Thời sự 24 giờ: Trận mưa ở Đà Nẵng 500 năm có một lần, bão, áp thấp, mưa lũ dồn dập đến cuối năm 2022
Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 18/10/2022
Miền Trung gồng mình đón bão số 6
Trước những diễn biến của bão số 6 (bão Nesat), các tỉnh miền Trung đang khẩn trương ứng phó, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để xử lý những tình huống khi có yêu cầu.
Bão Nesat đã đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 6 trong năm 2022 với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13 và còn có xu hướng mạnh thêm. Hiện các tỉnh miền Trung đang khẩn trương triển khai phương án, sẵn sàng ứng phó với bão.
Xem thêm: Miền Trung lại gồng mình ứng phó bão số 6
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 (bão Nesat) do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức sáng qua, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 14, và di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15-20km/h. Ông Lâm nhận định, trong ngày hôm nay 18/10, bão số 6 có thể đạt cường độ cực đại ở cấp 12-13, giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông dự báo sẽ có gió cấp 9-10, sóng biển cao 8-10m; giữa Biển Đông gió cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-5m.Ngoài ra, theo tính toán của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, trong ngày 19-20/10, bão có thể tan ngay trên biển, xác suất này là 30-40%.
Kịch bản đáng lo ngại là không khí lạnh không mạnh như dự báo mà yếu nhanh thì khi bão vào gần bờ vẫn đạt cường độ cấp 8-9, xác suất này chỉ khoảng 5%.
Theo báo cáo tại cuộc họp, tính đến 6 giờ 30 sáng qua, lực lượng chức năng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 52.000 tàu/ hơn 222.000 lao động biết diễn biến của bão để di chuyển phòng tránh.
Trận mưa ở Đà Nẵng 500 năm có một lần. Bão, áp thấp, mưa lũ dồn dập đến cuối năm 2022
Chỉ trong ba tuần qua, hai cơn bão số 4 và số 5 hướng vào Trung Trung bộ kết hợp không khí lạnh và các tổ hợp hình thái thiên tai khác tạo nên một lượng mưa lớn khiến nhiều tỉnh ngập sâu trên diện rộng, đặc biệt là Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị.
Xem thêm: Cả đoạn đường "dịch chuyển" 6m
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cơ quan này đã dự báo năm nay ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, không khí lạnh hoạt động sớm nên mưa lũ khả năng sẽ lớn hơn. Dự kiến chỉ ít ngày nữa, đất liền Việt Nam sẽ lại chịu ảnh hưởng của cơn bão số 6 và khả năng không khí lạnh tăng cường sẽ tương tác với cơn bão khiến thời tiết những ngày tới còn rất phức tạp. Trạng thái La Nina sẽ tiếp tục duy trì đến tháng 1/2023.
Xem thêm: Hiện trường vụ sạt lở khiến 1 người chết
Từ nay đến tháng 4/2023, khu vực Biển Đông có khoảng 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 2-3 cơn trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Tổng cục Khí tượng thủy văn tiếp tục cảnh báo nguy cơ xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và lũ dồn dập tại khu vực miền Trung từ nay đến cuối năm 2022.
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyễn, chuyên gia dự báo thời tiết), cơn mưa tại Đà Nẵng theo số liệu mà ông có từ các trạm đo mưa tại Đà Nẵng cho thấy từ 15 giờ đến 21 giờ ngày 14-10 (6 tiếng), lượng mưa cao nhất ghi nhận ở trạm Suối Đá, Sơn Trà là 637 mm, thuộc tần suất 500 năm mới xuất hiện một lần.
Xem thêm: Đám tang giữa mênh mông nước lũ ở Quảng Bình
Năng lực thoát nước tại các đô thị loại I ở Việt Nam đang ở mức đáp ứng được lượng mưa 70 mm/2 giờ nhưng đó là lý thuyết, còn thực tế hạ tầng thoát nước đô thị kém hơn mức đó do nhiều yếu tố. Trong trận mưa ở Đà Nẵng vừa qua, để đáp ứng thoát được lượng nước mưa liên tục trong sáu tiếng cần hạ tầng thoát nước gấp ba lần hạ tầng hiện tại.
Xem thêm: Ngập lụt khiến cả con đường vỡ toác, hạn chế du khách tới bán đảo Sơn Trà
Việt Nam xuất hiện tần suất mưa cực đoan ngày càng nhiều hơn, hệ thống sông ngòi luôn ở mức cao hơn báo động III mỗi khi có lũ. Chúng ta chỉ có thể hạn chế các rủi ro ngập lụt bằng cách tăng không gian cho nước bằng hồ chứa, hạn chế phát triển đô thị kiểu be bờ xung quanh bờ biển, hạn chế lấn sông và hãy dành không gian mặt thoáng cho nước tự chảy. Ở nông thôn hạn chế bê tông hóa mảnh vườn hoặc mảng sân nhà mình. Các trường học, các công sở không nên bít kín bằng bê tông, vừa nóng vừa không thấm nước.
Tìm thấy thêm 2 nạn nhân vụ sạt lở mỏ titan tại Bình Thuận
Chiều 17/10, lực lượng chức năng tại hiện trường tìm kiếm cho biết, vừa tìm thấy thêm một thi thể nam công nhân trong vụ sạt lở mỏ titan Nam Suối Nhum của Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường.
Nạn nhân thứ 3 này là anh Huỳnh Tấn Phước. (SN 1979, trú TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
Xem thêm:Tìm thấy thi thể công nhân thứ 3 vụ sạt lở mỏ titan Bình Thuận
Trước đó sáng cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể anh Nguyễn Văn Tùng. (SN 1990, quê Bình Định) nổi trên mặt nước cách nơi xảy ra sự cố sụp bãi thải sau tuyển quặng titan khoảng 200m.
Như vậy, đến nay chỉ còn một công nhân hiện đang mất tích là anh Nguyễn Văn Nam (SN 1991, trú tỉnh Bình Thuận). Công tác tìm kiếm vẫn đang tích cực triển khai.
Uỷ ban Kinh tế thông tin về vụ án tại Công ty An Đông thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Tại cuộc họp báo trước kỳ họp Quốc hội chiều 17/10, trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh sự việc xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, vừa qua cơ quan chức năng Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại và các đơn vị liên quan. Vụ việc đã làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội "hơi xáo trộn", người dân kéo nhau đi rút tiền ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Xem thêm: Vụ án tại Công ty An Đông: 'Hoạt động của ngân hàng luôn được kiểm soát'
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Sơn khẳng định dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thì tình hình đã lắng xuống.
“Qua cuộc họp báo, mong phóng viên báo chí chuyển tải tới người dân, doanh nghiệp cứ yên tâm, hoạt động của ngân hàng luôn được kiểm soát, làm sao bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội gửi gắm.
Trước đó, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Ủy ban Kinh tế cho rằng thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro.
Xem thêm: Kiểm soát đặc biệt Ngân hàng SCB
"Vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (liên quan đến việc bắt bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - PV) và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu đã xảy ra trong năm đang được xã hội, người dân rất quan tâm. Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng "đẩy giá" gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro liên thông giữa thị trường vốn với hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường bất động sản gia tăng"- Ủy ban Kinh tế nhận định.
Ông Nguyễn Văn Thể xin thôi làm Bộ trưởng GTVT theo 'nguyện vọng cá nhân'
Tại cuộc họp trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV chiều 17/10, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội đã trả lời thắc mắc của báo giới xung quanh lý do Quốc hội sẽ tiến hành các thủ tục để miễn nhiệm ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Xem thêm: Ông Nguyễn Văn Thể xin thôi làm Bộ trưởng GTVT
Theo ông Bùi Văn Cường, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã phê chuẩn ông Nguyễn Văn Thể giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Bùi Văn Cường, đến nay theo nguyện vọng cá nhân và theo phân công của cấp có thẩm quyền, dự kiến tại kỳ họp thứ 4 tới (khai mạc ngày 20/10 và kéo dài 21 ngày), Thủ tướng Chính phủ sẽ đề xuất miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể, theo nguyện vọng cá nhân.