Sưng đau chân, acid uric tăng tưởng do gút, hoá ra mắc ung thư máu

Tin Y tế - Ngày đăng : 20:00, 22/10/2022

Không ít bệnh nhân vô tình phát hiện bị ung thư máu khi đi khám vì đau tức vùng bụng, mạn sườn hay sưng chân, acid uric tăng.

Ung thư máu mạn tính: Nam nhiều hơn nữ, tiên lượng điều trị khả quan

Ung thư máu (Lơ-xê-mi) có hai thể: cấp tính và mạn tính. Bệnh ung thư máu cấp tính có nhiều tên gọi khác như tăng bạch cầu hay máu trắng; thường tiến triển nhanh, cần phải điều trị sớm. Còn ung thư máu mạn tính thường tiến triển chậm hơn, tiên lượng điều trị khả quan hơn.

ThS.BS Nguyễn Quốc Nhật - Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương, cho hay hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể của ung thư máu mạn tính. Các yếu tố môi trường chỉ chiếm một phần nhỏ trong nguyên nhân. "Có những bệnh nhân 80-90 tuổi mới phát hiện bệnh, nhưng cũng có trẻ mới 2-3 tháng tuổi đã mắc" - BS Nhật nói. Về yếu tố gia đình, ít ghi nhận những gia đình có 2 bệnh nhân cùng mắc bệnh này một lúc.

bn-ut-1.jpg

Biểu hiện hạch to ở bệnh nhân ung thư máu mạn tính. Ảnh: BVCC

Ung thư máu mạn tính gặp nhiều hơn ở tuổi trung niên và người cao tuổi, đặc biệt là Lơ-xê-mi kinh dòng lympho. "Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư máu mạn tính nhiều hơn nữ giới" - BS Nhật cho biết. Tiếp xúc với bức xạ cũng là một trong những yếu tố nguy cơ.

Nhiều ca đi khám vì đau tức bụng, sưng chân tưởng gout lại ra ung thư máu

Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể có các triệu chứng như: Mệt mỏi, gầy sút cân, mất ngủ, ra nhiều mồ hôi trộm… Khi bệnh tiến triển hoặc giai đoạn muộn, các triệu chứng thường biểu hiện rõ hơn như: Thiếu máu, giảm tiểu cầu, gan lách to, hạch to, bệnh nhân còn có thể có biểu hiện của tắc mạch (não, phổi, chi).

Điển hình như chị N.T.Y (sinh năm 1989, quê Phú Thọ). Sáu năm trước, khi con trai đầu lòng mới 10 tháng tuổi, chị Y. thấy bản thân gầy đi rõ, tóc rụng, da xanh xao. Cơ thể xuất hiện những vết bầm tím ngày một nhiều, chân đau nhức đến không thể đi lại. Vợ chồng chị đi khắp nơi để tìm nguyên nhân, cuối cùng, bác sĩ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chẩn đoán chị mắc ung thư máu thể mạn tính ở tuổi 27.

Tuy nhiên, có tới 20-30% bệnh nhân ung thư máu mạn tính không có triệu chứng, chỉ vô tình được phát hiện khi đi khám bệnh khác hoặc khám sức khỏe định kỳ.

"Có bệnh nhân đi khám vì đau tức vùng bụng, mạn sườn, phát hiện lách to, xét nghiệm mới biết mắc ung thư máu. Ngoài ra, một trong những triệu chứng của bệnh ung thư máu mạn tính là tăng acid uric. Nhiều bệnh nhân đi khám vì đau, sưng chân tưởng do gout, nhưng xét nghiệm máu lại chẩn đoán ra bệnh ung thư", BS Nhật cho hay.

Để chẩn đoán xác định bệnh, người bệnh cần làm xét nghiệm máu, nếu nghi ngờ ung thư máu mạn tính sẽ được chỉ định làm thêm xét nghiệm tủy đồ và/hoặc sinh thiết tủy xương. Đồng thời, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm thêm các xét nghiệm di truyền, miễn dịch, chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm khác để phân loại thể bệnh, giai đoạn bệnh, phân nhóm nguy cơ, theo dõi điều trị.

Nguyên nhân của bệnh vẫn chưa rõ ràng, nên theo BS Nhật, không có cách nào để ngăn chặn triệt để bệnh ngay từ đầu. Tuy nhiên, lối sống lành mạnh, tránh tiếp xúc với các hóa chất, tia xạ và kiểm tra sức khỏe định kỳ là cách thức tốt để phòng bệnh.

Vị bác sĩ khuyên người dân nếu nghi ngờ có dấu hiệu của ung thư máu mạn tính, nhận thức được các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của bệnh, việc đi khám và làm xét nghiệm kiểm tra là rất quan trọng để chẩn đoán xác định bệnh và điều trị bệnh.