TikTok rơi vào thế khó
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 16:25, 13/10/2022
Không thể phủ nhận TikTok là ứng dụng thành công nhất bên ngoài biên giới Trung Quốc. Tuy nhiên, sự vươn mình quá nhanh của mạng xã hội video lại làm gia tăng những lo ngại từ Mỹ và các đồng minh về tính bảo mật của lượng dữ liệu người dùng.
TikTok đóng vai trò tiên phong, bởi đây là công ty Internet Trung Quốc đầu tiên đạt được thành công toàn cầu trên quy mô này. Tuy nhiên, điều đó khiến nó phải đối mặt với nhiều áp lực.
Cái khó của TikTok
Trả lời SCMP, nhiều nhân viên và nhà phân tích cho rằng sự phát triển của TikTok vẫn chịu ảnh hưởng theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ nhiều cá nhân quyền lực và chính phủ ở một số quốc gia.
Điều này khiến ứng dụng có hơn 1 tỷ người dùng bị cuốn vào một mạng lưới phức tạp của công nghệ, tiền bạc và quyền lực. Thêm vào đó, ByteDance vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ quyền sở hữu "viên ngọc" quý giá này. Mỹ không ngừng cố gắng cắt đứt liên hệ giữa TikTok với Trung Quốc, động thái biến tương lai của ứng dụng trở nên vô định.
Hai năm trước, cựu tổng thống Donald Trump thất bại trong nỗ lực ép ByteDance bán ứng dụng cho các nhà đầu tư Mỹ. Giờ đây, đến lượt chính quyền ông Biden thực hiện một kế hoạch sửa đổi để giải quyết những gì họ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia từ ứng dụng này.
So với phần lớn người dùng của WeChat chỉ đến từ trong nước, TikTok cho đến nay là nền tảng Internet Trung Quốc thành công nhất trên toàn cầu. Ảnh: SCMP. |
"Các cuộc thảo luận hiện tại dường như là sự tiếp nối của những gì chúng ta đã thấy dưới thời ông Trump", Emily Weinstein, thành viên nghiên cứu tại Đại học Georgetown nhận định.
Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng gia tăng sự giám sát với TikTok do lo ngại về vấn đề an ninh. Ấn Độ đã chặn TikTok cùng với nhiều ứng dụng khác của Trung Quốc sau cuộc đụng độ tại biên giới năm 2020 giữa hai nước.
Nhiều quốc gia đang đặt TikTok vào tầm ngắm do lo ngại vấn đề bảo mật. Ảnh: SCMP. |
Australia, EU và Anh cũng không phải ngoại lệ. Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Australian, Thượng nghị sĩ James Paterson nhấn mạnh "một lệnh cấm nên được xem xét" nếu chính phủ Australia không thể giải quyết các lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến TikTok.
Thủ tướng Anh Liz Truss trước khi đắc cử cũng từng nhấn mạnh sẽ đàn áp các doanh nghiệp có nguồn gốc từ Trung Quốc như TikTok. Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italy cho biết ứng dụng này có thể đã vi phạm các quy tắc của EU khi quảng cáo hướng đối tượng mà không có sự đồng ý từ người dùng.
Mối liên hệ giữa TikTok và Trung Quốc
Sự nghi ngờ của phương Tây đối với TikTok phần lớn bắt nguồn từ nỗi sợ hãi về việc chính phủ Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng thông qua ByteDance. Luật Tình báo Quốc gia được Trung Quốc thông qua năm 2017, cho phép chính phủ yêu cầu các công ty Trung Quốc cung cấp bất cứ thông tin, kể cả dữ liệu người dùng nước ngoài.
Mỹ vẫn là thị trường người dùng lớn nhất của TikTok bên ngoài Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Nội dung này nhiều lần bị giới lập pháp Mỹ đưa ra trong các phiên chất vấn về mối liên hệ của TikTok với Trung Quốc, dù ByteDance nhiều lần khẳng định chưa bao giờ thực hiện.
TikTok hứa rằng dữ liệu người dùng Mỹ sẽ được lưu trữ trên các máy chủ thuộc sở hữu của Oracle có trụ sở tại Texas. Bất kỳ quyền truy cập dữ liệu TikTok nào của các nhà điều hành ByteDance đều phải trải qua một quy trình nội bộ nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, nguồn tin của BuzzFeed News về âm thanh bị rò rỉ từ các cuộc họp nội bộ cho thấy nhân viên ở Trung Quốc đã nhiều lần truy cập vào kho dữ liệu đó. TikTok được phát triển từ công nghệ cốt lõi tương tự như Douyin, phiên bản tiếng Trung của nó.
Có một số dẫn chứng cho thấy ByteDance đang hợp tác với chính quyền Trung Quốc để tăng cường kiểm duyệt nội dung. Năm 2018, công ty này đã đóng cửa Neihan Duanzi, mạng xã hội chia sẻ các nội dung hài hước sau khi chính quyền phát hiện nền tảng này chứa "nội dung thô tục".
Vẫn còn nhiều dẫn chứng cho thấy ByteDance đang hợp tác với chính quyền Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Chia sẻ với Washington Post, các nhân viên TikTok tại Mỹ nói rằng họ bị hội đồng quản trị tại Bắc Kinh gây áp lực để hạn chế nội dung chính trị xuất hiện trên nền tảng. Cuối năm 2019, The Guardian tiết lộ TikTok từng yêu cầu kiểm duyệt viên xóa video có nội dung "xuyên tạc" các sự kiện lịch sử.
"Chúng tôi khuyên mọi người cẩn thận khi sử dụng TikTok, đặc biệt khi tồn tại mối đe dọa về dữ liệu cá nhân bị thu thập hoặc giám sát bởi chính phủ Trung Quốc", báo cáo cho biết.
Ông chủ thật sự của TikTok
Theo SCMP, cấu trúc thượng tầng không rõ ràng của công ty mẹ ByteDance cho thấy ít nhất một số quyết định hàng đầu vẫn đến từ phía Bắc Kinh. Câu hỏi về người thật sự nắm quyền TikTok vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Trên giấy tờ, TikTok được đăng ký tại Quần đảo Cayman và có nhân viên ở Trung Quốc.
CEO hiện nay là Shou Zi Chew, người tự nhận bản thân "một người Singapore chính gốc" trong bức thư gửi tới cho các nhà lập pháp Mỹ. Thực tế, ông Chew chỉ đảm nhận vai trò này kể từ tháng 4/2021, vài tháng trước khi TikTok trở thành một trong sáu nhóm kinh doanh riêng biệt thuộc ByteDance trong bối cảnh công ty đang tái cơ cấu.
Cũng trong bức thư gửi tới cho các nhà lập pháp Mỹ hồi tháng 6, CEO Chew thừa nhận ByteDance “đóng một vai trò trong việc tuyển dụng nhân sự chủ chốt tại TikTok”.
Dù đã rời ghế chủ tịch ByteDance nhưng nhiều nguồn tin nội bộ vẫn cho rằng nhà sáng lập Zhang Yiming góp tiếng nói cuối cùng về các quyết định lớn của TikTok. Ảnh: Joe Cummings. |
ByteDance được thành lập vào năm 2012 bởi Zhang Yiming. Năm ngoái, ông Yiming rời bỏ ghế chủ tịch, chỉ vài tháng sau khi từ chức CEO. Tuy nhiên, theo một nhà đầu tư lâu năm của ByteDance, người từ chối nêu tên vì vấn đề riêng tư tiết lộ các nhà đầu tư và CEO ByteDance đều thừa nhận Yiming vẫn duy trì tiếng nói cuối cùng về các quyết định lớn của TikTok.
“Có một sự nhận biết cơ bản về ai là người được thuê và ai là ông chủ thực sự", người giấu tên này ám chỉ về ông chủ thật sự của TikTok.