Nam sinh từng giành 6 học bổng Mỹ chỉ ra điểm cần lưu ý khi du học xứ cờ hoa
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:10, 19/10/2022
Phan Nguyễn Đồng Khởi (sinh năm 2008) đang là học sinh lớp 9 trường St. Croix Lutheran Academy, bang Minnesota. Khởi từng gây sốt khi giành được học bổng của 6 trường Trung học ở Mỹ vào năm 2021 - khi mới 13 tuổi. Sau 2 tháng sang Mỹ du học, nam sinh cho biết khó khăn lớn nhất là việc phải giao tiếp 100% bằng tiếng Anh. Em vẫn đang cố cải thiện trình độ tiếng Anh từng ngày.
Năm học mới bắt đầu, lượng kiến thức chưa quá lớn, thêm vào đó, việc nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các giáo viên tại trường giúp Khởi có thể dễ dàng bắt kịp việc học tại đây. Tuy nhiên, cũng có điểm khác biệt giữa chương trình học tại Việt Nam và Mỹ khiến Khởi bất ngờ.
Đồng Khởi và các du học sinh tại Mỹ. (Ảnh: NVCC)
Về thời khóa biểu, trường học của Khởi vào học muộn hơn nhưng lại ra về sớm hơn ở Việt Nam. Cụ thể, nam sinh đến trường lúc 7h45 và tiết học cuối cùng kết thúc lúc 15h10.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc thời gian học ở Mỹ ít hơn Việt Nam. Tại St. Croix Lutheran Academy có 8 tiết học, ngoài ra còn thêm giờ advisory và chapel (khoảng thời gian học sinh cầu nguyện, thiền định,...) tổng cộng khoảng 40 phút. Mỗi tiết học dài khoảng 40 phút và đôi khi còn phụ thuộc vào môn học.
Trường của nam sinh không có giờ ra chơi hay giờ ngủ trưa. Khi hết tiết, Khởi cùng các bạn có 4 phút để đi sang lớp mới. Các học sinh có 30 phút để ăn trưa trước khi bước vào tiết học tiếp theo. Lịch học liên tục, ai mới nghe qua sẽ thấy khá dồn dập, tuy nhiên cá nhân Đồng Khởi cho rằng không mệt mỏi.
Với chương trình học tại Mỹ, một ngày 8 tiết thì Khởi học 8 môn đã chọn. Đây cũng là điều khiến em thấy thú vị nhất.
Trước khi vào năm học mới, học sinh được nhà trường gửi danh sách để chọn môn học. Trong thời gian một tuần sau đó, các bạn có quyền được xem xét và chuyển lớp nếu muốn. Ban đầu Khởi được xếp vào hai lớp ESL 2 (Lớp tiếng Anh kèm) và Algebra 1 (Đại số 1) nên yêu cầu được đổi từ ESL 2 sang Study Hall (Là một dạng tiết học mà học sinh sẽ vào thư viện và ngồi làm bài của các môn học khác); từ Algebra 1 (Đại số 1) lên Algebra 2 (Đại số 2).
Ngoài ra, vì học sinh chọn môn học theo yêu thích, nên rất khó để học sinh trùng thời khóa biểu với nhau. Cũng vì vậy mà việc có thêm nhiều bạn trở nên thuận lợi hơn.
“Điều em thích nhất là học sinh luôn có cơ hội để bày tỏ suy nghĩ của mình. Trường hợp chưa hài lòng với kết quả bài kiểm tra, em hoàn toàn có thể xin kiểm tra lại. Vậy nên em rất thoải mái, không bị quá áp lực với việc học ở đây”, Khởi nói.
Vào lớp học, học sinh không được mang cặp nên sẽ cất trong tủ khóa. Năm học mới bắt đầu thì mỗi người sẽ nhận được số tủ khóa và mật khẩu.
Thay vì mang theo sách, vở, Khởi thường chỉ mang theo một cái binder (sổ còng), và kèm theo một xấp giấy được đục lỗ sẵn để có thể viết bài từng môn và kẹp vào – đây cũng là dụng cụ học tập chính của em. Tới giờ học, giáo viên thường phát giấy cho học sinh rồi học bài và làm bài dựa trên tờ giấy đó. Những tờ giấy sau khi học xong cũng sẽ được kẹp vào binder (sổ còng) để học sinh làm tài liệu ôn tập.
Khởi thường sử dụng giấy trắng mua sẵn để viết bài tập về nhà, hoặc viết trên máy tính và nộp online vì bài tập cũng sẽ được đăng lên Google Classroom.
Khởi cho biết, việc có cơ hội du học từ cấp 2 giúp em có nhiều lợi thế trong việc cạnh tranh vào các trường đại học nước Mỹ, cũng như rèn luyện khả năng tự lập từ nhỏ và đặc biệt là trau dồi nhiều kỹ năng mềm hữu ích. Kế hoạch sắp tới của Khởi là tham gia thêm nhiều câu lạc bộ, giữ vững điểm tốt ở trường.