Doanh nghiệp xăng dầu vẫn “kêu” về cơ quan quản lý

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 11:30, 18/10/2022

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, cùng với việc liên tục bị phản ánh những vấn đề liên quan đến thị trường xăng dầu bị gián đoạn nguồn cung thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn cho biết, đang chịu sức ép vô lý từ các cơ quan quản lý. Việc cơ quan điều hành không lắng nghe ý kiến trình bày của doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến thị trường rối loạn thời gian qua.

Mổ xẻ bất cập về tính giá

Theo phản ánh của hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở khu vực phía Nam và nhiều tỉnh phía Bắc, tình trạng cắt chiết khấu, chiết khấu 0 đồng sau một vài ngày sau kỳ điều chỉnh giá ngày 11/10 vừa qua đã tái diễn khiến người kinh doanh không khỏi khóc ròng. Thậm chí, một số thương nhân phân phối khi nhập hàng từ các doanh nghiệp đầu mối tư nhân cũng phải chịu mức chiết khấu 0 đồng.

“Việc bị cắt chiết khấu, phải bán lỗ kéo dài đang khiến các doanh nghiệp bán lẻ chết dần, chết mòn. Chúng tôi cũng đang đặt nghi vấn có hay không việc các doanh nghiệp xăng dầu tư nhân bán lẻ bị ép bán lỗ đến cụt vốn rồi bị thâu tóm sau đó”, chủ một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu của Tiền Giang chia sẻ.

img-9349-3101.jpg
Đảm bảo nguồn cung là nhiệm vụ khó cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường hiện nay. Ảnh: Như Ý

Một đại lý nhượng quyền ở khu vực Sóc Trăng cũng xác nhận tình trạng rất khó mua xăng dầu từ các thương nhân phân phối và đầu mối trong hơn 1 ngày trở lại đây. Lượng bán ra của các đầu mối và thương nhân phân phối rất nhỏ giọt khiến doanh nghiệp lại đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối ở khu vực phía Nam thuộc khối tư nhân cũng xác nhận tình trạng khó khăn chưa từng có mà các doanh nghiệp xăng dầu đang phải đối mặt hiện nay. Theo vị này, bản thân là doanh nghiệp đầu mối nhưng doanh nghiệp cũng rất khó mua được hàng từ nước ngoài trong giai đoạn hiện nay.

Theo bà Mai Thị Hồng Hạnh việc Hải quan đột ngột cấm một doanh nghiệp xăng dầu lớn nhập khẩu, và sau đó “đổ” cho doanh nghiệp không nhập khẩu xăng dầu là không đúng sự thật.

Điều bi hài nhất, theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, bản thân là lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu có quy mô lớn mà giai đoạn vừa qua việc đổ xăng cho ô tô để lấy phương tiện di chuyển cũng là cả vấn đề. Việc rút giấy phép của các doanh nghiệp đầu mối lớn tại khu vực phía Nam mà không có giải pháp về nguồn cung thay thế đang để lại những hệ lụy rất nặng nề cho thị trường.

Về việc doanh nghiệp vì sao bị lỗ, không mua hàng nhiều lúc này, TS Kinh tế Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, theo quy định của Nghị định 95, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mua xăng dầu về nhập kho thì giá vốn phải tính trên cơ sở giá thế giới là từ 20 ngày trước đó, thậm chí là lâu hơn trong quá trình hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, đến kỳ điều hành giá, liên Bộ cắt ngang 10 ngày để tính giá bán lẻ theo giá thế giới tại thời điểm hiện tại.

“Quy định này phát sinh ra hệ luỵ là do cách tính của Bộ Tài chính nên trong trường hợp giá giảm tại thời điểm điều chỉnh giá so với giá mua ban đầu, xem như doanh nghiệp đầu mối lỗ nặng cả giai đoạn mua giá cao trước đó”, ông Giang Chấn Tây phân tích.

Kêu khổ vì Bộ Tài chính

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Mai Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMVT&DL Xuyên Việt Oil cho biết, việc Bộ Tài chính mới đây công bố số liệu về tình hình nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối nhưng không hề đưa ra những lời giải thích rõ ràng đã khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, danh tiếng và gặp khó khi làm việc với ngân hàng.

Cụ thể, theo bà Hạnh, trước đó, Bộ Tài chính công bố số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, quý III/2022, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu sản phẩm. Một số thương nhân đầu mối thường nhập khẩu số lượng lớn nhưng trong quý III/2022 không nhập khẩu như: Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil. Có 2 thương nhân đầu mối dừng nhập khẩu quý 3/2022 gồm: Công ty CP thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu và Công ty CP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.

Về việc dừng nhập khẩu, theo bà Hạnh, xuất phát từ việc doanh nghiệp bị chính Hải quan và Cục thuế Hồ Chí Minh dừng hoạt động nhập khẩu kéo dài từ gần 6 tháng nay với lý do nợ thuế bảo vệ môi trường xăng dầu kéo dài. Việc bị cấm nhập này xuất phát từ yêu cầu của chính Hải quan chứ không phải công ty không thực hiện việc nhập khẩu.

“Chúng tôi đã có văn bản trao đổi với Cục Hải quan thành phố nhưng họ yêu cầu phải nộp đủ số thuế đang nợ mới cho phép thực hiện các hoạt động nhập khẩu trở lại”, bà Hạnh cho biết.

Theo thông tin của PV Tiền Phong, tại cuộc họp của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cuối tuần qua, nhiều doanh nghiệp cũng tố bị Hải quan gây khó dễ trong việc nhập khẩu xăng dầu. Cụ thể, theo ông Mai Xuân Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (gọi tắt là Nam Sông Hậu) cho rằng, thị trường xăng dầu hiện nay không hề thiếu. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các doanh nghiệp xăng dầu không nhập khẩu kéo theo nguồn cung thị trường bị ảnh hưởng khiến thị trường rối loạn khi các doanh nghiệp đồng loạt bị lỗ kéo dài.

Theo giải thích của ông Huy, Nam Sông Hậu không nhập khẩu nước ngoài vì ngày 15/8/2022, Tổng cục Hải quan ra văn bản tạm đình chỉ hoạt động làm thủ tục hải quan các kho xăng dầu trong đó có Nam Sông Hậu tới 6 tháng. Nếu trong thời gian này không bổ sung thiết bị đo bồn tự động thì sẽ thu hồi luôn giấy phép.

“Tổng cục Hải quan không cho doanh nghiệp nhập, nhưng lại báo cáo Bộ Tài chính nói doanh nghiệp không nhập xăng dầu như vậy rất khổ cho doanh nghiệp. Trong quý III, doanh nghiệp không được nhập xăng dầu vì quyết định của Tổng cục Hải quan. Thực tế, trong quý III, Công ty Nam Sông Hậu đã nhập trong nước để bù đắp cho nguồn không được nhập khẩu, từ đó góp phần ổn định thị trường trong lúc khó khăn”, ông Huy nói.

Xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng dầu

Tại buổi Họp báo dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, diễn ra ngày 17/10, phóng viên cũng đặt câu hỏi: “Thời gian vừa qua xăng dầu nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, nhiều cây xăng bán cầm chừng.

Với vai trò cơ quan dân cử, Quốc hội sẽ có ý kiến như thế nào với Chính phủ để giải quyết vấn đề này?” Trả lời, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, vấn đề xăng dầu thời gian vừa qua gây ra nhiều bức xúc và khi đại biểu đi tiếp xúc cử tri, cũng nêu vấn đề này.

img-9350-5605.jpg
Thị trường xăng dầu diễn biến như thời gian vừa qua gây ra nhiều bức xúc, cử tri đã phản ánh đến đại biểu QH. Ảnh: Như Ý

"Đây là vấn đề thuộc điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Chính phủ, của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Trong đó có nguyên nhân giá xăng dầu thế giới biến động với biên độ lớn, trong khi chu kỳ điều hành giá xăng dầu chưa phù hợp với biến động giá của thế giới. Do đó, Chính phủ cũng cần chỉ đạo để các cơ quan chức năng xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ một cách hợp lý hơn, vừa đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích các thương nhân đầu mối xuất, nhập khẩu và bán lẻ xăng dầu", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu.

Về việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, tại Thông báo kết luận trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu việc này, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao, ảnh hưởng đến lạm phát, kinh tế vĩ mô, đời sống người dân... "Đến giờ Chính phủ vẫn chưa có tờ trình báo cáo Quốc hội. Khi Chính phủ có tờ trình, các cơ quan của Quốc hội sẽ xem xét, thẩm tra và sẽ báo cáo Quốc hội thời gian gần nhất khi đủ điều kiện", ông Sơn khẳng định.