Học sinh Hà Nội đi xe phân khối lớn ra đường, phụ huynh 'đầu trần' phóng vun vút
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:09, 19/10/2022
Tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 1, Phòng CSGT Công an Hà Nội lập chốt tại ngã tư Ngô Quyền - Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) để xử lý học sinh, sinh viên và phụ huynh vi phạm luật giao thông.
Trong 1 tiếng chiều 18/10, hàng loạt học sinh, sinh viên và phụ huynh vi phạm luật bị phát hiện, xử lý. Phần lớn các trường hợp vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, xe máy điện và chưa đủ tuổi.
Vừa tan học, em T.N.A., học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, điều khiển xe máy nhãn hiệu Honda Vision lưu thông trên đường Hai Bà Trưng. Khi phát hiện có lực lượng CSGT, hai học sinh đang đi xe máy “đầu trần” cuống cuồng dừng lại đội mũ bảo hiểm.
Em A. thừa nhận việc mình điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi là sai. “Mọi khi em đi học bằng xe buýt nhưng hôm nay vì vội quá, thêm vào đó, bố mẹ đi công tác nên em lấy xe máy đi cho nhanh”, học sinh A. phân trần với lực lượng CSGT.
Trường hợp khác, cũng học sinh trường trên, em N.Đ.H., học sinh lớp 10, chạy xe máy 50cc, không đội mũ bảo hiểm khá bất ngờ khi bị Tổ công tác dừng xe.
Em H. cho rằng, mình không biết quy định người đủ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe gắn máy 50cc.
“Em không hề nắm được quy định, em chỉ biết bố mẹ dạy cách đi xe và cứ thế đi đến trường”, H. nói.
Ngoài ra, có hàng loạt học sinh tại các trường cấp 2, 3 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm không đội mũ bảo hiểm khi chạy xe máy điện bị Tổ công tác xử lý. Nhiều em mặc dù có mang theo mũ bảo hiểm nhưng không đội và "bao biện" vì vội hoặc quên.
Các trường hợp trên đều bị Tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 1 lập biên bản xử phạt, đồng thời ghi lại tên, trường học để phối hợp cùng nhà trường xử lý vi phạm.
Phụ huynh đầu trần phóng vun vút
Không chỉ có học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông mà chính các phụ huynh đang đưa, đón con em mình cũng vi phạm.
Nhiều trường hợp cả bố, mẹ chở theo 2 con nhỏ từ trường về đều không đội mũ bảo hiểm.
Anh C.V.V. (Khâm Thiên, Đống Đa) cho biết, anh nhận thức được hành vi vi phạm là sai, gây nguy hiểm cho chính mình và con cái, nhưng vì nghĩ chỉ đi quãng đường ngắn nên chủ quan.
“Sau lần bị xử phạt này tôi sẽ rút kinh nghiệm, tôi nhận thức được chính bố mẹ sẽ là tấm gương cho con cái học tập”, anh V. nói
Đại úy Ngô Xuân Giang, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 1 cho biết, để giảm thiểu tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông, ngay từ gia đình cần cương quyết không giao phương tiện cho con khi chưa đủ tuổi. Đồng thời, mỗi phụ huynh cũng cần nâng cao ý thức, là tấm gương chấp hành luật giao thông cho con trẻ.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các nhà trường trên địa bàn để tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh, sinh viên chấp hành tốt luật an toàn giao thông.
Sáng 18/10, Bộ Công an, Bộ GD- ĐT vừa có buổi kí kết chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022- 2025.
Theo đó, hai Bộ đã đưa ra 2 mục tiêu lớn, 4 nội dung thực hiện và phân rõ trách nhiệm của từng Bộ trong việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức và rèn luyện kỹ năng tham gia giao thông an toàn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên.
Chương trình phối hợp xuất phát từ thực tế, thời gian gần đây, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên có chiều hướng gia tăng; tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh, sinh viên vẫn diễn ra.
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2020 đến tháng 9/2022, cả nước đã xảy ra 1.570 vụ tai nạn giao thông liên quan đến HSSV, làm chết 864 người, bị thương 1.794 người. Nguyên nhân chính là do sự kém hiểu biết kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.