Vụ gia đình liệt sĩ ở Hà Nam bị lấn chiếm đất: Phán quyết khó hiểu của tòa án
Pháp luật - Ngày đăng : 12:40, 10/10/2022
Mảnh đất ở thôn Đa Bồ Đạo (xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) được cụ Nguyễn Thị Xuyên để lại cho con dâu là bà Nguyễn Thị Du để thờ cúng anh trai chồng là liệt sĩ Nguyễn Mạnh Nha.
Trong thời gian gia đình bà Du đi vắng, gia đình ông Nguyễn Văn Chung (hàng xóm) tự ý đập phá tường bao, xâm phạm chỗ ở, lấn chiếm hàng chục m2 đất đã có sổ đỏ.
Đi làm ăn xa, về nhà mất đất
Theo đơn trình bày và hồ sơ bà Nguyễn Thị Du gửi đến Báo điện tử VTC News, thửa đất số 65 tờ bản đồ 26 diện tích 495m2, trong đó 185m2 đất ở và 310m2 đất vườn tạp được UBND huyện Bình Lục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Nguyễn Thị Xuyên (mẹ liệt sĩ Nguyễn Mạnh Nha).
Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số I 952952 vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 647-QSDĐ/181/QĐ-UB ngày 16/10/1997 có 2 thửa. Cụ Xuyên (đã chết) ngày 2/7/2020 đã làm thừa kế thửa đất 65, tờ bản đồ 26, diện tích 495m2 và thửa 67 tờ bản đồ 26, diện tích 470m2 cho con trai là ông Nguyễn Văn Nhận tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Bình Lục.
Sau khi ông Nhận mất, bà Nguyễn Thị Du (vợ ông Nhận) là người thừa kế hợp pháp thửa đất 65, tờ bản đồ 26 diện tích 495m2 liền kề với hộ ông Nguyễn Văn Chung. Năm 2016, gia đình ông Nhận bà Du xây tường bao phía nam dài 8,02m, rộng 0,20m, cao 1,50m và phía tây dài 3,34m, cao 1,50m, rộng 0,20m. Trước và sau khi xây, hai gia đình không xảy ra tranh chấp.
Vì cuộc sống mưu sinh nên vợ chồng bà Du phải vào miền Nam để làm việc và nhờ họ hàng trông giúp. Đến năm 2019, gia đình ông Chung xây dựng nhà và đưa máy xúc tự ý đập phá, huỷ hoại tài sản là tường bao, và xây lấn vào diện tích đất đã được cấp sổ đỏ của nhà bà Du.
“Đất này là tôi được thừa kế của gia đình chồng và để thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Mạnh Nha là anh trai chồng. Giờ cả bố mẹ chồng và chồng tôi đã mất, nay mẹ góa con côi. Bản thân tôi đã nhiều lần gửi đơn lên các cấp chính quyền, TAND huyện Bình Lục nhưng vẫn chưa được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật”, bà Du cho biết.
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng thôn Đa Bồ Đạo cho biết, chuyện gia đình ông Chung hủy hoại tài sản, chiếm dụng đất và xây dựng tường trái phép của gia đình bà Nguyễn Thị Du người dân trong thôn ai cũng biết và rất bức xúc. Thôn, xã đã 5 lần tổ chức đến hoà giải, đồng thời vận động ông Chung trả lại diện tích cho bà Du nhưng không nhận được sự hợp tác của gia đình ông Chung.
“Không chỉ lấn chiếm đất nhà bà Du, gia đình ông Chung còn lấn chiếm đất bốn bề khi xây nhà mà không được sự đồng ý của các gia đình liên quan cũng như chính quyền địa phương”, ông Hợp cho biết.
Trước sự việc, gia đình bà Du đã làm đơn khởi kiện lên TAND huyện Bình Lục để giải quyết vụ việc.
Lấn chiếm đất chỉ phải bồi thường tiền?
Ngày 16/9/2022, TAND huyện Bình Lục mở phiên toà xét sơ thẩm công khai vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất về ranh giới đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Du (SN 1954) và bị đơn là ông Nguyễn Văn Chung (SN 1941). Thẩm phán, Chủ toạ phiên toà là ông Đặng Trần Anh Dũng.
Nội dung vụ án được Hội đồng xét xử TAND huyện Bình Lục nhận định: “Hội đồng xét xử thấy đúng là nhà ông Chung đã xây tường bao lấn sang đất nhà bà Du và khi làm nhà đã để ô văng trên cao (tầng 2) chìa sang lưu không đất nhà bà Du”.
Phiên toà cũng chấp nhận một phần khởi kiện của bà Nguyễn Thị Du và xác định, ông Nguyễn Văn Chung xây nhà để mái văng tầng 2 chìa sang thửa đất nhà bà Du, và xây tường rào lấn sang phía Nam nhà bà Du 9m2.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là trong bản án số 04/2022/DS-ST do ông Đặng Trần Anh Dũng (chủ tọa phiên tòa) ký lại quyết định: “Không chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Du về việc buộc ông Nguyễn Văn Chung phải tháo dỡ phần lấn chiếm trái phép là mái ô văng tầng 2 phía Bắc của ngôi nhà 2 tầng, tường bao. Giữ nguyên hiện trạng bức tường bao dài 8,08m mà ông Nguyễn Văn Chung xây để làm ranh giới. Bức tường này thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn Chung. Ông Chung được quyền sử dụng 9m2 đất (lấn chiếm nhà bà Du). Buộc ông Chung phải trả cho bà Nguyễn Thị Du số tiền 3.960.000 đồng là giá trị 9m2 đất mà ông Chung đã làm tường bao lấn sang đất gia đình bà Du đang sử dụng hợp pháp. Buộc ông Chung phải trả bà Du số tiền 8.100.000 đồng khi làm nhà đã làm hỏng tường bao của nhà bà Du. Buộc ông Chung phải trả bà Du số tiền 14.200.000 đồng tiền chi phí định giá tài sản và xem xét thẩm định tại chỗ…”.
Như vậy, ông Nguyễn Văn Chung dù lấn chiếm đất hợp pháp, phá hoại tài sản, xâm phạm chỗ ở hợp pháp của gia đình bà Du nhưng không bị khởi tố, xử lý hình sự mà còn được Thẩm phán, Chủ toạ phiên toà ra phán quyết vô cùng khó hiểu.
VKS huyện kháng nghị bản án
Không đồng tình với bản án do Thẩm phán, Chủ toạ phiên toà Đặng Trần Anh Dũng ban hành, ngày 30/9, VKSND huyện Bình Lục đã có Kháng nghị số 01 gửi TAND tỉnh Hà Nam để xét xử phúc thẩm, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân bằng việc trả lại diện tích đất đã lấn chiếm.
Kháng nghị của VKSND huyện Bình Lục viện dẫn: “Khoản 1, Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 quy định: sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không”.
"Như vậy, bản án sơ thẩm đã tuyên buộc ông Nguyễn Văn Chung phải trả cho bà Nguyễn Thị Du phần đất đã lấn chiếm là 9m2 nhưng lại tính giá trị bằng tiền là không đúng với yêu cầu khởi kiện, không đảm bảo quyền lợi cho bà Du được quy định tại Điều 175 Bộ luật dân sự năm 2015", kháng nghị của VKSND huyện Bình lục nêu.
Cụ thể, theo Điều 175: Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thoả thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Không được lấn chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Từ đó, VKSND huyện Bình Lục kháng nghị đối với bản án sơ thẩm của TAND huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
“Đề nghị TAND tỉnh Hà Nam xét xử phúc thẩm theo hướng buộc gia đình ông Nguyễn Văn Chung phải trả cho gia đình bà Nguyễn Thị Du 9m2 đất đã xây tường bao lấn chiếm sang thửa đất của gia đình bà Nguyễn Thị Du và buộc gia đình ông Chung phải tháo dỡ toàn bộ ô văng tầng 2 phía Bắc của ngôi nhà 2 tầng chĩa sang lưu không thửa đất nhà bà Du”, kháng nghị nêu rõ.
Bà Nguyễn Thị Du cũng cho biết, gia đình đã làm đơn kháng án gửi TAND tỉnh Hà Nam, đồng thời sẽ làm đơn gửi cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ hành vi phá hoại tài sản, lấn chiếm đất hợp pháp của gia đình bà.
“Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hủy hoại tài sản, lấm chiếm đất, xâm phạm chỗ ở hợp pháp thì chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng khởi tố vụ án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, bà Du nói.
Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu cho biết: Căn cứ theo khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về hành vi lấn, chiếm đất như sau: Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép.
Tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phá hoại tài sản.
Theo quy định tại Khoản d, Điều 158 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác quy định: Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.