Suýt đột quỵ ở tuổi 30, người trẻ cần làm gì để phòng bệnh?

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:30, 17/10/2022

Sau cơn đột quỵ, người bệnh đối mặt với nguy cơ tàn phế, di chứng, trầm cảm, thậm chí trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

34 tuổi đối mặt với đột quỵ

Đó là tình trạng của chị P.T.A (quận 3, TP.HCM). Khoảng 3 tháng trước, chị A. thường bị đau đầu, âm ỉ vài ngày hoặc nhói nửa đầu bên trái. Thỉnh thoảng, chị chóng mặt, khó thở, đau đầu nhưng chỉ uống một viên paracetamol rồi thôi.

Cách đây 3 tuần, vừa ngủ dậy, chị A. lại rơi vào cảnh tương tự. Tuy nhiên, mức độ mệt mỏi, bủn rủn nặng hơn và nôn ói 3 lần. Lên đến cơ quan, chị ăn sáng đầy đủ nhưng cảm giác ngày càng nặng nề.

“Chỉ 10 phút sau đó, tôi thấy lưỡi hơi tê lại, nuốt khó. Hoảng hốt, tôi điện thoại cho một bác sĩ quen để tư vấn. Bác sĩ yêu cầu tôi phải vào bệnh viện ngay vì có dấu hiệu của đột quỵ não”, chị A. nhớ lại.

chong-mat-1006-1.jpg
Người bị đột quỵ có thể cảm thấy đau đầu, chóng mặt. Ảnh: Scripps

Khi đến Khoa Cấp cứu một bệnh viện lớn, chị cảm giác nửa người bên phải yếu dần, nói chuyện khó khăn và nhìn xung quanh không rõ. Chị A. chỉ nghe bác sĩ nói to: “Đột quỵ cấp” rồi gần như không biết gì nữa.

Người bệnh được chụp CT não cấp cứu, theo dõi tình trạng tắc mạch máu não và lưu lại cấp cứu vài giờ. Sau khi có kết luận bị thiếu máu não thoáng qua, chị A. điều trị thêm 3 ngày, cơ thể hơi yếu, run tay phải.

“Ai cũng nói tôi may mắn vì vào viện kịp thời. Dù chỉ là cơn thiếu máu não thoáng qua nhưng tôi như bước một chân vào đột quỵ vậy, rất sợ hãi. Trải nghiệm đắt giá này buộc tôi phải điều chỉnh lại sinh hoạt, giảm stress từ công việc và cảnh giác với đột quỵ dù mới 34 tuổi”, chị nói.

Theo bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, mỗi năm, có khoảng 14 triệu người trên thế giới bị đột quỵ, trong đó 6 triệu người tử vong. Tại nhiều quốc gia, tử vong do đột quỵ đã đứng hàng đầu, cao hơn cả nguyên nhân do bệnh tim mạch, trong đó có Việt Nam.

"Đột quỵ đã giết chết nhiều phụ nữ hơn cả bệnh ung thư vú, giết chết nhiều nam giới hơn ung thư tuyến tiền liệt. Hơn 80 triệu bệnh nhân sống sót trong tình trạng tàn phế, di chứng nặng nề”, bác sĩ Nghĩa nói.

Không có thuốc ngừa đột quỵ


Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ Không ít bệnh nhân nặng dù thoát chết nhưng chịu cảnh di chứng não và vận động; trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội; bản thân rơi vào trầm cảm…

Đáng báo động hơn, đột quỵ đang trẻ hóa. Các bệnh viện tại TP.HCM đã ghi nhận một số ca đột quỵ trên 30 tuổi, thậm chí có bệnh nhân mới qua 20 tuổi.

Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ bao gồm, yếu tố bệnh lý bẩm sinh, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thừa cân béo phì, lười vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia. Bác sĩ cho hay, những người có yếu tố nguy cơ hoàn toàn có thể phòng ngừa đột quỵ trong tương lai.

dot-quy-1-4565-4.jpg
Mạng lưới các bệnh viện cấp cứu đột quỵ tại TP.HCM.

Cụ thể, nhóm người ít vận động cần tăng cường tập luyện thể dục với 3 đến 4 lần trong tuần, mỗi lần tập 30 đến 45 phút, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia ở mức tối đa.

Nhóm bệnh nhân tiểu đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp: nắm rõ tình trạng của bản thân, theo dõi các chỉ số đường huyết, mỡ máu, huyết áp, tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý ngừng sử dụng thuốc trong quá trình điều trị.

Người đã bị đột quỵ thoáng qua hoặc đột quỵ từng phải nhập viện điều trị: tuyệt đối không chủ quan, cần sử dụng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ để tránh nguy cơ đột quỵ tái phát sẽ diễn tiến nặng hơn những lần đột quỵ trước.

Bác sĩ Nghĩa khẳng định, hiện nay chưa có bất kỳ loại thuốc nào có thể phòng ngừa được bệnh đột quỵ, giải pháp tối ưu nhất là thay đổi lối sống, chủ động điều trị các bệnh lý liên quan.

“Chọn lối sống khoa học, tăng cường vận động, chế độ ăn uống phù hợp, hạn chế sử dụng các chất kích thích và kiểm soát tốt các bệnh lý liên quan có thể giúp cộng đồng giảm được 80% nguy cơ dẫn tới đột quỵ”, bác sĩ Nghĩa nói.

Làm gì khi phát hiện dấu hiệu đột quỵ?

Khi phát hiện đột quỵ, hãy gọi ngay xe cấp cứu, không nên trì hoãn. Người bệnh cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để nhận được sự điều trị kịp thời.

Xác định vị trí của đơn vị cấp cứu đột quỵ gần nơi ở của mình nhất. Đến đúng bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ cấp sẽ giúp tiết kiệm thời gian vàng.

Không nên áp dụng các biện pháp dân gian, truyền miệng để sơ cứu đột quỵ. Điều đó có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.