Vì sao chúng ta nên ủng hộ "tiến sĩ áo ngực"?
Xã hội - Ngày đăng : 21:00, 13/10/2022
Sau những ồn ào tranh luận, cuối cùng, nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) đã bảo vệ luận án tiến sĩ ngành công nghệ dệt may, đề tài "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực".
Các nhận xét và phản biện của hội đồng thẩm định đều kết luận luận án cơ bản phù hợp với cách đặt vấn đề và đủ sức thuyết phục, phù hợp với vấn đề nghiên cứu.
Trước đó ít ngày, luận án tiến sĩ về "giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức" bị hội đồng thẩm định phê không đạt và cần sửa chữa. Hai luận án tiến sĩ vừa nêu không liên quan đến nhau, nhưng trong bối cảnh dư luận quan tâm, tôi tin rằng các hội đồng thẩm định đã làm việc nghiêm túc và đưa ra đánh giá khách quan. Và theo tôi, kết quả với luận án của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung là hoàn toàn xứng đáng.
Những ngày qua, dõi theo các ý kiến trên mạng xã hội về luận án của chị Nhung, tôi chưa thấy ai phân tích về phương pháp, nội dung, thái độ học thuật, hay giá trị nghiên cứu; mà chỉ là những câu chửi cảm tính cho rằng nghiên cứu áo ngực phụ nữ là ba sàm, ba láp.
Tâm lý con người nói chung, thường nghĩ rằng các nhà khoa học là phải theo đuổi những công trình nghiên cứu hàn lâm ở trình độ rất cao, khi ứng dụng sẽ làm xoay chuyển mang tính cách mạng trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học nhân văn và sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật đã mở ra một thế giới muôn màu, nhưng lại thường bắt đầu từ những "vết mổ nhỏ" không dễ thấy.
Nếu như trước đây, những bệnh nhân bị vỡ túi phình hay vỡ ổ dị dạng mạch não, chỉ có cách hoặc bệnh nhân nằm im chờ số phận may rủi, hoặc bác sĩ phẫu thuật thần kinh mạo hiểm mở toang hộp sọ để xử lí; cả hai tình huống bệnh nhân có sống thì di chứng cũng rất nặng nề.
Ngày nay đã khác. Những bác sĩ Xquang hạng ba chúng tôi, chỉ cần vết mổ 4mm ở dưới bẹn, qua đó những dụng cụ được đưa lên trên sọ não để thực hiện thủ thuật cực kì an toàn, trong lúc can thiệp bệnh nhân vẫn tỉnh táo và không đau.
Hàng trăm những căn bệnh được xử lý đơn giản như thế. Ví dụ bệnh nhân tắc mạch não, thông động tĩnh mạch cảnh xoang hang trên não, hẹp động mạch vành gây nhồi máu cơ tim, các bệnh tim phức tạp khác như thông liên nhĩ, thông liên thất, tổn thương các lá van tim, hẹp động mạch thận, phình tách động mạch chủ, vỡ gan vỡ lách ngập máu ổ bụng, ung thư gan, ho ra máu sét đánh, u xơ tử cung, u phì đại tuyến tiền liệt… đều thực hiện can thiệp chỉ bằng "vết mổ nhỏ" 4mm như vậy.
Đó là điều người ngoài không ai có thể tưởng tượng được. Khi không tưởng tượng được thì người ta sẽ cho là vô lí. Sự thật, những thành tựu đó thường bắt nguồn từ những ý tưởng "điên rồ", mà chắc chắn những người tỉnh táo thông minh nhất trong chúng ta khi nhìn vào sẽ cho là ngớ ngẩn.
Hãy thử tưởng tượng, nếu chúng ta ngồi dưới gốc cây, quả mít rơi vào đầu bị chấn thương sọ não thì cũng không ai nghĩ ra định luật vạn vật hấp dẫn. Nhưng vì mít rơi vào đầu mà đặt câu hỏi tại sao quả mít ấy lại rơi xuống đất mà không bay lên trời, thì chắc chắn người đặt câu hỏi sẽ bị lôi đi nhà thương điên. Tôi xin lấy một ví dụ khác, hơn trăm năm trước, Mendel thực hiện thí nghiệm "hoa đậu biếc nở màu gì", thời bấy giờ công chúng nói ông bị "thần kinh". Kết quả là, cái công trình ngớ ngẩn ấy lại đẻ ra ngành di truyền học hiện đại, để nhân loại hôm nay được sống trong một xã hội văn minh đến mức kinh ngạc.
Nghiên cứu vú phụ nữ và áo ngực cũng vậy.
Là một bác sĩ, mỗi ngày tôi khám từ 10 đến 20 cặp vú, tôi cũng phải cài áo ngực cho nhiều chị em khóc hết nước mắt vì mặc cảm bộ ngực xấu xí, khóc vì nỗi sợ hãi khi phát hiện mình bị ung thư vú, chưa kể những trường hợp mặc áo ngực quá chật phải nhờ tôi cởi hoặc đóng giúp.
Với chút ít kiến thức nghiên cứu khoa học và toán học, sau khi đọc nghiên cứu của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung, tôi cho rằng đây là đề tài khá khó, nhưng tác giả đã hoàn thành xuất sắc, xứng đáng với một luận án tiến sĩ.
Về toán học, tác giả đã sử dụng những thuật toán thống kê rất tốt, chỉ có vài lỗi rất nhỏ hoàn toàn có thể thông cảm, chỉnh sửa hay cứ để vậy cũng được. Tôi ngạc nhiên khi tác giả dùng ngôn ngữ R trong phân tích dữ liệu. Đại dịch Covid nhiều nhà thống kê đã sử dụng ngôn ngữ này cực kì hiệu quả. Nay tôi lại nhìn thấy trong một nghiên cứu vú phụ nữ và áo ngực của người Việt nên tôi rất bất ngờ. Theo tôi, nghiên cứu có giá trị thực tiễn, có tính học thuật cao, chủ đề áo ngực phụ nữ cần được xuất hiện trong các nghiên cứu hàn lâm hơn nữa.
Thế giới đã có hàng trăm nghiên cứu công phu về áo ngực. Kết quả nghiên cứu trong luận văn của Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi đọc và nhận thấy đó là cơ sở dữ liệu nhân trắc học về vú của nữ sinh Bắc Việt Nam rất có giá trị, hoàn toàn có thể viết thành bài báo quốc tế, đăng trên các tập san chuyên ngành có bình duyệt.
Loài người đã bay lên cung trăng sao hỏa, nhưng thật tiếc, nói theo nhà thơ người Nhật Bản Nishikawa, đồ lót phụ nữ là một "thế giới mà hầu hết chúng ta không biết nhiều về nó". Chẳng hạn size áo ngực là khái niệm xa lạ. Phụ nữ Việt rất ít người biết khái niệm này, vì thế mà theo điều tra bỏ túi của tôi, có tới hai phần ba chị em không biết chọn cỡ áo ngực như thế nào cho đúng, trong khi đây là vấn đề hết sức cơ bản.
Hàng ngày, chị em mặc áo ngực vẫn thường xuyên gặp các sự cố như áo đè ép chặt lên ngực, dây vai bị tuột, vết hằn đỏ, vú bị ép quá mức hoặc quá lỏng quá mức. Trẻ em dậy thì, nếu mặc áo ngực quá chật, rất có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của tuyến vú. Trước kì kinh nguyệt, vú cương lên, phù nề, gây ra những cơn đau sinh lí, cơn đau sẽ tăng lên với chiếc áo ngực quá chật. Áo ngực chật cũng là nguyên nhân chèn ép vùng nách, làm cho dòng bạch huyết kém lưu thông, là nguyên nhân gây sưng tay và tê tay. Áo ngực có liên quan đến vú chảy xệ, liên quan đến ung thư vú hay không, đang còn là vấn đề tranh cãi. Nhưng có thể khẳng định size áo ngực là cực kỳ quan trọng!
Và nghiên cứu khoa học về áo ngực phụ nữ cũng cực kỳ quan trọng!
Tác giả:Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.