Chuyện xếp hàng mua xăng ở TPHCM và "lỗi" tại... cái xe bồn
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:11, 11/10/2022
Xem thêm: Nửa đêm người dân TPHCM vẫn đội mưa xếp hàng dài chờ đổ xăng
Cái xe bồn không được ra đường giờ cao điểm và chuyện xếp hàng mua xăng ở TPHCM
Xe bồn không được đi vào giờ cao điểm được coi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân phải xếp hàng mua xăng tại TPHCM. Cơ quan quản lý thì vẫn lạc quan, khẳng định đủ nguồn cung. Nhưng...
Trần Ngọc Tân (21 tuổi, sinh viên) chạy xe máy từ quận Gò Vấp, TPHCM sang quận Bình Thạnh chở bạn gái đi chơi nhưng chưa đến nơi thì xe gần hết xăng. Tân vào cây xăng ở giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng định đổ đầy bình nhưng người bán thông báo hết.
"Giờ em chưa biết tính sao", Tân nói rồi chạy xe đi.
Câu chuyện của Tân chỉ là một trong vô số câu chuyện bi hài của không ít người trong vài ngày qua tại TPHCM, khi mà đi mua xăng không dễ dàng.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, tính đến 17h ngày 10/10, trên địa bàn thành phố có tới 121 trong tổng số 550 cây xăng tạm hết mặt hàng xăng. Số cây xăng hết xăng tại TPHCM chiếm tới 22%. Tức trung bình cứ vào 5 cây xăng, ít nhất một lần khách phải dắt xe ra về.
Con số thống kê đủ sức làm người ta "giật mình" nhưng vẫn chưa thể lột tả được thực trạng bất thường, đáng báo động đang diễn ra tại TPHCM. Tài xế Lam (45 tuổi) ghé 4 cây xăng nhưng chỗ nào cũng báo hết; anh Hiểu chờ gần 1 tiếng đồng hồ mua xăng và bị muộn làm; cô Liên được cử đi xếp hàng mua xăng cho cả xóm…
Lỗi do... cái xe bồn?
Trả lời báo chí về tình trạng khan hiếm xăng dầu đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương.
"Do đó, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Về phần mình, Bộ Công Thương khẳng định hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... không phải phổ biến. Cơ quan này dẫn chứng chỉ có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân gặp khó trong mua xăng những ngày qua là các cây xăng đã đặt hàng nhưng nhà cung cấp mang tới chưa kịp thời. Ngoài ra, vào giờ cao điểm, nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao nhưng các xe bồn vận chuyển không được hoạt động trong khoảng thời gian này.
Nhận diện được nguyên nhân, trong đêm 9/10, Sở Công Thương TPHCM đã huy động 80 xe bồn để vận chuyển 1.600m3 xăng tiếp ứng cho các cây xăng trên địa bàn. Tuy nhiên, đến sáng 10/10, hàng trăm người dân vẫn phải xếp hàng dài từ ngoài đường vào tận trụ xăng để chờ đổ xăng, và vẫn có người phải rời đi vì hết hàng.
Chiều cùng ngày, Sở Công Thương TPHCM tiếp tục có văn bản đề xuất Sở Giao thông Vận tải và Công an TPHCM xem xét có phương án tạm thời hỗ trợ phân luồng và tạo điều kiện để xe bồn chở xăng được lưu thông vào giờ cao điểm, tức khung giờ 9-16h và 18-22h, trong giai đoạn 11/10-1/11.
Sau thời gian này, Sở Công Thương sẽ đánh giá tình hình và đề xuất thời hạn cho phép lưu thông phù hợp trong trường hợp cần thiết.
"Tôi cho rằng, nếu không linh động, tính toán, điều chỉnh cho các xe vận chuyển xăng dầu lưu thông giờ cao điểm thì tình trạng thiếu xăng cục bộ sẽ còn xảy ra", ông Phương trao đổi với báo chí.
Cứ 5 cây xăng thì có một hết hàng, nhưng vẫn lạc quan
Cục Quản lý thị trường TPHCM qua kiểm tra, cho biết số lượng cửa hàng hết xăng bán tính đến 17h ngày 10/10 lên đến 121 cửa hàng, tăng 67 cửa hàng so với ngày trước đó. Cơ quan này đánh giá tình hình kinh doanh xăng dầu vẫn tương đối ổn định.
Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương cho biết đã đề nghị các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên nỗ lực tìm nguồn hàng để cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ trên địa bàn các tỉnh.
Bộ Công Thương khẳng định dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng của thương nhân đầu mối, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, song tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước. Nguồn cung xăng dầu cũng vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.
Cơ quan quản lý dẫn chứng Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489.000m3 (gồm 208.000m3 xăng và 280.000m3 dầu); PV Oil còn khoảng 230.000m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19.000m3; Saigon Petro còn khoảng 11.000m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45.000m3; Thanh Lễ còn khoảng 60.000m3...
"Qua trao đổi, các doanh nghiệp cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình", Bộ Công Thương cho biết.
Tương tự, lãnh đạo Petrolimex khu vực TPHCM khẳng định nguồn cung xăng dầu vẫn đảm bảo và nhận định tình trạng người dân khó mua xăng sẽ được cải thiện trong thời gian sớm. "Nếu xe bồn được phép chạy cả ban ngày thì sẽ đảm bảo nguồn cung", vị này nói.
PV Oil cũng tuyên bố không thiếu xăng, chỉ là "đôi lúc cũng không đáp ứng kịp nhu cầu tăng đột biến nên xảy ra hiện tượng một cửa hàng hết xăng trong khoảng thời gian ngắn khi chờ xe bồn nhập hàng".
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính bị tố điều hành có vấn đề
Trong đơn phản ánh với Thủ tướng về tình hình bất hợp lý trong kinh doanh xăng dầu, tập thể 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở TPHCM và các tỉnh phía Nam cho rằng việc điều hành của liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thời gian qua có vấn đề, gây bất lợi đến doanh nghiệp dẫn đến bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu.
Các doanh nghiệp dẫn Nghị định 95 quy định thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan Nhà nước công bố, tuy nhiên, liên Bộ quản lý đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm.
Các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách "lách" quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hóa đơn khác theo bảng kê của các hóa đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng 0. Nghĩa là khi cộng phí vận chuyển thì doanh nghiệp bán lẻ mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định.
"Nếu doanh nghiệp có lãi thì không bao giờ đứt nguồn cung như đã qua, doanh nghiệp sẽ tranh thủ nhập hàng về một cách dồi dào để gia tăng lợi nhuận", 36 doanh nghiệp lên tiếng.
Phân tích cụ thể hơn, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), cho biết cơ cấu giá xăng tại Việt Nam vẫn chưa thay đổi kịp với biến động mới. Trong công thức giá cơ sở, doanh nghiệp đang phải chịu thiệt thòi khi chi phí định mức thực tế của doanh nghiệp ở mức thấp, dẫn đến không đủ chi phí chiết khấu cho đơn vị ngoài.
Theo phản ánh, có rất nhiều giai đoạn doanh nghiệp bán lẻ càng bán ra càng lỗ mà vẫn phải bấm bụng bán nhưng không ai bù lỗ. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp bị âm vốn, khó có thể trụ nổi nếu tiếp tục với việc giá mua vào bằng hoặc cao hơn giá bán ra mà doanh nghiệp không được ngưng bán.
"Với việc bắt buộc phải mua hàng giá cao để duy trì bán ra theo dạng này, doanh nghiệp bán lẻ xem ra bị đối xử còn tệ hơn người dân bình thường. Việc liên Bộ điều hành yếu kém dẫn đến ép buộc doanh nghiệp bán lỗ là một hình thức bức tử doanh nghiệp, gây bất ổn thị trường, dẫn đến chúng tôi đặt vấn đề là bộ máy điều hành có lợi ích nhóm hay không mà làm ngơ để ép doanh nghiệp bán lẻ", đại diện các doanh nghiệp xăng dầu phản ánh.
Vì vậy, các doanh nghiệp đề nghị khi kinh doanh xăng dầu chưa theo quy luật thị trường một cách hoàn toàn thì cần áp dụng chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ, tránh tình trạng "thả nổi" chiết khấu.
Còn theo TS Lê Đăng Doanh, để giải quyết dứt điểm tình trạng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu "càng bán càng lỗ", phải tổ chức một buổi đối thoại giữa các bên liên quan dưới sự tham gia của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và VINPA, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đây là vấn đề cần được tính đến bởi nếu không, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sự vận hành của nền kinh tế.
Bất cập trong công thức tính giá, quỹ bình ổn
Trước hiện tượng xảy ra trên địa bàn, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. Đồng thời, các cơ quan cần rà soát lại chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng, dầu.
36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng cho rằng cần phải thay đổi công thức tính giá cơ sở hiện nay do chưa phù hợp, chưa tính đủ chi phí và xa rời thực tế dẫn đến doanh nghiệp càng bán ra càng thua lỗ. Công thức hiện nay chỉ đúng khi giá xăng dầu luôn luôn tăng bởi hàng tồn kho của doanh nghiệp rất lớn, hoạt động có rất nhiều chi phí, kể cả chi phí cơ hội để có được khách hàng.
Công thức tính giá cơ sở hiện hành hoàn toàn không phù hợp dẫn đến giá bán lẻ xăng dầu hiện nay là giá áp đặt bắt buộc theo giá thế giới chứ không theo hoạt động kinh tế của một doanh nghiệp. Doanh nghiệp đầu mối nhập xăng dầu về dự trữ chưa bán ra, khi giá thế giới giảm thì sẽ lỗ, nếu quá trình này diễn ra vài lần thì doanh nghiệp lỗ lớn dẫn đến biện pháp cắt lỗ là bóp chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ gây bất ổn thị trường.
"Lẽ ra giá thế giới giảm thì cộng đồng doanh nghiệp và người dân hưởng lợi mới đúng nhưng chỉ vì công thức sai nên dẫn đến hỗn loạn, đứt nguồn và thua lỗ", các doanh nghiệp bức xúc.
Các doanh nghiệp này kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ chứ không theo tỷ lệ không nhỏ hơn từ 6-7%/giá bán mỗi lít xăng dầu. Việc áp dụng theo tỷ lệ chứ không áp dụng theo số tiền cụ thể để nếu sau này giá xăng dầu tăng, giảm thì vẫn áp dụng ổn định. Ngược lại, nếu không quy định được chiết khấu đại lý, cần quy định giá bán buôn (kể cả vận chuyển) không lớn hơn 94% so với giá bán lẻ quy định.
Việc trích quỹ bình ổn cũng cần xem xét loại bỏ vì hoạt động không khách quan. Việc đưa công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn, người dân và toàn bộ doanh nghiệp theo dõi được rõ ràng hơn, bởi doanh nghiệp đại lý đang có chiết khấu 0 đồng mà liên bộ lại cho trích quỹ 600 đồng/lít, doanh nghiệp bán lẻ "không có ăn mà liên Bộ lại đem để dành".
Liên quan đến quỹ bình ổn giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá thời gian qua, quỹ này chỉ đáp ứng được khi giá xăng dầu tăng giảm với biên độ nhẹ và không hiệu quả khi giá thế giới có biến động lớn, có lúc gây khó khăn cho công tác bình ổn giá. Ông đề xuất về lâu dài, cần mạnh dạn đầu tư thay quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng quỹ hiện vật (dự trữ xăng dầu với lượng dự trữ lên đến hàng triệu tấn).
Bên cạnh đó, ông Phú kiến nghị chu kỳ điều hành giá nên rút từ 10 ngày xuống còn 5 ngày để giảm chi phí cho doanh nghiệp, tránh thua thiệt cho người tiêu dùng. Cơ quan quản lý cũng cần thiết kế lại chuỗi cung ứng xăng dầu, giảm bớt trung gian; các chi phí trong cơ cấu giá cơ sở hiện nay đã lạc hậu và không còn phù hợp sắp xếp lại các đầu mối nhập khẩu, bán buôn xăng dầu có cơ chế ổn định hợp lý về phân chia lợi nhuận, chiết khấu cho các đơn vị bán buôn bán lẻ.
Trong khi đó, nói về giải pháp để bình ổn thị trường, ông Bùi Ngọc Bảo nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc thực thi, điều hành của cơ quan quản lý. Ông cho rằng cần phải quy định chặt chẽ việc mua bán theo hợp đồng và tăng chế tài đối với việc thực hiện hợp đồng.
Đại diện VINPA cũng kiến nghị sớm rà soát lại chi phí kinh doanh định mức trong cơ cấu giá xăng. Ngoài ra, xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý, vì vậy nên đưa ra mức giá trần, doanh nghiệp sẽ cân đối để điều chỉnh giá mà không tính toán theo biến động ngày.
Nội dung: Văn Hưng
11/10/2022