Bác sĩ bệnh viện công: Lương hẻo quá nên phải làm thêm

Tin Y tế - Ngày đăng : 07:07, 11/10/2022

Lương thấp, cuộc sống vất vả nên nhiều bác sĩ không thể chuyên tâm công tác tại bệnh viện công. Họ buộc phải làm thêm ở ngoài mới đủ sống và tiếp tục bám trụ với nghề.

Xem thêm: Lương bệnh viện tư cao gấp 3 lần, bác sĩ bệnh viện công băn khoăn đi hay ở

Chấp nhận bán hàng online

"Đói thì đầu gối cũng phải bò, từ làm thêm phòng mạch đến bán hàng online... công việc nào có thể kiếm thêm thu nhập tôi đều làm, miễn là không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức" - đó là lời bộc bạch của nữ bác sĩ 31 tuổi đang công tác tại bệnh viện đa khoa tuyến huyện khu vực miền Trung.

Nữ bác sĩ cho biết, làm ở bệnh viện công dù vất vả, lương thấp, nhưng bù lại là nâng cao tay nghề rất nhanh. Lý do là thường xuyên chữa trị cho bệnh nhân với rất nhiều dạng bệnh, cả đơn giản và chuyên sâu. Nhưng tiếc rằng, làm quần quật, áp lực cao, rất dễ bị xúc phạm nhưng lương "hẻo quá", nên phải làm thêm.

"Tôi cũng muốn chuyên tâm làm việc ở bệnh viện, rồi dành thời gian nghỉ ngơi nhưng với mức lương và đãi ngộ thấp như hiện nay, tôi không thể nuôi con ăn học, không đủ trang trải cuộc sống.

Nhưng tôi không đủ can đảm nghỉ việc vì tiếc công sức, tiền bạc đã bỏ ra nên quyết tâm làm tiếp. Tôi vẫn hy vọng sẽ có mức lương tốt hơn trong tương lai. Hiện tại, ngoài giờ làm và trực, tôi nhận tiêm, truyền cho bệnh nhân quanh nhà. Ngoài ra, bán thêm hoa quả, rau củ trên mạng để có thêm thu nhập. Thật sự vất vả nhưng đói thì đầu gối cũng phải bò" - nữ bác sĩ tâm sự.

Nhiều bác sĩ bị áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng. Ảnh minh họa: Hà Anh Chiến
Nhiều bác sĩ bị áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng. Ảnh minh họa: Hà Anh Chiến

Sinh viên đắn đo về quyết định trong tương lai

Chia sẻ về câu chuyện của mình, Lương Quốc Thái - sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, gia đình khuyên em nên làm việc ở bệnh viện tư thay vì bệnh viện công như em đã dự định.

"Bố mẹ em đều công tác tại cơ sở y tế công lập nên họ hiểu tất cả áp lực sẽ phải trải qua. Trước đây, khi xác định theo con đường y khoa em đã đặt mục tiêu sau khi ra trường sẽ làm tại bệnh viện công. Lời khuyên của gia đình khiến em băn khoăn suốt một thời gian dài” - Quốc Thái tâm sự.

Sau khi chứng kiến nhiều người bỏ nghề, chuyển công tác vì đồng lương không đủ mưu sinh, cộng thêm lời khuyên của gia đình, nam sinh đã nghiêm túc suy nghĩ và định hướng lại con đường phía trước.

“Mục tiêu lớn nhất của em là có thể theo nghề và bám nghề. Hiện tại, em đã nghiêng mục tiêu về làm việc ở bệnh viện tư” - Thái nói.

Còn Trương Hương Duyên - sinh viên Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên đã xác định rõ con đường sau khi ra trường là công tác ở bệnh viện tư.

"Bệnh viện công có nhiều ưu điểm để làm việc, tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là lương và chế độ đãi ngộ thấp khiến những sinh viên mới ra trường rất khó để ổn định cuộc sống. Nếu công tác ở viện công, bố mẹ vẫn phải chu cấp thời gian đầu, kinh tế gia đình em không đáp ứng được điều đó” - Hương Duyên bộc bạch.

Nữ sinh cũng cho rằng, môi trường ở nhiều bệnh viện tư rất trẻ trung, năng động, phù hợp với khả năng và định hướng phát triển của em. Đặc biệt là chế độ lương và đãi ngộ giúp nhân viên y tế đảm bảo cuộc sống.

“Em đã học được cách nhìn vào thực tế để có sự lựa chọn phù hợp. Không ai có thể sống và cống hiến với chiếc bụng rỗng. Mình phải đảm bảo nhu cầu của cuộc sống mới có thể nghĩ đến việc phục vụ nhân dân và cống hiến cho xã hội” - nữ sinh chia sẻ.

Phùng Nhung