Nhóm học sinh ở Đà Nẵng sáng chế gậy thông minh dẫn đường cho người khiếm thị

Nhịp sống - Ngày đăng : 09:10, 16/10/2022

Nhóm học sinh THPT FPT Đà Nẵng đã tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cộng đồng, nổi bật là sáng chế gậy thông minh dẫn đường cho người khiếm thị.

Hải Sơn, Đức Hiếu, Minh Hoàng và Khánh Dy hiện đang là học sinh lớp 11 và 12 Trường THPT FPT Đà Nẵng (FPT Edu). Chung niềm đam mê khoa học, các em lập nhóm Little boys, tự nghiên cứu, sáng tạo nên một vài sản phẩm “biết đi đứng, chuyển động”. Little boys cũng đăng ký tham gia một số sân chơi về khoa học dành cho học sinh do trường, thành phố tổ chức.

Được sự dìu dắt, đồng hành về mặt chuyên môn của các thầy cô Trường THPT FPT Đà Nẵng, nhóm Little boys gần đây có nhiều sáng chế ứng dụng công nghệ cao và có nhiều tính năng hữu ích như gậy thông minh dẫn đường cho người khiếm thị hay robot với cánh tay chuyển động linh hoạt có thể giao hàng tự động.

Đưa các sản phẩm tham gia các cuộc thi về khoa học, kinh doanh, nhóm học sinh đã đạt được một số thành tích như: Giải Ba cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon 2021 và Giải Ba cuộc thi ý tưởng kinh doanh FPT Edu Biz Talent 2021 với sản phẩm robot dành cho người khiếm thị.

Ngoài ra, nhóm còn đoạt giải Ba cấp Thành phố cuộc thi Tin học Trẻ 2021 đồng thời lọt top các đội thi tranh tài tại vòng Chung kết cuộc thi nghiên cứu khoa học FPT Edu Research Festival 2022 và cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội toàn cầu 2022 (Social Business Creation - SBC 2022) với sản phẩm robot giao hàng.

Nhóm học sinh ở Đà Nẵng sáng chế gậy thông minh dẫn đường cho người khiếm thị - 1

Nhóm 4 học sinh FPT Edu có nhiều sáng chế ứng dụng công nghệ đạt giải tại các cuộc thi khoa học, kinh doanh dành cho học sinh, sinh viên.

Ý tưởng về các sản phẩm trên đều xuất phát từ thực tế cuộc sống mà các thành viên Little Boys nhìn nhận được. Với sản phẩm robot dành cho người khiếm thị, đây là thiết bị sở hữu camera góc rộng với độ phân giải cao, hướng tới vai trò như một “đôi mắt” thật, giúp người khiếm thị có thể tìm đường, nhận diện hình ảnh rồi truyền thông tin về tai nghe/kính/… bằng bluetooth.

Trên thực tế, các sản phẩm, ứng dụng hướng tới người khiếm thị xưa nay không phải hiếm, vì thế để tìm ra một hướng đi sáng tạo cho chủ đề đã quen thuộc, Little Boys đã phát triển thêm tính năng điều khiển thiết bị bằng giọng nói cho robot.

Với ứng dụng này, người khiếm thị không cần phải cầm, nắm, mang thiết bị bên người mà robot sẽ tự động đi theo họ như một thú cưng. Robot cũng có thể hỗ trợ nhận diện những mối nguy hiểm mà người khiếm thị không thấy được được, thông qua việc xác định vị trí và tốc độ lao đến.

Nhóm học sinh ở Đà Nẵng sáng chế gậy thông minh dẫn đường cho người khiếm thị - 2

Nhóm học sinh THPT FPT Đà Nẵng demo robot giao tại Chung kết cuộc thi FPT Edu Research Festival 2022.

Tiếp tục phát huy thế mạnh trong việc phát hiện vấn đề cũng như ứng dụng công nghệ để tìm ra giải pháp, mới đây, Little Boys thành công trong việc phát triển robot giao hàng với khả năng di chuyển, cử động linh hoạt.

“Hiện tại trên thị trường đã có những robot với tính năng tương tự, nhưng hầu hết đều di chuyển trong từ tính có sẵn, nghĩa là trong những môi trường mới chưa được lắp đặt thì robot sẽ rất khó điều khiển. Nhận ra vấn đề đó nên nhóm đã thay đổi việc di chuyển trong môi trường từ tính sang sử dụng LiDAR quét và thư viện SLAM để vẽ bản đồ, hỗ trợ robot chạy tự động ngay cả trong môi trường không quen thuộc. Cánh tay của robot cũng được thiết kế để di chuyển 8 hướng khá linh động, giúp robot có thể thực hiện tốt nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa trong khu cách ly”, thành viên Little Boys chia sẻ.

Đưa sản phẩm robot này tham dự cuộc thi học sinh, sinh viên FPT Edu nghiên cứu khoa học - FPT Edu ResFes 2022, nhóm được đánh giá cao trong việc xác định vấn đề nghiên cứu, kỹ năng viết báo cáo, tìm kiếm tài liệu, khảo sát thực trạng, thực nghiệm, phân tích số liệu và thuyết trình dù chưa được học chuyên sâu về lập trình cũng như cách viết luận hay làm nghiên cứu.

Nhóm học sinh ở Đà Nẵng sáng chế gậy thông minh dẫn đường cho người khiếm thị - 3

Robot giao hàng được phát triển bởi nhóm học sinh THPT FPT Đà Nẵng.

Để theo đuổi đam mê khoa học và cho “ra lò” nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, nhóm học sinh FPT Edu nỗ lực tự học hỏi và nghiên cứu. Một thành viên trong nhóm kể, có hôm thức tới 2-3 giờ sáng để “vọc” robot. “Nghe gian nan thật đấy nhưng các thành viên trong nhóm đều không ngại, bởi việc nghiên cứu hay sáng tạo robot này đều xuất phát từ sở thích, đam mê chung của các thành viên. Khi đã mê rồi thì bạn có thể dành cả ngày để nghĩ về đề tài, có thể ôm robot ngủ luôn cũng được”, một thành viên trong nhóm hào hứng kể.

Với niềm say mê nghiên cứu khoa học, giải thưởng tại các cuộc thi có lẽ không phải mục tiêu cuối cùng của nhóm Little boys. Các học sinh FPT Edu đang ấp ủ nhiều dự định cải tiến sản phẩm để đạt tới hình thức và chức năng như ý.

“Như với sản phẩm robot giao hành mà nhóm mang tới FPT Edu ResFes 2022, thời gian tới, chúng mình sẽ bổ sung chức năng và cải thiện hơn nữa về mặt hình thức. Nhóm sẽ tìm cho robot một chất liệu phù hợp, cứng cáp và chắc chắn hơn nhựa in 3D. Chúng mình sẽ cải thiện thêm chức năng tracking, nhận diện khuôn mặt và quét mã định danh người giao hàng và người nhận hàng để thông tin này ngay lập tức báo về app trên điện thoại cho người giao hàng và robot sẽ mang hàng quay lại vị trí ban đầu”, đại diện nhóm học sinh chia sẻ.

Linh Phương