Chỉ làm một việc đơn giản, có thể giúp ngăn ngừa 50% các bệnh truyền nhiễm

Tin Y tế - Ngày đăng : 16:22, 21/10/2022

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân luôn là một biện pháp đơn giản, dễ làm, hiệu quả cao trong phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm.
Chỉ làm một việc đơn giản, có thể giúp ngăn ngừa 50% các bệnh truyền nhiễm
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thực hành rửa tay với xà phòng, tuyên truyền việc rửa tay phòng dịch.

Ngày 21.10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Hiện nay, đại dịch COVID-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Các dịch bệnh khác cũng có nguy cơ bùng phát.

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng, đồng thời số ca mắc mới COVID-19 vẫn đang được ghi nhận trong thời gian gần đây.

"Nhiều người sau khi tiêm vaccine mũi 1, mũi 2 hoặc đã từng mắc COVID-19 bắt đầu chủ quan, lơ là, chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4, kể cả tiêm vaccine cho trẻ em"- bà Hương nói.

Đến nay nước ta cũng đã ghi nhận 2 ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Bên cạnh đó, dịch bệnh tay chân miệng, adeno virus có xu hướng gia tăng do tính chất lây truyền, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân chưa bảo đảm, chưa có vaccine phòng bệnh. Mới nhất, Việt Nam đã ghi nhận trở lại bệnh cúm gia cầm A(H5) sau 8 năm. 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân luôn là một biện pháp đơn giản, dễ làm, hiệu quả cao trong phòng, chống các dịch, bệnh truyền nhiễm.

Rửa tay với xà phòng ở các thời điểm quan trọng, nhất là trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh, sau khi chăm sóc người bệnh có thể ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vệ sinh tay thích hợp có thể ngăn ngừa đến gần 50% các bệnh truyền nhiễm. Vệ sinh tay cũng là một trong những biện pháp chính làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ, nhiễm khuẩn bệnh viện. Thường xuyên rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, cúm, giun sán…

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc rửa tay với xà phòng trong phòng, chống dịch bệnh và việc rửa tay với xà phòng dần dần trở thành công việc thường xuyên, thói quen hàng ngày của mỗi người dân.

"Đồng thời đảm bảo cung cấp, bố trí đầy đủ chỗ rửa tay, nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh tay tại hộ gia đình, trường học, cơ quan đơn vị, cơ sở y tế và những nơi công cộng khác để mọi người đều có thể thực hành rửa tay thường xuyên mọi lúc, mọi nơi"- bà nói. 

Với những ích lợi của việc rửa tay với xà phòng, Tổ chức Đối tác rửa tay toàn cầu đã đề xuất và phát động Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng lần đầu tiên vào năm 2008 nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rửa tay với xà phòng, đây là cách phòng bệnh đơn giản, hiệu quả và nằm trong khả năng của tất cả mọi người.

Tổ chức Y tế thế giới cũng ưu tiên đoàn kết hành động nhằm cải thiện vệ sinh tay trong các cơ sở y tế để phòng chống lây nhiễm chéo. ​

Ngày 21.10, Bộ Y tế đã chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh và Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức buổi Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Rửa tay với xà phòng năm 2022 với chủ đề “Rửa tay với xà phòng Vì một Việt Nam Vững vàng và Khỏe mạnh”.

Các đại biểu khách mời cùng học sinh, sinh viên đã thực hiện nghi thức cam kết in dấu tay, thực hành rửa tay với xà phòng hưởng ứng Ngày thế giới rửa tay với xà phòng và chứng kiến màn đồng diễn vũ điệu rửa tay với xà phòng của hơn 1000 học sinh tỉnh Bắc Ninh.

Thùy Linh