Quả hồng chứa nhiều giá trị dinh dưỡng cao, nhưng ăn sao cho đúng?
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 17:56, 10/10/2022
Nguy kịch vì ăn quả hồng
Hàng năm cứ vào khoảng tháng 7- 8 là hồng bắt đầu kết trái. Mùa hồng giòn bắt đầu thường từ cuối tháng 7 đến 9 hàng năm. Hồng giòn ngon nhất là vào giữa mùa, trái vừa giòn và vừa ngọt đậm đà. Thường thì cuối tháng 8, sang tháng 9 là những thời gian hồng giòn xốp và ngọt nhất.
Mùa hồng ở Việt Nam, đặc biệt là vùng trồng nhiều hồng như Đà Lạt thường kết thúc vào tháng 12 cuối năm.
Mới đây, ngày 27/9, các bác sĩ Bệnh viện E (Hà Nội) đã phẫu thuật lấy khối bã thức ăn thành công cho nữ bệnh nhân 57 tuổi, ở Hà Nội. Bà ăn khoảng 5-6 quả hồng, sau vài ngày, xuất hiện tình trạng đau âm ỉ nên đến viện khám.
Người bệnh từng có tiền sử viêm loét dạ dày, viêm da cơ địa, từng cắt u xơ tử cung. Các bác sĩ đã nội soi dạ dày cho bệnh nhân phát hiện có hai khối bã thức ăn lớn với kích thước lần lượt là 6x7cm và 2x3cm.
Khi nội soi dạ dày để gắp thức ăn ra nhưng không thành công. Không thể xuyên phá khối bã này bằng tia laser do khối bã thức ăn quá rắn chắc, bác sĩ buộc phải phẫu thuật mở mặt trước dạ dày để lấy ra.
Trước đó, tháng 10/2021, khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện E, cũng tiến hành phẫu thuật nội soi để đẩy khối bã thức ăn xuống đại tràng cho một nữ bệnh nhân ở Hà Nội.
Người này có tiền sử cắt 2/3 dạ dày, trước khi vào viện có biểu hiện đau bụng, nghi do tắc ruột. Bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện vài ngày có ăn quả hồng ngâm.
Hồng chứa nhiều dinh dưỡng
BS Trần Thị Ngọc Châu - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Cơ sở 3 - cho biết cây hồng, tên khoa học là Diospyros kaki, họ Thị (Ebenaceae). Hiện nay, trái hồng thường được chế biến dưới hai dạng: tươi và sấy khô. Dạng sấy khô như mứt hồng, hồng sấy dẻo... Dạng tươi có loại hồng mềm và hồng giòn.
Trái hồng là một loại trái cây chứa nhiều dinh dưỡng, mùi vị thơm ngon và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trái hồng có giá trị dinh dưỡng cao, giàu glucose, fructose, sucrose, protein, betacarotene, vitamin C, citrulline, iốt, canxi…
Trái hồng có hàm lượng vitamin C nên trái hồng là thực phẩm lý tưởng khi cần bổ sung vitamin C, giúp tăng cường sức khỏe miễn dịch của cơ thể. Vì có chứa một lượng iốt tương đối cao nên trái hồng có thể giúp ngăn ngừa được bệnh bướu cổ đơn thuần.
Trong thịt trái hồng chứa nhiều pectin, là một loại chất xơ hòa tan, có tác dụng nhuận tràng, giúp hạn chế tình trạng táo bón và duy trì hệ vi sinh đường ruột. Một số nghiên cứu mới đã chứng minh tác dụng chống lão hóa của hồng nhờ nhóm hợp chất proan – thocyanidin có nhiều trong lớp vỏ, giúp bảo vệ tế bào không bị oxy hóa, đồng thời còn giúp củng cố thị lực.
Ăn hồng ra sao cho đúng?
Theo bác sĩ Châu, bệnh nhân bị tiểu đường nên thận trọng khi ăn hồng. Vì trái hồng chứa 10,8% đường, phần lớn là disaccharides đơn giản và monosaccharides (glucose, fructose, sucrose) nên dễ dàng hấp thu vào máu sẽ gây tăng lượng đường trong máu.
Nếu ăn hồng, cần cân nhắc đến việc giảm ăn các loại thực phẩm có chứa đường khác trong ngày, để đảm bảo đường huyết của bạn được ổn định.
Trái hồng không phù hợp cho người bị thiếu máu thiếu sắt, do trái hồng chứa nhiều tanin sẽ kết hợp với sắt tạo thành kết tủa, dẫn đến cản trở sự hấp thu sắt trong thức ăn. Ngoài ra, cũng không nên ăn trái hồng khi đang uống thuốc bổ sung sắt.
Do hồng có chứa nhiều tanin và chất xơ nên những người có bệnh viêm loét dạ dày thường sẽ cảm thấy khó chịu, đầy bụng, khó tiêu sau khi sử dụng. Vì thế, người mắc bệnh viêm loét dạ dày nên hạn chế ăn hồng.
Không ăn vỏ trái hồng. Trong vỏ trái hồng có chứa nhiều tanin, đây là lý do vỏ hồng ăn có vị chát.
Đặc biệt là không ăn hồng lúc bụng đói. Dưới tác động của axit dạ dày, tanin dễ bị kết tủa tạo phức. Hồng giòn tuy có vị ngọt nhưng vẫn còn một lượng tanin trong đó. Nên ăn hồng sau khi ăn cơm, hoặc lúc bụng no.
Theo Đông Y, hồng tươi có tính hơi hàn, có thể làm hạ huyết áp, không nên dùng cho người suy kiệt, huyết áp thấp, mệt mỏi kinh niên, phụ nữ mới sinh.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết dù là một loại quả ngon nhiều dinh dưỡng nhưng không biết ăn lại gây hại cho sức khoẻ. Do trong hồng có nhiều tanin và pectin khiến cho hồng rất chát. Khi ăn nhiều, hồng có thể gây ra tình trạng táo bón, khó tiêu hoá, tắc ruột/
Khi ăn hồng ngâm một cần phải lưu ý một số vấn đề sau để tránh gây ra rắc rối cho sức khoẻ. Không ăn khi bụng đói do tanin kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày. Những khối kết tủa lưu lại trong đường tiêu hóa có thể gây ra gây tắc nghẽn đường tiêu hóa (tắc ruột).
Người đang có tình trạng táo bón, tiêu hóa kém cũng không nên ăn hồng ngâm nhiều. Chất tanin có thể làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón.