Phân làn xe tải sẽ góp phần giảm ùn tắc trầm trọng ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội

Nhịp sống - Ngày đăng : 07:09, 10/10/2022

Trước khi thực hiện các giải pháp khác, việc thực hiện phân luồng xe tải có lẽ là biện pháp làm được ngay để góp phần kéo giảm ùn tắc tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội.

Dòng phương tiện từ các tỉnh phía Nam muốn ra, vào hoặc đi qua Hà Nội đều phải qua nút giao Pháp Vân – Vành đai 3. Nút giao này quá tải khiến cảnh hàng dài xe nhẫn nại nhích từng mét khá phổ biến.

Bạn đọc Vũ Tuấn cho hay, cửa ngõ phía Nam thường xuyên ùn tắc do lượng xe dồn về đây để lên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và ra cầu Thanh Trì.

Nhìn ở phương diện khác, bạn đọc Anh Như cho hay, phương tiện dồn ứ do nút giao Pháp Vân quá gần nút giao Vành đai 3 - Giải Phóng. Khi phương tiện dồn vào chưa kịp thoát hết thì đèn tín hiệu đã báo dừng.

Dòng phương tiện xếp hàng dài tại nút giao Pháp Vân - Vành đai 3 - quốc lộ 1A. Ảnh: Đình Hiếu

“Nút giao này và đường 70 đoạn cầu Tó đến qua Bệnh viện K Tân Triều luôn mong mỏi được các bộ, ngành và TP Hà Nội quan tâm mà lâu quá”, bạn đọc Lã Thị Ngần nêu ý kiến.

Thường xuyên phải di chuyển qua nơi đây, bạn đọc Vĩnh Thụy Nguyễn Phúc nhận định, nút giao này ngày càng tắc trầm trọng. “Ngay cửa Bến xe Nước ngầm là cảnh taxi đón khách lộn xộn. Chỗ đó cần dựng 1 hàng rào phân luồng chỉ vừa 1 xe taxi. Các xe nối đuôi nhau đón khách, sẽ rất trật tự và taxi cũng ko giành giật khách được nữa”, bạn Vĩnh Thụy Nguyễn Phúc góp ý.

Điều cần làm ngay

“Phân luồng xe tải có lẽ là biện pháp trước mắt phải thực hiện ngay”, bạn đọc tên Vinh nêu quan điểm.

Bạn Vũ Tuấn cho rằng, muốn giảm ùn tắc, cơ quan chức năng cần khẩn trương làm cho xong tuyến đường từ Xa La đi Cầu Giẽ; làm đường từ đường Phan Trọng Tuệ lên thẳng cao tốc, chứ không phải đi về Pháp Vân để lên cao tốc như hiện nay. Bên cạnh đó, cần làm thêm cầu qua sông Hồng để xe không dồn qua cầu Thanh Trì.

Bạn Nguyễn Nguyệt cho rằng, còn có giải pháp mang tính khả thi cao cần nhắc đến là làm ngay đoạn 20km còn lại của tuyến đường trục phía Nam kết nối từ Nguyễn Xiển đến quốc lộ 1A cũ tại Phú Xuyên. Đồng thời, cơ quan chức năng cố gắng đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để nâng cấp tuyến quốc lộ 1A theo quy hoạch từ Phú Xuyên đến Văn Điển. Điều này sẽ tạo thêm 2 tuyến đường trục xuyên tâm theo quy hoạch, chia sẻ lưu lượng cho cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ độc đạo hiện nay.

“Một trong những biện pháp giảm ùn tắc hiệu quả là hoàn chỉnh vành đai 3,5 và xây cầu Ngọc Hồi. Nếu chỉ cải tạo nút Pháp Vân, lượng xe tắc ở cầu Thanh Trì sẽ kéo dài”, bạn đọc Bùi xuân Lâm bày tỏ.

Một bạn đọc khác nêu quan điểm: “Hà Nội muốn giải quyết tình trạng tắc đường phải sau 10 năm nữa với các giải pháp quyết liệt như: Không cấp phép thêm dự án xây nhà chung cư trong khu vực các quận nội thành. Đầu tư xây dựng nhiều tuyến tàu điện ngầm xuyên tâm thành phố. Trước mắt, tăng năng lực vận chuyển của các loại xe buýt. Thu phí xe con lưu hành trong khu vực nội thành để hạn chế tắc đường và tăng nguồn thu cho ngân sách nhằm tái đầu tư cho hệ thống giao thông ngầm.

Hầm chui, cầu vượt chỉ là giải pháp tình thế giải quyết tắc cục bộ, được chỗ này lại tắc chỗ khác và làm cho bộ mặt giao thông sau này của Hà Nội nhếch nhác. Nên cho các tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia thực hiện dự án theo hình thức PPP hoặc BOT vì năng lực của các doanh nghiệp trong nước có thể làm được. Riêng các dự án giao thông ngầm đấu thầu quốc tế phải đảm bảo có mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công, không để đội vốn và chậm tiến độ”.

Nhìn ra xa, bạn đọc Dung Le cho hay: “Muốn hết tắc thì buộc phải chuyển các trường đại học, các bệnh viện tuyến trung ương , bến tàu, bến xe ra khỏi nội thành”.