Đường vành đai 3 hay ùn tắc do lưu lượng phương tiện gấp 8-10 lần thiết kế
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:50, 23/10/2022
Phát biểu tại cuộc họp tổng kết sau một tháng thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trên tuyến vành đai 3 - Cầu Thanh Trì do Cục CSGT (Bộ Công an) được tổ chức mới đây, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng - Đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội), cho biết, sau một tháng triển khai kế hoạch, tình hình ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên tuyến vành đai 3 có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, tình trạng ùn ứ giao thông vẫn diễn ra trong khung giờ cao điểm, sáng - trưa - chiều.
Lượng phương tiện gấp 8-10 lần so với thiết kế
Theo Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, có nhiều nguyên nhân xảy ra tình trạng này, trong đó có những nguyên nhân điển hình như lưu lượng phương tiện tham gia giao thông qua khu vực quá lớn.
“Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông vượt quá thiết kế của tuyến đường từ 8 đến 10 lần. Cụ thể, so với thiết kế của tuyến đường là 15.000 phương tiện quy chuẩn trên một ngày đêm nhưng theo thống kê, số lượng phương tiện lưu thông thực tế qua đây trong năm 2021 là 124.049 phương tiện quy chuẩn trên ngày đêm. Đặc biệt, vào các ngày cuối tuần và các ngày trước, sau kỳ nghỉ lễ, Tết các phương tiện gia tăng đột biến gấp nhiều lần so với ngày bình thường”, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng cho hay.
Cùng đó là do các phương tiện nhập dòng, tách dòng tại các đường dẫn lên - xuống đường trên cao, xung đột giao thông, gây ra tình trạng ùn ứ giao thông tại các điểm lên xuống Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi và hậu quả là ùn ứ kéo dài đến cầu cạn Pháp Vân, thậm chí đến cả cầu Thanh Trì.
Trên tuyến vành đai 3 trên cao thường xuyên xảy ra các vụ va chạm giao thông với trung bình 3-5 vụ một ngày, dẫn đến cản trở phương tiện giao thông, gây nên tình trạng ùn ứ giao thông kéo dài nếu không có lực lượng giải quyết kịp thời.
Do sự cố chết máy, nổ lốp của các phương tiện, chủ yếu là các phương tiện vận tải hàng hóa cỡ lớn như container, xe tải trên 10 tấn. Cụ thể, qua gần một tháng thực hiện kế hoạch cho đến nay có đến 123 phương tiện bị chết máy, sự cố, trung bình 5,8 vụ/ngày.
Ngoài ra các phương tiện thường xuyên vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp trên đường vành đai 3 trên cao dẫn đến các phương tiện cẩu kéo hoặc lực lượng chức năng được huy động lên để giải quyết sự cố mất nhiều thời gian mới tiếp cận được hiện trường dẫn đến ùn ứ giao thông càng kéo dài…
Cùng chung quan điểm, Thiếu tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội) chỉ ra việc tổ chức giao thông trên tuyến có nhiều bất cập. Cụ thể, có quá nhiều nút giao ra vào đường vành đai 3 trên cao cũng gây nên những xung đột và ùn ứ giao thông.
“Hiện nay trên tuyến vành đai 3 trên cao lực lượng CSGT không thể đứng kiểm soát tại một điểm và dừng xe xử lý trên đường cao tốc trong khi hệ thống camera hoạt động chưa ổn định, do vậy, khi không có lực lượng chức năng một số người tham gia giao thông có ý thức kém cố tình vi phạm. Sự kết nối giữa các đơn vị để điều tiết giao thông khi có sự cố xảy ra chưa được nhịp nhàng và kịp thời. Thiếu thiết bị nghiệp vụ (camera) để phục vụ việc ghi hình, phát hiện vi phạm khi không có lực lượng chức năng. Hệ thống biển báo chưa được đồng bộ, thông suốt trên toàn tuyến, đồng thời các mốc giới chưa được thể hiện rõ ràng do quá trình thời gian lâu bị mờ...”, Thiếu tá Phạm Văn Chiến nói.
Hàng loạt bất cập trên tuyến vành đai 3
Phát biểu tại cuộc họp, Thiếu tá Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát phát hiện trên vành đai 3 còn một số những khó khăn vướng mắc, thậm chí là bất cập… dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông trên tuyến diễn biến phức tạp.
“Những tồn tại, bất cập Phòng CSGT sẽ có ý kiến và đề xuất các giải pháp với các cơ quan có liên quan phối hợp sớm xử lý dứt điểm vấn đề đó. Ngoài ra một trong những nguyên nhân chính là các phương tiện dừng đỗ không đúng quy định gây ra ùn tắc, Phòng đã đang tập trung xử lý tình trạng này và sớm đề xuất nâng cấp dự án trung tâm giám sát điều khiển giao thông. Khắc phục những lỗi của hệ thống camera và tăng cường xử lý qua hệ thống camera giám sát… Kết hợp với đơn vị trên địa bàn để kịp thời dừng phương tiện xử lý kịp thời… Ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật hiện đại dùng trong nghiệp vụ để giám sát, điều khiển, xử lý vi phạm”, Thiếu tá Trần Anh Tuấn nói.
Liên quan vấn đề này, Thượng tá Lê Quang Hòa - Trưởng phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn, Cục CSGT (Bộ Công an) - cho biết, vành đai 3 là tuyến đường tránh huyết mạch ra vào TP Hà Nội, tuyến giao thương kinh tế trọng điểm, đồng thời kết nối mọi tuyến đường cao tốc với phần lớn các con đường chính và hầu hết các khu đô thị mới của Hà Nội.
“Qua một tháng thực hiện kế hoạch trên tuyến vành đai 3, với lần đầu tiên triển khai lực lượng CSGT tuần tra lưu động bằng xe mô tô đặc chủng trên tuyến nên tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực. Giải quyết được ngay, kịp thời sự cố phương tiện, tai nạn giao thông trên tuyến đã giải quyết sớm được nguyên nhân gây ùn tắc giao thông; không còn tình trạng tắc nghẽn giao thông trên tuyến, các phương tiện lưu thông bình thường, ổn định, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân được nâng cao rõ rệt.
Lực lượng CSGT trong một tháng qua xử lý cơ bản được vấn đề vi phạm “đi vào làn đường khẩn cấp”, đã dành làn đường này phục vụ kịp thời cho các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, hoạt động của xe ưu tiên, dẫn đoàn và đặc biệt là các trường hợp xe cứu thương vận chuyển cấp cứu bệnh nhân…”, Thượng tá Lê Quang Hòa cho hay.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Lê Quang Hòa, cùng với những chuyển biến tích cực trong nhận thức, hoạt động của người dân và của tình hình chung giao thông trên tuyến; vào các khung giờ cao điểm hàng ngày, lưu lượng tham gia giao thông vẫn ở mức rất cao, tình trạng ùn ứ vẫn diễn ra nhưng chỉ tập trung tại các điểm lên, xuống vành đai 3 trên cao do xung đột của các dòng phương tiện đi lên, đi xuống và đi thẳng.
Nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc tại vành đai 3 được Thượng tá Lê Quang Hòa chỉ ra chủ yếu là do mật độ phương tiện tham gia giao thông trên tuyến rất cao, vượt gấp nhiều lần thiết kế phục vụ vào khung giờ trong ngày, đặc biệt là giờ cao điểm.
“Vành đai 3 được thiết kế là tuyến vành đai thành phố kết nối các tuyến quốc lộ, cao tốc tạo vành đai phương tiện tránh đi vào nội đô thành phố, nhưng với lưu lượng phương tiện lưu thông quá lớn bao gồm nhiều phương tiện có tải trọng, khổ lớn di chuyển và có quá nhiều điểm lên, xuống nên rất nhiều loại phương tiện trong nội đô cũng di chuyển trên tuyến này dẫn đến thực chất tuyến này đã trở thành tuyến nội đô thành phố. Chỉ tính riêng đoạn từ nút giao Nam Thăng Long đến nút giao Lĩnh Nam chỉ dài 20km nhưng có đến 10 điểm lên, xuống/1 chiều đường gây cản trở, xung đột giao thông”, Thượng tá Lê Quang Hòa chỉ ra những điểm bất cập.
Ngoài ra, công tác tổ chức giao thông chưa hoàn thiện, tồn tại nhiều bất hợp lý dẫn đến những bất cập trong hoạt động và chưa đủ căn cứ phục vụ công tác xử lý vi phạm.
Hệ thống camera giám sát, xử phạt toàn tuyến đang hoạt động chưa nhịp nhàng, cùng với tình hình quân số thực hiện nhiệm vụ ít, tuyến, địa bàn trải dài nên không thường xuyên khép kín được địa bàn; đồng thời, kế hoạch tuần tra kiểm soát lưu động công khai, ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông yếu kém...