoạt động cho vay, đã gây sự nhầm lẫn cho người dân, ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiêu dùng.
Trung tá Đỗ Minh Phương, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, hoạt động liên quan đến tín dụng đen vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng chuyển hướng lập ra doanh nghiệp “núp bóng” tài chính tiêu dùng, thông qua những ứng dụng trực tuyến, các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội,... để tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền. Ngoài lãi suất cho vay cao, còn thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật.
Bị tín dụng đen làm mất uy tín
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, bên cạnh những kết quả đạt được, các công ty tài chính cũng gặp một số khó khăn, phạm vi và quy mô hoạt động còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến chưa phát huy đầy đủ vai trò của loại hình tổ chức tín dụng chuyên biệt này. Cùng với đó, hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do Ngân hàng Nhà nước cấp phép và hoạt động tín dụng đen đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng, trong 10 năm qua, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển rất mạnh, nhưng hành lang pháp lý thì không thay đổi nhiều nên đã trở thành một trong những nguyên nhân cản trở hoạt động này. Các quy định pháp luật về cho vay tại Luật Các tổ chức tín dụng và Bộ luật Dân sự,... gần như không có thay đổi, ngoại trừ quy định về lãi suất cho vay.
Chính vì vậy, số lượng công ty tài chính trong 10 năm qua không tăng nhiều. Đến nay, vẫn chỉ có 16 công ty tài chính được cấp phép. Hoạt động cho vay tiêu dùng (không tính các ngân hàng thương mại) chủ yếu tập trung vào 3 công ty tài chính là FE Credit, Home Credit và HD Saison. Vì vậy, tính cạnh tranh trên thị trường không cao và lãi suất cho vay khó giảm. Hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.