Metro số 2 đang chờ gỡ vướng
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:26, 18/10/2022
Trên đường Cách mạng Tháng Tám đi qua quận Tân Bình và quận 10, TP HCM những ngày này một số hộ dân tiếp tục sửa sang, nâng cấp nhà cửa. Sự hồ hởi của họ không còn như những ngày đầu bàn giao mặt bằng cho dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Một đoạn mặt bằng đường Cách mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10 lởm chởm, nhếch nhác
Tiếc vì mặt bằng để trống
Bà Nguyễn Thị Hồng, nhà gần ngã ba Cách mạng Tháng Tám - Phạm Văn Hai (phường 5, quận Tân Bình), cho biết gia đình bàn giao 44 m2 từ đầu năm 2020, sau đó sửa sang lại nhà cửa nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy dự án thi công.
Bà Hồng thấy phần mặt bằng phía trước để trống, lởm chởm gạch đá. Bỏ không thì tiếc nên bà đổ xi măng làm phẳng rồi đặt xe bán cà phê kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, cứ vài hôm lực lượng trật tự đô thị đến nhắc nhở. "Nếu công trình chưa thi công thì chính quyền nên để cho dân tạm thời buôn bán vì phần bên trong cũng không ảnh hưởng đến đi lại, còn hơn là để trống thế này, rất lãng phí" - bà Hồng nói.
Cũng trên tuyến đường Cách mạng Tháng Tám, khu vực phường 13, quận 10, có rất nhiều hộ dân tận dụng khoảng không gian từng bàn giao để buôn bán. Ông Nguyễn Văn Doanh thuê căn nhà tại đây mở quán nước và kê thêm vài bộ bàn ghế ra bên ngoài phục vụ khách ngồi. Ông Doanh dẫn lý do mặt bằng đường lớn dễ kiếm tiền nên cứ tạm kinh doanh, khi nào thành phố thi công metro số 2 ông sẽ thu dọn quán.
Không như chỗ bà Hồng, ông Doanh, một số khu vực sau khi người dân bàn giao thì cỏ mọc um tùm, tập trung rác thải, nhiều nơi ngổn ngang bê-tông, gạch đá. Bà Lan, người dân sống trong hẻm 540 Cách mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, cho hay hơn 2 năm nay, chỗ gần nơi bà ở giống như "vô chủ" nên ban đêm nhiều người mang rác, đồ cũ đến vứt nhìn rất nhếch nhác. Theo bà Lan, nếu công trình chưa tiến hành thì nên dọn dẹp vệ sinh, san phẳng vỉa hè cho đồng bộ. Còn như bây giờ, bộ mặt hai bên tuyến đường Cách mạng Tháng Tám khá nhếch nhác.
Người dân sửa sang nhà cửa sau khi bàn giao mặt bằng
Khó về mặt bằng, hợp đồng tư vấn
Tuyến metro số 2 được phê duyệt từ năm 2010, đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú với diện tích thu hồi 251.136 m2 và 603 trường hợp bị ảnh hưởng. Dự án có tổng mức đầu tư 47.890 tỉ đồng, trong đó tổng số vốn vay 37.486 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng ngân sách thành phố; chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR).
Ở dự án này, tính đến cuối tháng 9, tỉ lệ bàn giao mặt bằng đạt 85,2% (499/586 trường hợp), trong đó các quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%. Các trường hợp còn lại chưa bàn giao thuộc quận 3, nguyên nhân do giá đất cụ thể chưa được phê duyệt, một số hộ chưa chấp nhận giá bồi thường.
Không chỉ ách tắc vì mặt bằng, quá trình điều chỉnh dự án trước đây kéo dài nên từ tháng 10-2018 hợp đồng tư vấn dự án tạm ngưng. Chủ đầu tư và tư vấn IC (liên danh Metro Team Line 2) suốt một thời gian dài đàm phán mà không đạt được kết quả như mong đợi. Đến cuối tháng 3-2022, tư vấn IC thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng. Chủ đầu tư phải tuyển chọn tư vấn mới để làm các công việc dang dở của tư vấn cũ. Khi tuyển chọn được, hồ sơ thiết kế và công tác đấu thầu các gói thầu chính mới được cập nhật và triển khai.
Theo kế hoạch, đến quý III/2024, công tác đấu thầu các gói thầu chính mới hoàn thành và đến đầu năm 2025 khởi công xây dựng. Metro số 2 dự kiến được xây dựng, lắp đặt thiết bị trong 5 năm và cần thêm 2 năm để khắc phục khiếm khuyết, bảo hành. Hiện nay, chủ đầu tư đã hoàn tất thiết kế di dời và tái lập các công trình hạ tầng kỹ thuật dự án, dự kiến việc di dời diễn ra vào cuối năm 2022.
Về việc giải ngân, báo cáo mới nhất của MAUR cho thấy mới chỉ giải ngân hơn 28 tỉ đồng vốn đối ứng từ ngân sách, dự kiến đến cuối năm 2022 giải ngân hơn 300 tỉ đồng.
Dự án đang được chính quyền TP HCM kiến nghị Thủ tướng chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2030. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn yêu cầu thành phố bổ sung, làm rõ một số nội dung liên quan đến điều chỉnh thời gian.
Ðàm phán lại hiệp định vay
Theo UBND TP HCM, nếu Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh thời gian triển khai dự án, UBND thành phố sẽ trình Bộ Tài chính đề xuất các khoản vay bổ sung, hoàn tất thẩm định vay lại các khoản vay bổ sung và chuẩn bị đàm phán các hiệp định vay bổ sung. Cùng với đó, hoàn tất việc gia hạn thời gian giải ngân và điều chỉnh lịch trả nợ khoản vay của Ngân hàng Tái thiết Đức.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc chậm tiến độ dự án metro số 2 đã dẫn tới năm hiệp định vay vốn của các nhà tài trợ hết hạn giải ngân, làm phát sinh chi phí. Trong đó có hai hiệp định vay Ngân hàng Phát triển châu Á, hai hiệp định vay Ngân hàng Tái thiết Đức và một hiệp định vay Ngân hàng Đầu tư châu Âu.
Hạn chế thấp nhất việc đội vốn
TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng tuyến metro số 2 nếu kéo dài thời gian triển khai sẽ bị đội vốn. Nguyên nhân đội vốn dễ nhìn thấy, cụ thể như từ việc nhà nước điều chỉnh Luật Đất đai khiến giá bồi thường giải phóng mặt bằng tăng cao, do lạm phát, do trượt giá và do nguyên vật liệu tăng giá.
Bài học từ tuyến metro số 1 cho thấy điều đó khi tổng mức đầu tư của metro số 1 bị đội gần 3 lần, từ 17.000 tỉ đồng tăng lên 47.000 tỉ đồng.
"Để hạn chế những hệ lụy cũng như hạn chế đội vốn cho dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng cơ quan liên quan xem xét khuyến khích sử dụng liên danh nhà thầu trong nước và quốc tế trong tư vấn, thiết kế đến thi công. Thay vì chỉ sử dụng nhà thầu nước ngoài như hiện nay thì liên danh như trên giúp tăng tính chủ động mà không làm mất đi trách nhiệm của tổng thầu" - TS Thuận nói. Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho hay lý do ông nêu đề xuất như vậy là bởi khi nhà thầu nước ngoài chấm dứt hợp đồng, chúng ta bị động và mất thời gian khá lâu để tìm nhà thầu mới.