Cô gái mù một mắt vì rửa kính áp tròng sai cách
Tin Y tế - Ngày đăng : 17:35, 20/10/2022
Chỉ vài tuần sau, cô gái 25 tuổi mắc bệnh viêm giác mạc do amip. Hiện cô đã mù hoàn toàn một bên mắt và muốn cảnh báo những người khác về sự nguy hiểm của hành động trên.
Kyra, sống ở bang New Mexico, Mỹ, kể cô đã đeo kính áp tròng để đi làm và cảm thấy mắt trái khó chịu nhưng không để ý. "Khi trở về nhà sau ca làm việc, tôi lấy kính áp tròng ra. Mắt tôi đỏ lên rõ rệt nhưng không bị đau. Ngày hôm sau, tôi thức dậy và mắt đỏ hơn, đến đêm thì đau. Đó là lúc tôi bắt đầu lo lắng”, Kyra nhớ lại.
Theo The Sun, bác sĩ nhãn khoa chẩn đoán Kyra bị nhiễm trùng nên kê thuốc nhỏ mắt. Nhưng tình hình không đỡ, cô còn cảm thấy sợ ánh sáng. Suốt 6 tuần sau đó, các bác sĩ cho rằng Kyra bị herpes nhưng điều trị không hiệu quả.
Lúc này, Kyra không thể ra ngoài hoặc nhìn vào điện thoại. Vào tháng 4, một vết mờ xuất hiện ở khóe mắt và lan rộng. Sau 2 tuần, cô mất hoàn toàn thị lực ở mắt trái.
Một bác sĩ chuyên khoa khác kết luận Kyra bị viêm giác mạc Acanthamoeba.
Vào thời điểm đó, Kyra đang làm việc trong ngành du lịch. Mẹ của Kyra đã phải tới chăm sóc cho cô vì cô trải qua 5 tháng không thể làm việc và chăm sóc cho bản thân do mất thị lực một bên mắt. Mắt phải của cô cũng bị ảnh hưởng nên nữ bệnh nhân phải tránh ánh sáng ban ngày.
Các bác sĩ đã kê một đợt kháng sinh, kháng virus, kháng nấm, steroid và thuốc nhỏ mắt để chống nhiễm trùng cho Kyra.
Vào tháng 4 năm nay, bệnh viện cho biết đã tiêu diệt được ký sinh trùng nên Kyra được ghép giác mạc để phục hồi thị lực. Nhưng ký sinh trùng vẫn còn sống và nhiễm vào giác mạc mới.
Cho đến nay, Kyra vẫn bị mù mắt trái nhưng cô hy vọng sẽ được cấy ghép lần thứ hai.
Cô nhớ lại: "Tôi không thể làm bất cứ điều gì cho bản thân, mẹ tôi thậm chí còn phải buộc tóc cho tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy yếu kém mọi mặt. Các bác sĩ không thể cho tôi biết khi nào tôi có thể thực hiện ca phẫu thuật lần 2. Điều đó phụ thuộc vào thời điểm ký sinh trùng chết".
Hiện Kyra phải kiểm tra sức khỏe hằng tuần và uống thuốc để chống lại nhiễm trùng.
Sau sự cố của mình, Kyra khuyên mọi người cẩn thận tránh để kính áp tròng tiếp xúc với vi khuẩn có hại: “Tôi biết rằng đeo kính áp tròng khi tắm vòi hoa sen hoặc bơi lội là không tốt. Nhưng tôi không biết rằng chỉ rửa hộp đựng kính trong nước máy cũng có thể gây ra sự cố như thế này”.
Viêm giác mạc Acanthamoeba do một vi sinh vật có tên là Acanthamoeba gây ra. Loại vi sinh vật này thường có trong các vùng nước như sông, hồ, biển. Chúng cũng sống trong nước sinh hoạt, bể bơi, bồn tắm nước nóng, đất và không khí.
Bệnh phổ biến ở những người đeo kính áp tròng do dùng dung dịch kém chất lượng hoặc kính đã nhiễm nước bẩn. Các triệu chứng bao gồm nhạy cảm với ánh sáng; chảy nước mắt nhiều; mờ, mỏi, đỏ, cộm mắt; đau đầu.