Điểm tin kinh doanh 17/10: Ngân hàng thương mại cổ phần SCB bầu Hội đồng quản trị mới

Kinh doanh - Ngày đăng : 07:00, 17/10/2022

Ngân hàng thương mại cổ phần SCB bầu Hội đồng quản trị mới; Giá vàng SJC tiếp tục lội ngược dòng

- Ngân hàng thương mại cổ phần SCB bầu Hội đồng quản trị mới

Ngân hàng Nhà nước đã cử ông Vũ Anh Đức làm Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB và chỉ định 4 nhân sự khác từ các ngân hàng có vốn nhà nước tham gia quản trị ngân hàng này.

Tối 15/10, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) chính thức công bố thông tin thay đổi người vào ghế Hội đồng quản trị SCB.

Theo đó, ông Bùi Anh Dũng không còn là người đại diện pháp luật của SCB kể từ 14/10. Thay vào đó ông Vũ Anh Đức chính thức trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB và là người đại diện pháp luật của SCB.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ định 4 nhân sự khác từ các ngân hàng có vốn nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) sang tham gia quản trị SCB, gồm ông Phạm Quang Tiến, ông Võ Văn Bửu, ông Trang Nhân Hậu và ông Lý Thành Phương đều là thành viên Hội đồng quản trị.

- Giá vàng SJC tiếp tục lội ngược dòng

Giá vàng thế giới đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10, trong khi đó giá vàng miếng SJC đang tiệm cận tới mốc cao nhất trong vòng 2 tuần qua.

Diễn biến trái chiều khiến cho chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng miếng SJC giãn rộng lên quanh ngưỡng 19 triệu đồng/lượng.

Đầu phiên giao dịch cuối tuần, ngày 16/10, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố ở mức 65,9 – 66,9 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.

Ở chiều ngược lại, Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý lại điều chỉnh tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với giá đóng cửa hôm trước, neo giá mua vào bán ra ở mức 65,95 – 66,85 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng phiên cuối tuần đứng lại ở mức 1.645 USD/ounce, giảm khoảng 55 USD/ounce so với cuối tuần trước. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới qui đổi có giá 48 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí), giảm tới hơn 1,5 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, nếu so với cuối tuần trước thì hiện giá vàng miếng SJC lại tăng hơn khoảng 400.000 – 500.000 đồng/lượng. Chính điều này đã khiến chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường gioãng rộng và có xu hướng quay trở về mức chênh lệch cao kỷ lục như giai đoạn vài tháng trước.

- Tiêu dùng trong tuần (từ 10-16/10/2022): Giá thực phẩm, xăng dầu đồng loạt tăng

Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, mít Thái giảm mạnh; trong khi giá rau xanh, tôm, xăng dầu... đồng loạt tăng.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.643 USD/ounce, giảmhơn 16 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Tuần qua, giá vàng thế giới giảm mạnh, nhưng vàng trong nước giảm ở phiên sáng và tăng ở phiên chiều. Vào chiều 14/10, dù giá vàng thế giới vẫn giảm sâu nhưng vàng SJC lại tăng 200.000 đồng/lượng so với phiên sáng.

Tính chung cả tuần giá vàng thế giới giảm mạnh 51 USD/ounce so với giá mở cửa tuần. Ngược lại, giá vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng 550.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.

Tại DOJI, giá vàng SJC tăng 550.000 đồng/lượng đồng/lượng và tại Phú Quý tăng 350.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới gần 19 triệu đồng/lượng chưa kể thuế, phí.

Ngày 13/10, ghi nhận tại một số chợ dân sinh truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội như chợ Hôm-Đức Viên, chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), chợ Thành Công (quận Ba Đình)..., một số loại rau xanh ghi nhận mức tăng mạnh, trong đó tăng nhiều nhất là các loại rau ăn lá, rau gia vị - tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước đợt mưa bão vừa qua.

Cụ thể, rau muống từ 10.000 đồng/mớ tăng lên 20.000 đồng/mớ; rau ngót từ 7.000 đồng/mớ tăng lên 15.000 đồng/mớ; bắp cải, cải thảo tăng từ 18.000 đồng/kg lên 22.000 đến 25.000 đồng/kg; rau xà lách, rau thơm tăng từ 35.000 đồng/kg lên khoảng 70.000 đồng/kg...

Việt Báo (Tổng hợp)