5 biện pháp phòng bệnh cúm lây từ gia cầm sang người
Tin Y tế - Ngày đăng : 20:46, 21/10/2022
Cúm gia cầm ở người có thể gây ra nhiễm trùng đường hô hấp từ nhẹ như sốt và ho, nặng như viêm phổi nghiêm trọng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (khó thở), sốc và thậm chí tử vong. Viêm kết mạc (mắt đỏ), các triệu chứng đường tiêu hóa, viêm não cũng được báo cáo ở các mức độ khác nhau.
Để phòng chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân:
- Không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
- Không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ.
- Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương.
- Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Người dân không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
Ca nhiễm cúm A/H5 mới ghi nhận là bé gái 4 tuổi, địa chỉ tại khu 10, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Đây cũng là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ, bệnh nhi đang trong tình trạng suy hô hấp, đặt nội khí quản, đang nằm điều trị tại Khoa điều trị tích cực nội - Bệnh viện Nhi Trung ương với chẩn đoán suy gan cấp, thận cấp/sốc nhiễm khuẩn/suy đa tạng/Cúm A/H5.
Theo lời người nhà của bệnh nhi kể, một tuần trước khi trẻ nhập viện, gia đình mổ ngan, gà có biểu hiện ốm để ăn. Các hộ xung quanh chưa phát hiện hộ gia đình chăn nuôi gia cầm, thủy cầm biểu biểu hiện ốm, chết; chưa phát hiện người mắc bệnh giống như bệnh nhi.
Theo VTC