Lý do gì khiến nhiều phụ huynh cho con đi học thêm?
Nhịp sống - Ngày đăng : 10:40, 12/10/2022
“Học thêm” là câu chuyện đau đầu của những gia đình có con trong độ tuổi đến trường. Thực tế cho thấy, dạy thêm xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh. Thế nhưng, dạy thêm bị biến tướng và có dấu hiệu lợi dụng, trở thành những lớp học đại trà buộc học sinh phải theo học, gây bức xúc dư luận.
Có nên học thêm hay không? Ủng hộ hay phản đối học thêm? Các bậc phụ huynh đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau theo bối cảnh cụ thể liên quan đến học lực, cấp học của con, thậm chí là điều kiện đưa đón con đi học của gia đình.
Điều kiện gia đình quyết định lớp học thêm
Có con đang học lớp 3, chị Thúy Hà (Dương Nội, Hà Nội) cho biết, gia đình đưa ra quan điểm khi con học cấp 1 không quá quan trọng việc học thêm. Con chỉ học những môn yêu thích, còn lại bố mẹ sẽ kèm và học cùng con tại nhà. Con gái chị Hà đang theo học một lớp tiếng Anh ngoài giờ học chính khóa.
“Tôi muốn con học tốt hơn tiếng Anh. Đây cũng là môn yêu thích của con nên tự tìm lớp học cho con. Việc chọn lớp cũng phải ưu tiên gần nhà để phù hợp với điều kiện đưa đón của gia đình”, chị Hà cho biết.
Rất nhiều phụ huynh tâm lý giống chị Hà, khi lựa chọn học thêm phù hợp với thời gian đưa đón của gia đình. Nhiều gia đình, không có ông bà ở cùng, bố mẹ không kịp đi làm về để đưa đón con nên đã đăng ký cho con học các lớp CLB sau giờ học.
“Học CLB cờ vua hay cầu lông… tại trường cũng không phải quá áp lực với con tôi. Con có thêm thời gian vận động, chơi với bạn bè thay vì xem ti vi hay điện thoại, còn tôi có thời gian để về đón con”, chị Hà chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, với những khoản nộp thêm mỗi tháng cho các CLB, không phải gia đình nào cũng sẵn sàng. Đây chỉ là câu chuyện của cấp 1, với các cấp học lớn hơn các bậc phụ huynh còn đau đầu hơn nữa.
Bố mẹ “bó tay” với kiến thức cấp 2-3
Chị Thu Hoài (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con trai đang học lớp 6 cho biết, dù không muốn con tất bật học xong chính khóa lại phải chạy đến lớp học thêm, nhưng gia đình vẫn phải tìm lớp bên ngoài cho con đi học: “Tôi cho con học thêm Toán và Tiếng Anh nhưng là tự tìm bên ngoài. Tôi nghĩ một mặt nào đó thì việc cho con đi học thêm là cần thiết. Với những lớp sĩ số trên 40 bạn, để các con tiếp thu được hết kiến thức là không thể, nhất là đối với những bạn bị chậm hơn so với những bạn khác. Cô giáo thì cũng không thể đi từng bạn để giảng lại vì như thế sẽ ảnh hưởng tới thời gian lên lớp và những bạn khác”.
Theo chị Hoài, ở những năm cấp 1 bố mẹ hoàn toàn có thể tự kèm con học tại nhà. Tuy nhiên, khi con lên cấp 2, gia đình không thể không cho con đi học thêm.
“Bản thân tôi, nhiều kiến thức bị quên và lỗi thời khó để kèm con học. Tại các lớp học thêm, con sẽ được hệ thống lại kiến thức và thầy cô cũng có nhiều thời gian để giảng giải những phần các con chưa hiểu hơn. Tuy nhiên, cái gì lạm dụng quá cũng không tốt, nên tôi cũng cố gắng bố trí lớp học thêm cho con một cách hợp lý nhất để con vẫn có thời gian nghỉ ngơi và vui chơi. Tôi cũng mong muốn các cô trên lớp cũng có sự đổi mới trong cách giảng dạy để tất cả các con đều có thể tiếp thu được kiến thức mà không bị áp lực hay căng thẳng”, chị Hoài nói.
Có cùng quan điểm với chị Hoài, chị Phương Chi đang có con gái học lớp 8 trường THCS Ngọc Lâm (Hà Nội) cho biết, con đang theo 3 lớp học thêm Toán-Văn-Anh. Thời gian học thêm của con vào buổi tối, sau giờ học chính khóa ở trường và các lớp học thêm đều do mẹ tự tìm hiểu thông qua tư vấn của bạn bè, đồng nghiệp.
“Đây là lớp của những thầy cô giáo đã có tiếng. Khi con vào học, các thầy cô sẽ test trình độ để phân lớp rõ ràng, cho nên con không bị động hay chịu áp lực là học đuổi theo các bạn. Các lớp học tổ chức ở nhà các thầy các cô chứ không phải học ở trung tâm”, chị Phương Chi cho biết.
Chị Chi cũng chia sẻ, con gái học lớp 8 là giai đoạn bổ sung kiến thức quan trong để chuẩn bị thi lên cấp 3: “Với những bạn chuẩn bị thi vào cấp 3, cần nhiều kiến thức bổ sung, nhất là sau khi giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19, các con có một thời gian dài học online. Với cháu nhà tôi, thì đây là giai đoạn quan trọng cần bổ sung kiến thức”.
Bên cạnh kiến thức, cả 2 phụ huynh được hỏi cũng nói đến yếu tố tài chính của gia đình. Không chỉ là kiến thức nặng khiến bố mẹ “bó tay” không thể kèm con học. Chi phí học thêm, học ôn thi cũng tăng khiến các gia đình phải cân đo đong đếm.
Chị Hoài và chị Chi nhấn mạnh: “Gia đình tôi chủ trương cho con học thêm tùy theo nhu cầu và sức khỏe của cháu nhưng cũng phải phù hợp với kinh tế gia đình. Là một công chức nhà nước, tôi cho con học các lớp với học phí không quá đắt đỏ để tránh tạo thêm gánh nặng về chi phí cho gia đình”.
“Tôi nhận thấy, để việc học thêm không trở thành gánh nặng với các con cũng như với gia đình tìm được lớp học phù hợp với học lực của con đồng thời có chi phí vừa phải, các bậc phụ huynh cần nắm bắt, hiểu rõ học lực của con mình thông qua nhà trường, nắm bắt tâm tư của con để biết các bạn cần gì thời điểm này”.