Lương bệnh viện tư cao gấp 3 lần, bác sĩ bệnh viện công băn khoăn đi hay ở

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:23, 09/10/2022

Nhân viên y tế trong bệnh viện công lập có mức lương quá thấp, áp lực công việc lại lớn. Bản thân tôi đang rất băn khoăn với mức thu nhập như vậy thì nên đi hay cố chấp mà trụ lại" - bác sĩ Chi hiện đang công tác tại một bệnh viện tuyến trung ương bộc bạch.
Lương bệnh viện tư cao gấp 3 lần, bác sĩ bệnh viện công băn khoăn đi hay ở
Lương bác sĩ bệnh viện tư cao, chế độ đãi ngộ tốt. Ảnh: LĐO

Lương ở viện tư cao ít nhất gấp 3 lần ở bệnh viện công

"Mức thu nhập và chế độ đãi ngộ hiện nay ở bệnh viện tư trả cho y bác sĩ khá ổn định, tốt hơn nhiều so với bệnh viện công lập, đủ để chi tiêu cho cả gia đình mức trung bình khá.

Theo đó, y bác sĩ làm việc ổn định, được tập trung chuyên môn, ít kiêm nhiệm việc ngoài chuyên môn. Đặc biệt, mức thu nhập tốt nên ít lo đến các khoản thu nhập khác để đảm bảo cuộc sống" - đó là chia sẻ của một vị bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Chia sẻ về chủ đề này, bác sĩ Chi - hiện đang công tác tại một bệnh viện tuyến trung ương cho biết: "Nhân viên y tế trong bệnh viện công lập có mức lương quá thấp, áp lực công việc lại lớn. Bản thân tôi đang băn khoăn với mức thu nhập bèo bọt như vậy thì nên đi hay cố chấp trụ lại".

Vị này cho biết, bác sĩ ra trường được hưởng lương của cử nhân (trình độ đại học nói chung), có hệ số 1 là 2,34 tức là 2,34 x 1.490.000 = 3.486.600 đồng (chưa trừ bảo hiểm), cứ 3 năm được tăng lương một lần lên 0,33 thành hệ số 2 (2,67), rồi hệ số 3 (3,00)...

Còn nếu công tác ở bệnh viện tư thì mức lương khởi điểm ít nhất là 10 triệu đồng. Tức mức lương khởi điểm ở viện tư cao gấp 3 lần ở bệnh viện công.

“Chỉ tính riêng về khía cạnh lương chưa xét về những yếu tố khác thì có thể thấy rõ ràng mức lương ở bệnh viện ngoài công lập cao hơn hẳn. Vì vậy, nhiều bác sĩ chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư để làm việc và công tác là điều dễ hiểu” - nữ bác sĩ cho biết.

Đây cũng là điều khiến nhiều bác sĩ trẻ băn khoăn bởi họ muốn ở lại bệnh viện công để có cơ hội làm việc, học tập nâng cao tay nghề nhưng với mức lương và chế độ đãi ngộ thấp thì không thể đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Xoay sở mưu sinh

Chia sẻ về câu chuyện của mình, bác sĩ Đức Long hiện đang công tác tại bệnh viện đa khoa tuyến huyện khu vực phía Bắc cho biết, áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng khiến anh buộc phải làm thêm để kiếm sống.

“Phần lớn thời gian của tôi dành cho bệnh viện. Ngoài những giờ làm hành chính thì tôi còn phải trực đêm. Thứ 7, chủ nhật trống lịch thì đi làm thêm ở một phòng khám nha khoa gần nhà. Có những hôm bận cả ngày ở bệnh viện, tối muộn lại phải chạy qua phòng khám vì có hẹn tái khám với bệnh nhân.

Đã lâu lắm rồi chưa có một ngày nghỉ, cuộc sống mưu sinh cứ tất bật như vậy. Nhiều khi cũng muốn chuyên tâm làm việc ở bệnh viện nhưng với mức đãi ngộ thấp như vậy thực sự phải làm thêm ở ngoài mới đủ sống và tiếp tục “bám trụ” với nghề" - bác sĩ Long cười nhạt.

Bác sĩ Lương Mến hiện đang công tác ở một phòng khám đa khoa tại Tuyên Quang cho biết, công việc ở phòng khám có mức đãi ngộ thoả đáng nên yên tâm công tác.

"Khi còn là sinh viên trường Y tôi đã có dự định làm việc tại một bệnh viện công. Tuy nhiên, tôi chứng kiến rất nhiều bác sĩ bỏ nghề, rời bệnh viện vì mức lương không đủ sống. Số còn lại thì tiếc công sức, tiền bạc đã bỏ ra nên quyết theo nghề và hy vọng vào tương lai sẽ có mức lương tốt.

Sau này tôi nhận ra, trước tiên phải đảm bảo cuộc sống thì mới có thể yêu nghề và cống hiến. Thực sự cần nhìn vào thực tế để có định hướng và lựa chọn môi trường làm việc phù hợp với bản thân nên tôi chọn làm việc tại phòng khám tư” - bác sĩ Mến nói.

Trang Hà - Phùng Nhung