5 sai lầm về dinh dưỡng người bệnh ung thư hay mắc phải
Tin Y tế - Ngày đăng : 08:33, 18/10/2022
Theo tiến sĩ, bác sĩ Lưu Ngân Tâm, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy, có 5 quan niệm sai lầm phổ biến về dinh dưỡng mà bệnh nhân ung thư cần tránh.
Thứ nhất, ăn thật kiêng khem hay chỉ ăn toàn gạo lứt, muối mè trong thời gian dài để khối u bị đói, không phát triển thêm. Bác sĩ Tâm khẳng định, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh kiểu ăn kiêng khem có tác dụng làm khối ung thư nhỏ lại hoặc không di căn. Ngược lại, ăn quá ít trong thời gian dài làm cho cơ thể thiếu năng lượng, suy kiệt và có thể tử vong.
Thứ hai, ăn/uống thực phẩm chức năng có thể khỏi bệnh, không cần điều trị ung thư. Bác sĩ Tâm cho biết, chất dinh dưỡng không thể ngăn chặn sự phát triển của ung thư nên không thể điều trị bệnh. Tuy nhiên, dinh dưỡng đúng cách có thể cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, tăng miễn dịch, tăng cường thể chất cho người bệnh.
Thứ ba, kiêng hoàn toàn thịt đỏ (heo, bò...) sẽ giảm cung cấp máu (chứa vitamin B12, sắt) cho khối u phát triển. Sự thật là vitamin B12 hay sắt không chỉ có trong thịt đỏ mà còn trong đạm động vật khác. Kiêng khem các thực phẩm này có thể gây ra thiếu đạm, cản trở quá trình lành vết thương, giảm khả năng phòng ngừa nhiễm trùng.
Thứ tư, không ăn thực phẩm hay uống thức uống giàu vitamin C sau mổ để tránh vết mổ chảy nước vàng. Quan niệm này không đúng. Vitamin C giúp phát triển collagen, tăng cường sức đề kháng và thúc đẩy nhanh quá trình liền vết mổ.
Thứ năm, không uống sữa dinh dưỡng với suy nghĩ để khối u không phát triển thêm. Theo chuyên gia, việc bổ sung sữa giàu năng lượng và các chất dinh dưỡng là cần thiết. Việc này giúp người bệnh phục hồi, góp phần cải thiện kết quả điều trị, nâng cao chất lượng sống.
Bác sĩ Tâm cho hay, ung thư khiến người bệnh biếng ăn là do khối u gây ra hoặc tác dụng phụ của quá trình điều trị, do bệnh nhân chán nản, trầm cảm, đau khi ăn... Hậu quả là người bệnh bị sụt cân nhiều, suy dinh dưỡng, yếu sức hoặc suy kiệt nặng.
Thống kê cho thấy có đến 20% người bệnh ung thư chết do suy dinh dưỡng nặng trước khi chết vì ung thư.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư đặc biệt quan trọng. Khi bệnh nhân bị giảm bạch cầu, chế độ ăn uống cần đảm bảo vệ sinh, thực phẩm sạch, ăn chín, uống sôi, hạn chế tiếp xúc nhiều người để giảm nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.
Khi bệnh nhân ung thư đã ở giai đoạn ổn định sau mổ, cần ăn như bình thường và đa dạng thức ăn. Bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần thường xuyên ăn thịt trắng như cá, gia cầm, trứng (2 trứng/tuần), đậu, dầu ăn, cải, mè. Bên cạnh đó, cần tập luyện thể chất đều đặn, phù hợp theo tuổi, tình trạng sức khỏe.