Thời sự 24 giờ: Mưa lũ chưa dứt, bão Nesat lại sắp đổ bộ Biển Đông, nghĩa trang lớn nhất Đà Nẵng bị đất đá vùi sâu
Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 17/10/2022
Bão Nesat sắp đổ bộ Biển Đông
Vào 16 giờ chiều qua, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 950km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong hôm nay bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ chiều nay, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 630km về phía Đông Bắc với cường độ cấp 12, giật cấp 15.
Xem thêm: Bão Nesat vào Biển Đông, 3 kịch bản có thể xảy ra
Dự báo bão tiếp tục mạnh thêm. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định 3 kịch bản có thể xảy ra.
Kịch bản có khả năng cao nhất hiện nay (xác suất 50-60%) là bão sẽ tương tác với không khí lạnh, suy yếu trước khi vào vùng biển Trung Bộ nước ta, tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp hoặc áp thấp nhiệt đới khi đổ bộ đất liền các tỉnh miền Trung.
Kịch bản thứ hai xảy ra với xác suất thấp hơn nhưng nguy hiểm hơn là khi bão đi tới phía nam của đảo Hải Nam (Trung Quốc), không khí lạnh yếu đi, bão đi thẳng vào vùng biển miền Trung nước ta, duy trì cường độ mạnh cấp 9, cấp 10.
Kịch bản thứ ba là khi di chuyển đến đảo Hải Nam, bão số 6 gặp không khí lạnh mạnh. Sự tương tác với không khí lạnh khiến bão suy yếu nhanh và tan dần trước khi vào đất liền. Với kịch bản thứ ba, đất liền cũng như vùng biển ven bờ các tỉnh miền Trung ít chịu ảnh hưởng của mưa lớn và gió giật mạnh.
Trận mưa ở Đà Nẵng là ‘dị thường’
Đó là nhận xét của GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam. Đà Nẵng chưa bao giờ hứng chịu lượng mưa lên đến 270mm trong 2 tiếng và khoảng 500mm trong nửa ngày như trận mưa diễn ra vào ngày 14/10.
Xem thêm: Chưa từng thấy trận mưa nào dị thường như ở Đà Nẵng
Như vậy, có thể nói đây là trận mưa lịch sử, có tính chất dị thường, khiến TP Đà Nẵng hứng chịu lượng nước kỷ lục.
Xem thêm: Vừa thấy cảnh con trai được cứu giữa mưa lũ lại nhận tin con gái thiệt mạng
Nguyên nhân dẫn đến trận mưa lịch sử ở Đà Nẵng là do hậu quả của việc biến đổi khí hậu. Ngoài ra, còn một yếu tố nữa cũng cần phải tính đến là quá trình đô thị hoá sinh ra một lượng lớn khí CO2 gây tích tụ mây. Khi mây gặp luồng không khí lạnh sẽ gây ra mưa lớn.
Với trận mưa lớn đến như vậy thì ngay cả TP Hà Nội - nơi đầu tư hệ thống thoát nước mưa khá bài bản - cũng ngập nặng. TP Đà Nẵng mới chỉ đầu tư hệ thống thoát nước thải, chưa có hệ thống hồ điều hoà và hệ thống cống, rãnh thoát nước mưa như ở Hà Nội.
Xem thêm: Nhóm bạn huyện miền núi Quảng Nam tới Đà Nẵng sửa xe miễn phí sau mưa lũ
Theo GS Vũ Trọng Hồng, khác với Hà Nội, Đà Nẵng là thành phố ven biển, có lượng hơi nước cao, dẫn đến tích tụ nhiều mây. Chỉ cần có không khí lạnh tràn vào là gây ra mưa lớn. Ngoài việc học tập Hà Nội xây dựng hệ thống ao hồ và mạng lưới thoát nước, thì TP Đà Nẵng cũng cần có chiến lược riêng để ứng phó với kiểu thời tiết dị thường.
Xem thêm: Nam sinh viên lao vào dòng nước lũ cứu người gặp nạn trong đêm
Để làm được điều đó, TP Đà Nẵng nên cùng đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng mạng lưới thoát nước mưa phù hợp với điều kiện thực tế.
Tang thương nghĩa trang lớn nhất Đà Nẵng bị đất đá vùi sâu
Đợt mưa đêm 14/10, rạng sáng 15/10 khiến TP Đà Nẵng trải qua trận ngập lụt lịch sử. Mưa lớn làm xuất hiện lũ ống ở địa bàn gần đồi núi.
Tại nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang), lũ ống làm sạt lở núi vùi lấp, cuốn trôi hàng trăm ngôi mộ. Nước từ trên núi phá tan kè chắn, cuốn trôi đất đá. Nhiều ngôi mộ bị phá hủy hoàn toàn.
Điểm sạt lở nặng nhất nằm ở phía bắc của nghĩa trang Hòa Sơn. Hàng trăm ngôi mộ bị đất đá lấp kín. Những ngôi mộ nằm ở vị trí trung tâm của dòng lũ bị cuốn trôi hoàn toàn.
Hàng trăm ngôi mộ bị phá hủy, vùi sâu trong đất đá. Tình trạng sạt lở vùi lấp quá nặng khiến nhiều người lo lắng vì không biết phần mộ của người thân còn hay mất.
Xem thêm:Nghĩa trang lớn nhất Đà Nẵng sạt lở tan hoang
Nghĩa trang Hòa Sơn được xây dựng từ năm 2001. Nghĩa trang này chủ yếu phục vụ cho công tác di dời mồ mả tại các dự án trên địa bàn TP Đà Nẵng
Ngày 16/10, các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng đã đi kiểm tra, tìm giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở tại nghĩa trang Hòa Sơn. Lãnh đạo Ban quản lý nghĩa trang TP Đà Nẵng cho biết do khối lượng đất đá sạt lở quá lớn nên vẫn chưa thể xác định được số lượng mộ bị vùi lấp, cuốn trôi.
Huy đông lực lượng tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở bãi thải titan Bình Thuận
Ngày 16/10, lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận tích cực triển khai các biện pháp tìm kiếm nhiều công nhân bị vùi lấp trong vụ sập bãi thải titan, xảy ra ở khu vực mỏ titan Nam Suối Nhum, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam.
Xem thêm: Tìm kiếm nạn nhân trong núi cát khổng lồ sau vụ sạt lở ở Bình Thuận
Vụ việc xảy ra chiều 15/10 tại bãi thải khai thác quặng titan, thuộc xã Thuận Quý. Trong quá trình làm việc thì bất ngờ bãi thải bị sạt lở khiến 4 công nhân bị vùi lấp. Những nạn nhân được xác định: Huỳnh Tấn Phước (SN 1979), Nguyễn Văn Nam (SN 1991, cùng ngụ tỉnh Bình Thuận), Bùi Quang Trình (SN 1986, ngụ tỉnh Phú Thọ) và Nguyễn Văn Tùng (SN 1990, ngụ tỉnh Bình Định).
Sau khi vụ việc xảy ra, phía công ty đã huy động máy móc, thiết bị để tìm kiếm 4 công nhân và thông tin đến cơ quan chức năng. Đến khoảng 22 giờ ngày 15/10, lực lượng chức năng đã tìm kiếm được 1 thi thể công nhân.
Hiện còn 3 người mất tích là: Huỳnh Tấn Phước (48 tuổi), Nguyễn Văn Tùng (30 tuổi, cùng trú Bình Định) và Nguyễn Văn Nam (28 tuổi, trú ở Bình Thuận). Khu vực hầm mỏ rộng lớn với diện tích hàng chục ha khiến việc tìm kiếm khá khó khăn.
Xem thêm: Vụ sập bãi thải titan ở Bình Thuận: Lời kể của nạn nhân sống sót
Mỏ titan Nam Suối Nhum thuộc một công ty, được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác từ năm 2015, diện tích hơn 515ha, kéo dài từ xã Thuận Quý đến xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam.
UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành công văn hỏa tốc để các đơn vị huy động toàn bộ phương tiện, thiết bị, nhân lực tập trung tìm kiếm, khắc phục sự cố; trường hợp cần bổ sung phương tiện, thiết bị thì kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Y tế, UBND huyện Hàm Thuận Nam chỉ đạo các lực lượng cứu nạn - cứu hộ hỗ trợ Công ty TNHH TM Tân Quang Cường khắc phục sự cố và tổ chức lực lượng tìm kiếm liên tục người mất tích.