NÓI THẲNG: Ép hoa hồng kiểu đó, cây xăng không 'đóng cửa' mới lạ!
Nhịp sống - Ngày đăng : 14:35, 10/10/2022
Xem thêm: Người dân TPHCM chật vật đổ xăng trong sáng đầu tuần
Khi liên bộ Tài chính – Công Thương quyết định giảm sâu giá bán lẻ xăng dầu theo giá thế giới thì nhiều cây xăng phải bán cầm chừng hoặc treo bảng hết xăng, tạm nghỉ, khiến người dân đỏ mắt đi tìm mua nhiên liệu phục vụ đi lại hằng ngày, có nơi đã xảy ra xô xát gây mất an ninh trật tự.
Hàng loạt cửa hàng xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành phố treo biển tạm nghỉ với đủ các lý do "hợp lý": Phải bảo dưỡng, cải tạo bồn bể, xây dựng, sửa chữa cửa hàng. Nhưng nguyên nhân thật sự không khó để biết, là do chiết khấu hoa hồng thấp, không đủ bù chi phí nên kinh doanh không lãi, càng bán càng lỗ.
Theo quy định hiện hành, Nhà nước quản lý xăng dầu bằng bảo đảm nguồn cung thông qua các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, sử dụng công cụ thuế, quy định trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu và quy định giá bán lẻ xăng dầu thống nhất trong cả nước theo cơ chế thị trường. Mức hoa hồng, chiết khấu cụ thể do các doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống đại lý, các cửa hàng tự thỏa thuận theo hướng khi giá xăng dầu giảm thì tăng mức chiết khấu, hoa hồng lên để tăng lượng tiêu thụ.
Nhưng do lo ngại nguồn cung khan hiếm, xu hướng giá xăng dầu thế giới tăng cao, nhiều doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu chấp nhận chi phí cao hơn để có nguồn hàng, đã tranh thủ nhập một lượng lớn để bảo đảm nguồn cung trong nước và có thể hưởng lợi từ xu hướng giá tăng.
Nhưng khi giá xăng dầu thế giới từ quý III trở đi đảo chiều, Nhà nước điều chỉnh giá bán giảm sâu, để tránh bị lỗ, họ đã siết lại mức hoa hồng, chiết khấu cho doanh nghiệp, đại lý bán lẻ ở mức thấp, thậm chí có thời điểm bằng 0.
Trong khi các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải cõng gánh nặng chi phí vận chuyển, nhân công, thuế và nhiều chi phí khác, khiến việc kinh doanh không có lãi, thậm chí càng bán nhiều, càng lỗ nhiều. Họ phải tìm đủ mọi lý do hợp lý để "tạm ngưng hoạt động", ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu, ách tắc ngay khâu then chốt – đến tay người tiêu dùng.
Xăng dầu đang rất nóng ngay trong trạng thái nguội của giá giảm sâu. Ai chịu trách nhiệm cho nghịch lý này?
Buôn bán thì phải có lời, đại lý xăng dầu không thể chịu thiệt chỉ vì những toan tính rất khôn của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu. Mà quan trọng hơn, "trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết". Trong "cuộc chiến" bảo vệ lợi nhuận của hai bên, đối tượng chịu thiệt là người tiêu dùng và xa hơn là cả nền kinh tế đất nước.
Việc kinh doanh xăng dầu đang vận hành theo cơ chế thị trường nhưng những gì đang diễn ra cho thấy có vẻ như tình trạng "độc quyền" vẫn tồn tại. Trách nhiệm thuộc về ai trước những nhiễu loạn này? Liên bộ Tài chính - Công Thương không thể cứ khoanh tay đứng nhìn!
Giải pháp để tháo gỡ không thể là xử phạt các cây xăng găm hàng chờ giá vì chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Cần có giải pháp tiếp cận tổng thể, hài hòa lợi ích các bên liên quan.
Quốc hội, Chính phủ đã quyết định giảm các loại thuế liên quan xăng dầu, điều chỉnh việc trích lập quỹ bình ổn, nhưng rất cần vai trò nắm tình hình, tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách, đặc biệt là vai trò quản lý Nhà nước của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, mà trực tiếp là của ngành công thương.
Hiện nay, công thức tính "giá cơ sở" để quyết định giá bán lẻ xăng dầu mới dừng lại chỗ doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, trong khi hệ thống đại lý, các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu là một mắt xích quan trọng, công đoạn cuối cùng đưa xăng dầu đến tay người tiêu dùng thì đang bị bỏ lửng, để mặc thương nhân đầu mối "thỏa thuận" theo hướng ép đơn vị bán lẻ vì lợi thế nắm nguồn cung.
Người bán, người mua đang trông chờ một cơ chế điều hành giá xăng, bao gồm cả khung giá chiết khấu hoa hồng cho bán lẻ thật sự rõ ràng, minh bạch để xem xét, tính đúng, tính đủ, tính trung thực và quyết định "chi phí hợp lý" trong tình trạng xăng dầu có nhiều biến động về nguồn cung, thường xuyên đảo chiều giá cả.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan xem xét quyết định các chi phí hợp lý theo đúng quy định, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và quyền lợi của các bên liên quan.
Một cơ chế xác định "khung chi phí hợp lý" trong hệ thống cung ứng xăng dầu là cần thiết để vừa ngăn chặn tình trạng trục lợi, vừa tháo gỡ, tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối xăng dầu có thể xác định đúng mức chiết khấu hoa hồng hợp lý từ việc nhập khẩu, chi phí tạo nguồn từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho cảng xăng dầu và các chi phí hợp lý khác có liên quan.
Việc xác định "khung chi phí hợp lý" phải bảo đảm nguyên tắc hài hòa "3 lợi ích". Một là, lợi ích của Nhà nước, cơ quan quản lý, điều hành xăng dầu, đại diện cho lợi ích chung toàn xã hội. Hai là, lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Ba là, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng.
Khó có thể kêu gọi hoặc áp đặt một thời gian dài bằng các biện pháp hành chính đơn thuần như rút giấy phép khi mà các đại lý bán lẻ xăng dầu phải hoạt động trong tình trạng càng bán, càng lỗ.