Sức khỏe bé gái 4 tuổi nguy kịch do cúm A/H5 giờ ra sao?

Tin Y tế - Ngày đăng : 08:13, 22/10/2022

Phú Thọ - Sau khi được tích cực hồi sức cấp cứu, bé gái 4 tuổi nhiễm cúm A/H5 đang dần hồi phục.

Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực cho biết: "Rất may mắn là bệnh nhân đã phục hồi và chúng tôi đã rút nội khí quản cho cháu. Cháu bé tỉnh táo nhưng về chức năng thận cần tiếp tục theo dõi và có biện pháp điều trị phù hợp".

Trước đó, Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương vào cuối giờ chiều ngày 8.10 trong tình trạng suy đa phủ tạng, suy nhiều cơ quan rất nặng và sốc nhiễm khuẩn. Các bác sĩ đã làm một loạt các xét nghiệm và phát hiện bệnh nhi mắc cúm A/H5. Trước khi vào viện, bệnh nhi bị sốt ho, vàng da, gia đình đã tự mua thuốc điều trị nhưng không khỏi.

Theo lời kể của bố của bệnh nhân, khoảng 1 tuần trước khi bé nhập viện, gia đình (tại xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phúc Thọ) có mổ thịt ngan, gà để ăn. Đại diện gia đình cho biết con ngan ốm gia đình đã vứt bỏ, chỉ thịt con còn khoẻ để ăn, tuy nhiên tất cả ngan, gà lại được nuôi chung chuồng với nhau.

Ngoài ra, thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: "Đoàn điều tra đã rà soát và lấy mẫu bệnh phẩm của 65 người là những người tiếp xúc gần hoặc là có liên quan dịch tễ tới cháu bé và rất may tất cả đều âm tính với cúm A/H5".

Ngày 20.10, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã gửi Công văn 1164/DP-DT đề nghị Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn.

Theo đó, Phú Thọ cần tổ chức điều tra và xử lý triệt để ổ dịch, tăng cường giám sát phát hiện ổ dịch mới ở người. Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.

Ngành Y tế tỉnh Phú Thọ cũng cần sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

An Trịnh