Nghệ sĩ vi phạm đạo đức: Đề xuất cấm sóng

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 10:45, 18/10/2022

Sau nhiều bê bối đời tư, vi phạm đạo đức, một số nghệ sĩ vội vàng trở lại hoạt động bất chấp sự phản đối của dư luận. Nhiều chuyên gia cho rằng cần có tiêu chí rõ ràng, chi tiết trong các văn bản quản lý nghệ thuật biểu diễn để chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn của một số nghệ sĩ.

Quy tắc ứng xử không đủ sức răn đe

Thời gian gần đây, cư dân mạng xã hội xôn xao về chuyện cô ca sĩ nổi tiếng nọ trở lại chỉ 6 tháng tạm nghỉ sau ồn ào lộ ảnh thân mật với một doanh nhân đã có gia đình. Một cô diễn viên khác thường xuyên công khai thể hiện tình cảm với một doanh nhân chưa hoàn tất thủ tục ly hôn với vợ. Một trường hợp khác cũng được đem ra bàn tán là chuyện chàng ca sĩ vướng lùm xùm “bắt cá nhiều tay”, có con với một nữ diễn viên nhưng không công khai và chỉ chu cấp 5 triệu mỗi tháng để nuôi con.

Những nghệ sĩ này đều dính đến những bê bối thuộc phạm trù đạo đức, trong đó hành vi và thái độ đi ngược lại chuẩn mực đạo đức xã hội khiến khán giả phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay trên nhiều phương tiện truyền thông. Thế nhưng bất chấp sự phản đối của dư luận, họ nhanh chóng dùng chiêu trò quay trở lại hoạt động.

a1-ns-tro-lai-7442.jpg
Một số nghệ sĩ vướng bê bối đời tư trong thời gian vừa qua

NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - nhận định, nghệ sĩ luôn là tâm điểm của công chúng, là tấm gương của không ít người hâm mộ vậy nên nghệ sĩ cần quản lý hình ảnh một cách nghiêm khắc. Bởi vì chỉ một hành động, cử chỉ của nghệ sĩ sai lệch đều ảnh hưởng đến công chúng.

a2-phuong-trinh-4858.jpg
Angela Phương Trinh là một trong những nghệ sĩ từng bị cấm biểu diễn có thời hạn do vi phạm biểu diễn nghệ thuật

“Với vai trò của mình, nghệ sĩ mỗi khi xuất hiện trên sân khấu, trên màn ảnh hoặc bất cứ đâu phải truyền tải được thông điệp tốt đẹp. Với những người đã có thương hiệu, tiếng tăm thì càng phải khắt khe hơn, càng phải giữ gìn hơn để không ảnh hưởng đến hình ảnh của cá nhân và không truyền đi những hình ảnh, thông điệp xấu”, NSND Vương Duy Biên nói.

Tuy nhiên, một số nghệ sĩ tùy tiện lợi dụng hình ảnh, sự nổi tiếng và có những ứng xử chưa phù hợp. Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật do Bộ VHTTDL ban hành không phải văn bản quy phạm pháp luật, chỉ là văn bản hướng dẫn hành vi, mang tính chất khuyến khích và định hướng. Bộ quy tắc ứng xử không đủ sức răn đe, không đủ căn cứ pháp lý để xử phạt những trường hợp vi phạm.

“Bộ VHTTDL đưa ra bộ quy tắc ứng xử như một khuyến cáo, không có chế tài xử lý khiến các nghệ sĩ nghĩ rằng không có nghĩa vụ phải tuân theo. Bộ quy tắc ứng xử là cẩm nang đối với những nghệ sĩ có ý thức, bởi họ sẽ hiểu mình cần phải làm gì và cần xuất hiện trước công chúng với hình ảnh như thế nào”, NSND Vương Duy Biên nhận định.

“Môi trường giải trí Việt Nam quá dễ dãi trước án phạt "phong sát" hay hạn chế sự xuất hiện của nghệ sĩ khi họ vướng bê bối, lùm xùm. Rõ ràng ở khía cạnh pháp luật, chúng ta thiếu chế tài xử phạt. Trong thời gian tới khi ngày càng nhiều vụ việc xảy ra, các nhà quản lý sẽ phải cân nhắc để hoàn thiện thêm các văn bản”, nhà nghiên cứu, TS. Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên) nói.

Trước thực trạng một bộ phận nghệ sĩ vi phạm đạo đức, NSND Vương Duy Biên cho rằng các đài truyền hình cần nghiêm khắc hơn khi mời nghệ sĩ lên sóng. Bởi các đài truyền hình phải biết cân nhắc để ai xuất hiện hay không xuất hiện. Nếu thực hiện nghiêm túc việc này, nghệ sĩ sẽ ý thức được nguy cơ bị cấm sóng nếu xảy ra vi phạm.

Cần quy định rõ ràng


Từ nhiều năm nay, các nhà quản lý văn hóa và các chuyên gia đặt vấn đề cần sớm xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, trong đó có những nghị định, quy tắc xử phạt, cấm sóng nghệ sĩ vi phạm đạo đức. Tuy nhiên làm thế nào để xây dựng nghị định vừa có tính răn đe, vừa có tính nhân văn trong hoạt động quản lý vẫn là vấn đề các chuyên gia băn khoăn.

NSND Vương Duy Biên cho rằng với mỗi sai phạm của nghệ sĩ cần có cách xử phạt khác nhau, đặc biệt là trường hợp cố tình vi phạm và vi phạm lặp đi lặp lại. “Việc cấm sóng vĩnh viễn ít khi sử dụng trừ trường hợp sai phạm nghiêm trọng, thay vào đó nên đặt ra thời hạn cụ thể để nghệ sĩ nhận ra được sai lầm và sửa sai. Khi đó nghệ sĩ sẽ được tạo điều kiện để trở lại hoạt động. Quản lý văn hóa vừa phải nghiêm khắc, có biện pháp chặt chẽ nhưng cũng cần nhân văn bởi mục đích cao nhất của quản lý là phát triển không phải cấm đoán. Cấm thì dễ nhưng làm thế nào để quản lý vẫn chặt chẽ mà vẫn phát triển, văn nghệ sĩ tuân thủ mà vẫn cảm nhận được sự tự do khi hoạt động đó mới là điều khó”, NSND Vương Duy Biên phân tích.

Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh - CEO công ty truyền thông London & Hong - cho rằng không phải lùm xùm nào cũng ảnh hưởng đến tiêu chuẩn đạo đức cộng đồng để dẫn tới việc nghệ sĩ có thể bị cấm sóng. Và tiêu chuẩn để nghệ sĩ sửa sai cũng vậy. “Nếu đó là một bê bối nghiêm trọng, nên đặt ra câu hỏi là thời gian bao lâu là đủ để nghệ sĩ đó được quay trở lại”, anh cho biết.

Quy định càng chi tiết càng tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ. Tuy nhiên, theo chuyên gia Quang Minh, việc cấm sóng hay tạo điều kiện cho nghệ sĩ quay trở lại cần lắng nghe tiếng nói của cộng đồng, song song với việc đưa ra các quy định mang tính cấp thiết hơn từ các cơ quan quản lý. Đây là mấu chốt để các cơ quan có thẩm quyền bớt lúng túng hơn với những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai.

Thực tế Nghị định 79 từng có quy định cấm biểu diễn đối với nghệ sĩ vi phạm về đạo đức, thuần phong mỹ tục. Một số tên tuổi từng chịu án phạt này: Trọng Tấn-Anh Thơ bị cấm diễn do bỏ hát trong sự kiện giao lưu đối ngoại. Hương Tràm bị cấm biểu diễn do mặc đồ phản cảm khi hát ở quán bar. Angela Phương Trinh chịu phạt vì mặc trang phục biểu diễn phản cảm...

Tiếng nói của công chúng vẫn là tín hiệu rõ ràng và không thể thay thế. Một khi cộng đồng phản đối tức là nội dung đó, việc làm đó không nên xuất hiện và cũng không được chấp nhận. Trở lại với câu chuyện vai trò của công chúng, chuyên gia đề xuất nên có sự khuyến khích, giáo dục công chúng nâng cao nhận thức và thái độ, tư duy với các tác phẩm văn hoá, nghệ thuật. Sự tiến bộ trong nhận thức của khán giả là tiền đề để xây dựng môi trường văn hóa - giải trí trong sạch.

Theo nguồn tin của Tiền Phong, lộ trình đến năm 2025, Bộ VHTTDL sẽ hoàn thiện Luật Nghệ thuật biểu diễn. Lãnh đạo Bộ VHTTDL chỉ đạo một số cơ quan chuyên môn thực hiện các báo cáo để chuẩn bị cho quá trình xây dựng luật. Nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm 2021 thay thế hai Nghị định nghệ thuật biểu diễn trước đó (NĐ 79/2012 và NĐ 15/2016) tuy nhiên bộc lộ một số bất cập, chưa theo kịp diễn biến thực tế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Bộ VHTTDL đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo chương trình hợp tác quản lý một số vấn đề trên không gian mạng như điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật.