Ốm ai cũng biết mua thuốc, nhưng buồn thì cứ để mặc giày vò bản thân
Gia đình - Ngày đăng : 09:43, 11/10/2022
Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (World Mental Health Day) được tổ chức ngày 10/10 hàng năm trên toàn thế giới với mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sức khỏe tâm thần. Đây là sáng kiến của Liên đoàn Sức khỏe tâm thần thế giới (World Federation for Mental Health) từ năm 1992.
Một số chủ đề trong ngày này gồm Thúc đẩy sức khỏe tâm thần và phòng chống tự tử (2019), Người trẻ và sức khỏe tâm thần trong một thế giới đang thay đổi (2018), Sức khỏe tâm thần ở nơi làm việc (2017), Trợ giúp tâm lý (2016).
Trong thời gian công tác tại khoa Sức khỏe vị thành niên của Bệnh viện Nhi Trung ương, ThS.BS Nguyễn Đình Nam nhận được yêu cầu giúp đỡ từ một học sinh lớp 12. Em cho biết bạn thân của mình thường xuyên khóc trong lớp học, khi vắng mặt giáo viên.
Qua tâm sự, người bạn nói rằng bản thân đang chịu nhiều áp lực từ học tập và gia đình. Bởi lẽ, bố mẹ muốn em đạt kết quả tốt để làm hồ sơ đi du học, sau đó định cư ở nước ngoài.
Tuy nhiên, tự nhận thấy sức lực của mình không đủ đáp ứng kỳ vọng của phụ huynh, học sinh này ngày càng kiệt quệ về tinh thần. Thậm chí, em nhiều lần nghĩ đến việc tự sát và thực hiện ở nhà nhưng không thành.
Khi biết chuyện, bố mẹ của học sinh cất hết đồ sắc nhọn trong nhà, đồng thời đóng, hàn thêm khung sắt bên ngoài để bảo vệ con. Tuy nhiên, em nói điều đó hoàn toàn vô ích. Thời điểm được bác sĩ tâm lý thăm khám, bệnh nhân đã ở tình trạng trầm cảm nặng.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi mà bác sĩ Nam nhận được với nội dung hỏi về sức khỏe tinh thần cho người thân, bạn bè mà không đơn thuần cho chính mình. Trong không ít trường hợp, sự quan tâm và phát hiện kịp thời đã cứu cuộc sống của nhiều người.
Cần sự nhạy cảm
Theo ThS.BS Nguyễn Đình Nam, thông thường, người thân trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết sẽ hiểu rõ tính cách của một người, được biểu hiện qua cách nói chuyện, thói quen sinh hoạt hình thành từ rất lâu và không dễ dàng thay đổi. Do vậy, nếu thực sự quan tâm và để ý, ai cũng có thể nhận ra những bất thường nhỏ nhất trong biểu hiện cảm xúc, hành vi của người thân.
Ví dụ, một người thấy bạn thân dạo này thường xuyên căng thẳng và cáu gắt với mình ngay cả khi chuyện không có gì. Cha mẹ để ý cả tuần nay con ở lì trong nhà, ít trò chuyện với mọi người dù trước kia rất vui vẻ, hoạt bát. Hay sáng dậy, con thấy mắt mẹ đỏ hoe, có vẻ do mất ngủ hoặc khóc cả đêm qua.
Nhưng thực tế, dù nhận ra sự bất ổn, hầu hết đều là người bình thường, không phải chuyên gia tâm lý. Họ không đủ nhạy cảm và kiến thức về tâm lý để đánh giá được tất cả vấn đề. Thậm chí, nhiều người quá bận với những áp lực của riêng mình nên không thể dành tâm tư, sự để ý, thấu hiểu hơn câu chuyện của ai khác.
Bởi vậy, khi đến với chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần, vấn đề của bệnh nhân thường đã được biểu hiện rõ ràng và nặng nề như có ý định tự sát, không làm chủ được hành vi, cảm xúc, hoàn toàn suy sụp về mặt tinh thần. Lúc ấy, họ mới có thể được lắng nghe, thăm khám, trị liệu một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết đồng tình rằng nhiều trường hợp tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp khi vấn đề đã ở mức khá nghiêm trọng.
Thông thường, người đang có dấu nhiễu về mặt tâm lý sẽ tự nhận ra vấn đề khi ở giai đoạn đầu. Họ tìm cách chia sẻ hoặc nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài, mà trước tiên là người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, khi những người xung quanh không nhận ra tín hiệu đó, không tìm ra người hỗ trợ hoặc hỗ trợ không đúng, vấn đề sẽ trở nên trầm trọng.
Ví dụ, con cái cảm thấy chán nản, stress thường chia sẻ với bố mẹ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh thấy đó là vấn đề rất đơn giản, rằng “có mỗi việc đi học mà cũng áp lực, buồn rầu”. Họ động viên, khuyến khích con sai cách bằng lời nói như “Tại sao con lại yếu đuối như vậy, con cần phải mạnh mẽ lên”, “Đó chẳng phải vấn đề gì nghiêm trọng cả”.
Điều này dẫn đến hai phản ứng: người đang có dấu nhiễu tâm lý cảm thấy mình là người không ra gì, kém cỏi và tự ti về bản thân; họ không nhận được sự thấu hiểu, ghi nhận, lắng nghe nên dần co mình lại.
Hậu quả nguy hiểm nhất khi không tìm được sự chia sẻ là dẫn đến những hành vi mà bản thân người bệnh cũng không lường trước được.
Không phải đến lúc có vấn đề mới quan tâm nhau
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết cho rằng mọi người nên tạo ra những mối quan hệ mang tính chất tích cực thay vì chờ đến lúc người xung quanh phát ra tín hiệu nào đó mới bắt đầu tìm cách để lôi kéo lại.
Đầu tiên, mỗi người nên tạo ra năng lượng tích cực bằng chính cuộc sống của chính mình. Khi họ mang năng lượng này vào các mối quan hệ xung quanh, những người khác cũng tự nhiên ảnh hưởng, giống như một dạng tiêm phòng.
Thứ hai, theo bà Tuyết, con người đang bị mất kết nối với nhau quá nhiều. Họ thường rất ít gặp mặt hoặc có gặp thì cũng rất ít tâm sự.
“Trước đây, tôi từng ngồi quan sát ở quán cà phê và thấy rất nhiều người bước vào, chỉ ban đầu gọi đồ uống ra check-in. Sau đó, được khoảng 15 phút, mỗi người lại cầm điện thoại và ai làm việc nấy. Có thể thấy dù gặp mặt, mọi người cũng lười giao tiếp và tương tác với nhau”.
Bởi vậy, bà Tuyết khuyên mọi người nên giữ được kết nối với người thân trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Khi tương tác thường xuyên, chúng ta mới dễ dàng phát hiện ra những dấu hiệu, nguy cơ về tâm lý ở người xung quanh và xem liệu họ có cần hỗ trợ gì hay không.
Đó có thể là tránh giao tiếp, lầm lì, đột ngột thay đổi tính nết, cáu gắt, lười chăm sóc bản thân hoặc có thay đổi về mặt giao diện như quá nổi loạn, phá cách. Các dấu hiệu khi tăng dần độ nghiêm trọng có thể là thường xuyên buồn bã, chán nản, ủ rũ, nói về cái chết, tặng món đồ yêu quý của mình cho người khác, thậm chí làm thừa kế, di chúc… có thể dẫn đến việc chấm dứt cuộc sống.
Sau khi nhận ra bất ổn tâm lý từ người thân quen, bà Tuyết khuyên việc trước tiên nên làm là có những tìm hiểu nhất định trước khi can thiệp đến họ. Thực tế, khi vấn đề ở giai đoạn đầu, người có dấu nhiễu tâm lý chỉ cần được tôn trọng, lắng nghe và cảm giác yên tâm khi có người sẵn sàng ở bên chia sẻ với họ.
Việc tìm hiểu điều gì đang xảy ra với người thân quen (có thể từ chính họ hay nguồn xung quanh) có thể tránh được việc đặt câu hỏi ngớ ngẩn, không liên quan rồi đánh mất cơ hội để tiếp xúc với họ.
“Khi dấu hiệu đã ở mức nghiêm trọng, bản thân phải đảm bảo luôn có mặt kịp thời hoặc để mắt, giấu những vật dụng có thể gây nguy hiểm, tổn thương đến tính mạng hay sức khỏe của họ. Ngoài ra, chúng ta có thể tìm đến các kênh như chuyên gia tâm lý, đường dây tư vấn hỗ trợ, đơn vị công tác xã hội để có được sự trợ giúp một cách chính thống và có chuyên môn nhằm giải quyết vấn đề một cách tốt nhất”, bà Tuyết nói.
Cần nâng cao nhận thức
ThS.BS Nguyễn Đình Nam và chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết đều nhận định sức khỏe tâm thần được quan tâm hơn trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa đủ.
Theo bác sĩ Nam, vấn đề nằm ở việc hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Việt Nam đang ở mức thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Thực tế, nước ta chỉ có khoảng hơn 1.000 bác sĩ tâm thần, tức là mỗi người đang phải điều trị cho khoảng 10.000 dân.
Do đó, nhận thức của người dân về những vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần chưa thực sự ở mức cao.
“Khi bị ốm, mọi người thường ra hiệu thuốc mua về uống. Nhưng nếu có tổn thương về mặt tâm lý, hầu hết nếu không chia sẻ được với ai thì giấu và lòng hoặc để mặc nó giày vò bản thân. Rất ít người nghĩ đến việc tìm tới nhà tâm lý để được được thăm khám và trị liệu. Nếu có, họ sẽ đến khi tình trạng đã rất nặng, có ý nghĩ tự sát hoặc không làm chủ được hành vi”, ông nói.
Theo bác sĩ Nam, cách giải quyết là giáo dục để nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần của xã hội, cũng như cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần nói chung.
Bà Tuyết cho biết buồn có thể là dấu hiệu của trầm cảm, nhưng có những người buồn một tuần, một tháng vẫn không tìm đến nơi để được chữa trị. Điều đó cho thấy mọi người đang coi thường sức khỏe tâm thần của bản thân. Trong khi đó, một người khỏe mạnh thì phải khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Theo bà Tuyết, bên cạnh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, mỗi người nên trân trọng cuộc sống bằng cách bồi dưỡng, rèn luyện về mặt tinh thần hàng ngày để sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách.
Khi tiếp nhận điều trị miễn phí cho em học sinh lớp 12, ThS.BS Nguyễn Đình Nam đi từ tạo lòng tin, lắng nghe chia sẻ rồi sắp xếp tất cả suy nghĩ, căng thẳng để bệnh nhân có thể hình dung ra cuộc sống hiện tại của mình.
Sau khi em học sinh đã đủ dũng cảm, tự tin để nói chuyện với bố mẹ về vấn đề của mình, bác sĩ Nam thực hiện trị liệu cho gia đình. Cuối cùng, hai vị phụ huynh cũng nhận ra nên để con sống với mong muốn, hạnh phúc và định hướng của chính mình.
Những biểu hiện trầm cảm dần mất đi sau khoảng 5-6 tháng, với 1-2 buổi trị liệu/tháng.
Giờ đây, học sinh đó đã trở thành sinh viên năm 2 của một trường đại học ở Việt Nam. Em vẫn liên hệ với bác sĩ để khoe thành tích, hoạt động, chuyến du lịch hay bức ảnh gia đình.
“Khi gia đình, bạn bè, người xung quanh có thể thấu hiểu và giúp đỡ, người có dấu nhiễu tâm lý sẽ quay trở lại được với cuộc sống của mình”, bác sĩ Nam nói.