Facebook có 10.000 người theo dõi trở lên phải thông báo thông tin
Nhịp sống - Ngày đăng : 08:59, 12/10/2022
Báo Lao động đưa tin, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) vừa trình Chính phủ dự thảo, lấy ý kiến để sửa đổi các nghị định về quản lý dịch vụ Internet. Trong đó, dự thảo đề xuất bổ sung thêm trách nhiệm của mạng xã hội xuyên biên giới tại Việt Nam (điển hình như Facebook, YouTube).
Theo Bộ TT&TT, đến hết tháng 6/2021, Việt Nam có 829 mạng xã hội được cấp phép, tuy nhiên số lượng mạng xã hội có từ 1 triệu người sử dụng thường xuyên trở lên chỉ chiếm dưới 5%.
Tổng lượng người sử dụng tại Việt Nam của nhóm 10 mạng xã hội hàng đầu Việt Nam có thể đạt tới 80 triệu người (riêng Zalo đã khoảng 60 triệu), tuy nhiên mức độ ảnh hưởng và phổ biến thì vẫn còn rất hạn chế so với mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, Youtube, TikTok... (Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam, Youtube có khoảng 60 triệu, TikTok khoảng 20 triệu).
Các mạng xã hội xuyên biên giới này chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Các quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định xã hội và bức xúc trong xã hội và cũng là gây bất bình đẳng với doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng MXH để hoạt động báo chí, tổ chức phát trực tuyến (livestream) để cung cấp thông tin sai sự thật, cung cấp xúc phạm uy tín, nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác và thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật, cần sớm bổ sung quy định điều chỉnh.
Tình trạng “báo hóa” mạng xã hội (mạng xã hội hoạt động như báo điện tử, như trang thông tin điện tử tổng hợp) đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, thực trạng phát triển về công nghệ thông tin và Internet…đã bộc lộ những hạn chế bất cập, những khoảng trống pháp lý cần được hoàn thiện vì vậy Bộ TT&TT đã đề xuất sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý phù hợp hơn với thực tế, khắc phục những tồn tại, hạn chế như đã nêu trên.
Theo Zing, trong dự thảo Bộ TT&TT trình Chính phủ quy định rõ, trong 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại của người dùng, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới phải xử lý. Nếu khiếu nại chính đáng thì phải tạm khóa hoặc xóa các nội dung bị khiếu nại có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, mạng xã hội xuyên biên giới chỉ được cung cấp tính năng livestream và các dịch vụ phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức cho tài khoản, trang cộng đồng, các kênh nội dung tại Việt Nam đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT. Nếu nội dung phát trực tuyến có vi phạm, tổ chức hoặc cá nhân hoạt động xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất trong 3 giờ kể từ khi có yêu cầu của Bộ.
Quy định cũng nêu rõ thời gian tạm khóa từ 7-30 ngày với các tài khoản thường xuyên cung cấp nội dung vi phạm pháp luật. Nếu có yêu cầu từ Bộ TT&TT, doanh nghiệp viễn thông cần triển khai biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn việc truy cập nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật trong vòng 3 giờ.
Theo đề xuất của Bộ TT&TT, các kênh/tài khoản tại Việt Nam có lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ. Các trang web/ứng dụng cung cấp dịch vụ nội dung có từ 100.000 lượng người truy cập thường xuyên một tháng phải thông báo/xác nhận thông báo hoạt động với Bộ và phối hợp xử lý thông tin vi phạm theo quy trình.
Đối với các ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ ứng dụng này khỏi kho ứng dụng do mình quản lý, phân phối, chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ.
Quốc Tiệp (t/h)