Giấc mơ 'phù thủy' của cô gái tiên phong

Bất động sản - Ngày đăng : 11:14, 16/10/2022

Thư Đỗ - cô gái đầu tiên khởi xướng phong trào tự làm mỹ phẩm ở Việt Nam vừa có một cú xoay ngoạn mục sau hai năm bị Covid đè ép. Cuốn sách mới nhất của Thư xuất bản cùng lúc ở Việt Nam và Thái Lan. Con đường kinh doanh theo một cách rất mộng mơ cô từng đi suốt từ năm 2009, nay đã có thêm nhiều bạn đồng hành.

Mở rộng “khu vườn của ông nội”

Thư Đỗ (tên đầy đủ là Đỗ Anh Thư) là người sáng lập Trung tâm nghiên cứu mỹ phẩm Grandpa’s Garden nghĩa là khu vườn của ông nội.

Grandpa’s Garden ban đầu đơn giản là một xưởng sản xuất mỹ phẩm thủ công do Thư vừa làm giám đốc, vừa làm nhân viên, kiêm thợ pha chế, bán hàng, maketing... Thời điểm năm 2010, ở Việt Nam, Thư Đỗ gần như là người đầu tiên cổ xúy và vô tư chia sẻ những cách tự làm mỹ phẩm tại nhà. Qua hơn 10 năm, hiện tại, Thư trở thành người nghiên cứu, đào tạo, tư vấn doanh nghiệp, đứng sau hỗ trợ và định hướng cho rất nhiều dự án khởi nghiệp vừa và nhỏ ở lĩnh vực mỹ phẩm tại Việt Nam.

Giấc mơ 'phù thủy' của cô gái tiên phong ảnh 1
Thư Đỗ làm diễn giả tại triển lãm mỹ phẩm Cosmoprof tại Bangkok

Xuất thân là dân chuyên Pháp, lại có thời gian bốn năm sống ở Mỹ cùng bố (là một nhà ngoại giao), Anh Thư đến với lĩnh vực mỹ phẩm đơn thuần vì mơ ước thuở bé: trở thành một phù thủy để tạo ra những thứ dược phẩm thần kỳ từ chính góc bếp bí ẩn chăng đầy màng nhện. Khi đã xác định con đường đi của mình, góc bếp được Thư biến thành phòng lab (thí nghiệm), và bởi muốn mở rộng biên giới “khu vườn”, cô tìm mọi cách để được thế giới bên ngoài “cấp visa”.

Thông qua PUM (một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan chuyên kết nối các chuyên gia đã về hưu trong khoảng 70 lĩnh vực với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước đang phát triển để hỗ trợ về mặt chuyên môn), Thư mời được ba chuyên gia gạo cội về các lĩnh vực hóa mỹ phẩm để giúp cô xây dựng phòng lab và chuẩn hóa các phương án nghiên cứu, phát triển doanh nghiệp. Ba người này đều trực tiếp qua Việt Nam, có thể coi là những người thầy cầm tay chỉ việc để Thư có thể từng bước tiếp cận một quy trình nghiên cứu, sản xuất, phát triển mỹ phẩm một cách bài bản.

Giấc mơ 'phù thủy' của cô gái tiên phong ảnh 2
Thư Đỗ giới thiệu các phiên bản “Tự làm mỹ phẩm” bằng tiếng Anh và tiếng Hàn

Bằng cách tương tự, Thư không tiếc bỏ nhiều năm chỉ để tham gia các hội chợ mỹ phẩm quốc tế, lân la đến từng gian hàng hỏi, ghi chép và trao đổi với những đàn anh trong ngành. Trong lần gặp gần đây nhất, Thư kể, cô mới nhận được một chứng chỉ hóa sinh của ĐH Havard. “Nghe oách thế chứ tác dụng không nhiều. Nếu gặp “đề bài” khó, tôi sẽ nhờ họ trợ giúp. Một số thí nghiệm vượt tầm, tôi cũng sẽ gửi qua nước ngoài nhờ các phòng lab tiên tiến hơn hỗ trợ”, Thư chia sẻ.

Đỗ Anh Thư (1987) là cháu nội của nhà ngoại giao, dịch giả, nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh. Bài hát “Mười chín tháng Tám” nổi tiếng là của ông. Những tác phẩm dịch được tái bản đi tái bản lại như “Cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” (Mark Twain) hay “Trần trụi giữa bầy sói” (Bruno Apitz)... cũng là của ông. Đặt tên dự án của mình là Grandpa’s Garden là một cách tưởng nhớ đến ông của riêng Thư.

"Thư yêu quý của ông: Bệnh của ông đã khiến tai ông gần như điếc, nên ông không thể nghe điện thoại theo cách bình thường nữa. Cháu tốt nhất là cứ email ông lúc nào cần. Hãy nhớ rằng ông luôn nhớ đến cháu gái thân yêu của ông, bất kể điều gì có thể xảy đến. Ông chúc cháu mọi sự thành công ở bất cứ công việc nào cháu thích". (Trích một bức thư ông nội viết cho Đỗ Anh Thư bằng tiếng Anh, vào thời điểm ông mới phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối).

Trong suốt hai năm COVID, Thư vẫn không ngừng hỗ trợ các học viên của mình một cách vô tư và hoàn toàn miễn phí. Trung bình nửa tháng một lần, cô sẽ mời các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực tổ chức một buổi webinar (hội thảo, thuyết trình) online, vừa chia sẻ kiến thức vừa hỗ trợ kỹ năng cho khoảng 30-200 học viên. Ở đây, người ta có thể tìm được rất nhiều câu trả lời “ngay và luôn” cho những câu hỏi hết sức cụ thể, thiết thân như làm thế nào để kinh doanh tốt trong hoàn cảnh ngăn sông cấm chợ, cách đưa hàng lên các trang thương mại điện tử, viết nội dung quảng cáo như thế nào để thu hút người tiêu dùng...

Tìm đường ra biển lớn ngoài kia

Năm 2013, Đỗ Anh Thư viết cuốn sách đầu tay “Tự làm mỹ phẩm” cùng người bạn Thu Giang. Cuốn sách sau đó trở thành best seller, bán tới 15.000 bản, trở thành cẩm nang gối đầu giường của nhiều phụ nữ.

“Viết xong tôi tự dịch sách sang tiếng Anh, mặc dù lúc ấy cũng không biết để làm gì, nhưng cứ dịch. May mắn, sau này, có cơ hội đi hội chợ mỹ phẩm ở Thái Lan, tôi mang bản thảo sang chào hàng. 9 gian hàng từ chối. Cuối cùng không ngờ bản thảo lọt mắt xanh chị Karuna Chinthanom (Tổng Biên tập tạp chí Media Matter - Tạp chí về Mỹ phẩm song ngữ Anh-Thái) và sau đó nó được xuất bản ở Thái”, Thư kể.

Theo đà, cô tiếp tục tìm đường cho sách sang Hàn Quốc, nhưng lần này không qua kênh hội chợ mà là gọi điện trực tiếp. Chọn một nhà xuất bản đứng đầu danh bạ xuất bản các dòng sách cho phụ nữ, Anh Thư chủ động gọi điện giới thiệu. Cô không ngờ, người nhận điện thoại khi ấy lại chính là CEO của NXB. Sau này, khi thân hơn, vị CEO ấy kể rằng anh bị thuyết phục vì sự chăm chỉ của cô tác giả trẻ bởi trong nhiều năm nay anh chưa từng nhận một cuộc điện thoại nào vào thứ 7 mà lại nói về công việc.

Chưa dừng ở đó, Anh Thư và Thu Giang còn tự mày mò và thành công đưa “Tự làm mỹ phẩm” lên mạng bán lẻ Amazon. Việc này giúp ích rất nhiều cho cô trong việc kết nối với những chuyên gia đầu ngành và các phòng lab chuyên về hóa mỹ phẩm sau này.

Ba năm sau, Đỗ Anh Thư có cuốn sách thứ hai tên là “Dưỡng da trọn gói” (2016) hiện đã bán hơn 20.000 bản và được tái bản nhiều lần.

Vừa rồi, Thư trở lại Thái Lan trong tư cách một diễn giả, đồng thời giới thiệu cuốn sách mới nhất của cô được in song song tại cả Việt Nam và Thái Lan, cuốn “Dưỡng da tối giản”. Ngay lần in đầu tiên là 3.000 cuốn, và con số này thống nhất ở cả hai quốc gia.

Nói về ý tưởng tối giản (cả trong viết sách và làm mỹ phẩm), Thư Đỗ cho biết: “Tôi theo đuổi ý tưởng này từ năm 2015. Tối giản không phải là đơn giản mà là đỉnh cao của phức tạp. Nó là một bề ngoài đơn giản, nhưng có lẽ phải trải qua rất nhiều chi tiết, phải đủ ý, đủ cụ thể, đủ phức tạp, sau đó cô đọng dần lại thì mới tượng hình cái gọi là tối giản.

HẠNH ĐỖ