Tả quân Lê Văn Duyệt và quyền lực Gia Định thành: Cận thần vua Gia Long với công cuộc bình Man
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 14:05, 21/10/2022
Lê Văn Duyệt (1763 - 1832) là công thần từ thời vua Gia Long đến thời vua Minh Mạng, từng theo Nguyễn Ánh sang Vọng Các (tức Bangkok, Thái Lan ngày nay) lúc dấy nghiệp chống Tây Sơn, là người có sức ảnh hưởng lớn ở triều đình Huế, là võ quan được tín nhiệm trong các công cuộc dẹp loạn, tiễu trừ Man nhân từ miền Trung ra Bắc, là cận thần mà vua Gia Long tin tưởng cho đến khi thăng hà.
Tả quân Lê Văn Duyệt (1763 - 1832) TL |
Tiễu trừ “mọi đá vách”
Vì người Thượng (Đại Nam thực lục gọi là người Man, Mọi) ở Quảng Ngãi thường xuống quấy phá vùng biên cảnh, vua Gia Long đã sai các tướng Lê Văn Duyệt, Nguyễn Công Toản, Lê Quốc Huy, Phan Tấn Hoàng đi đánh dẹp, trong đó Lê Văn Duyệt là người nổi bật nhất. Ôn Khê Nguyễn Tấn (1822 - 1871), người từng giữ chức vụ Tĩnh Man tiễu phủ sứ và lập được nhiều công trạng trong việc bình Man, nhận định trong Vũ Man tạp lục thư (in bằng chữ Hán năm 1898) rằng công đệ nhất trong việc dẹp Man ở nước Nam phải thuộc về Lê Văn Duyệt.
Lê Văn Duyệt người Định Tường, nguyên quán làng Bồ Đề (Mộ Đức, Quảng Ngãi), theo Nguyễn Ánh lập nhiều chiến công, lên đến đệ nhất công thần. “Mọi ác” Đá Vách (còn gọi là Thạch Bích Man) ở Quảng Ngãi là một nỗi lo kéo dài suốt nhiều thời kỳ, từ thời danh tướng Bùi Tá Hán (thế kỷ 16) được cử đi đánh dẹp trở về sau. Ôn Khê Nguyễn Tấn viết về họ rằng: “Man nhân đó hung hăng đánh đuổi dân ta, chiếm đất, thậm chí còn quấy nhiễu tới tận cửa bể Cổ Lũy” (Vũ Man tạp lục thư, Nguyễn Đức Cung dịch và chú giải, Omega+ và NXB Hà Nội, 2019, tr.212). Đánh đuổi Man nhân là việc khó khăn vì địa thế hiểm trở, thủy thổ, lam chướng… và là chuyện trường kỳ không thể dứt điểm ngay được.
Trang đầu sách Vũ Man tạp lục thư, bản in năm Thành Thái thứ 10 (1898) Tư liệu của tác giả |
Dưới thời Gia Long (1802 - 1819), Lê Văn Duyệt được giao một số trọng trách chính như phụng chỉ tiễu trừ “Mọi Đá Vách” ở Quảng Ngãi nhiều lần, trấn giữ kinh thành, làm Tổng trấn Gia Định thành lần thứ nhất và cuối cùng là Kinh lược đại thần hai xứ Nghệ An và Thanh Hóa năm 1819 trước khi vua Gia Long thăng hà.
Hằng năm, Man nhân xuống quấy nhiễu dân biên thùy. Tháng giêng năm 1803 (năm Gia Long thứ 2), vua sai Lê Văn Duyệt lần đầu cầm quân đi đánh Mọi Đá Vách, cử Hàn lâm thị thư Trần Văn Lộc theo làm việc từ chương ở trong quân. Cuối tháng, vua ra dụ cấp thêm lương bổng, gạo tháng cho các tướng sĩ bình Man ở Quảng Ngãi vì trèo đèo lội suối khó nhọc (Đại Nam thực lục, tập 1, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, NXB Giáo dục, 2002, tr.546). Đến tháng 4 âm lịch, Lê Văn Duyệt đánh đuổi được Man nhân, báo tin thắng trận về kinh, vua khen: “Ác man từ trước cậy chỗ ở hiểm không chịu thần phục. Nay khanh […] đánh vào sào huyệt, […] không từ khó nhọc nguy hiểm, cho nên mới có công lạ này” (Đại Nam thực lục, sđd, tr.558).
Ngoài việc khen thưởng cho tướng sĩ, vua còn ban cho những Man nhân đầu hàng nhiều gấm, đoạn, nhiễu… Một tháng sau, vua lại hạ chiếu dụ khen thưởng cho Lê Văn Duyệt và các tướng sĩ bình Man, “… nay đến tiết trời nóng bức, lam chướng lại thịnh, thấy các ngươi khó nhọc, lòng ta rất thương. […] Thuốc thang ở trong quân cũng tâu ngay xin gởi phát” (Đại Nam thực lục, sđd, tr.562). Vì quân Man chạy vào núi sâu, chưa thể tiễu trừ hết, Lê Văn Duyệt xin đóng quân ở Trà Khúc tính phương lược. Tháng 9 âm lịch, vua hạ lệnh cho Lê Văn Duyệt rút quân về lưu thủ kinh thành, chia quân đóng ở những nơi yếu hại để phòng bị.
Ôn Khê Nguyễn Tấn viết về uy dũng của Lê Văn Duyệt rằng: “Không phải thân chinh ra cầm quân giữa trận mà chỉ ở tại trấn ca hát, chọi gà mà thôi, thế mà bọn tướng sĩ sợ uy ông, không có ai dám cãi lệnh mà răm rắp tuân lời, kéo ra trận như gió cuốn” (Vũ Man tạp lục thư, sđd, tr.319)...
(còn tiếp)