Ẩn họa ở ngôi làng buôn phế liệu: Chuyên gia bày cách biến nguy thành cơ

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 01:00, 09/10/2022

Nhận định về những bãi phế liệu tại thôn Xà Cầu, (Ứng Hòa, Hà Nội, chuyên gia cho rằng, chúng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao, gây hại sức khỏe người dân, song việc tái chế rác thải là một "điểm sáng".
Ẩn họa ở ngôi làng buôn phế liệu: Chuyên gia bày cách biến nguy thành cơ - 1

Toàn cảnh những bãi tập kết phế liệu của thôn Xà Cầu nhìn từ trên cao (Ảnh: Tố Linh).

Theo vị chuyên gia, công việc mà người dân thôn này đang làm lại là một "điểm sáng" trong việc tái chế và xử lý phế liệu. Vấn đề là việc làm này cần đáp ứng được điều kiện đảm bảo an toàn, như một mô hình khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường.

Ẩn họa ở ngôi làng buôn phế liệu: Chuyên gia bày cách biến nguy thành cơ - 2

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, việc tái chế rác thải của người dân thôn Xà Cầu chưa đáp ứng đủ điều kiện khoa học, công nghệ, nên công việc này gây nhiều nguy hiểm (Ảnh: Trung Nam).

Như Dân trí , gần 200 hộ dân thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội) đang sống chung với những "núi" phế liệu khổng lồ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, đất, nước, không khí, đồng thời có thể gây các căn bệnh nguy hiểm.

Trước thực trạng này, phóng viên Dân trí đã có buổi phỏng vấn PGS.TS Lưu Đức Hải, nguyên Trưởng khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi Trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường Việt Nam để làm rõ hơn những vấn đề liên quan.

- Thưa ông, gần 200 hộ dân tại thôn Xà Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội đang sống trong môi trường ngập đầy rác thải nhựa, chủ yếu từ nguồn phế liệu từ trung tâm Thủ đô, điều này đối với môi trường sống, sức khỏe của người dân liệu có ảnh hưởng? 

Trước khi nói về những cái hại mà họ đang làm, đầu tiên tôi sẽ nói về một "điểm sáng" của người dân thôn Xà Cầu này, đó chính là họ đang phân loại, tái chế và tái sử dụng rác thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn hiện nay, tức là không bỏ đi cái gì và Việt Nam đang định hướng rất rõ ràng, thúc đẩy mô hình này.

Tôi xin kể về câu chuyện cá nhân của mình, vào năm 2010, tôi sang Mỹ và gặp một người tỷ phú người Việt, ông ấy tên là Trường, đang làm chủ của một khách sạn cách Quảng trường Thời Đại khoảng 200 mét. Người ta trả 800 triệu đô la để mua lại khách sạn này nhưng ông ấy không bán.

Ông Trường nói với tôi rằng, sở dĩ ông trở thành tỷ phú là nhờ trúng thầu thu gom và tái chế rác thải của quận Manhattan, thành phố New York, Hoa Kỳ.

Chính phủ nước này trả tiền cho ông thu gom rác, sau khi phân loại, tái chế và bán tài nguyên này đi, ông Trường đã thu được khoản lợi nhuận kép.

Ẩn họa ở ngôi làng buôn phế liệu: Chuyên gia bày cách biến nguy thành cơ - 3
Những bãi phế liệu được tập kết ngay sát nhà dân, tiềm ẩn nguy cơ cao ô nhiễm không khí, gây hại cho sức khỏe các hộ gia đình (Ảnh: Tố Linh).

Và thôn Xà Cầu cũng vậy, họ đang làm việc phân loại rác của Hà Nội, giảm thiểu lượng lớn rác thải phải chở ra bãi rác Nam Sơn, đây một mô hình mà Việt Nam đang bị vướng và lãng phí, vì rác mà phân loại được nó sẽ trở thành tài nguyên.

Tôi xin lấy một ví dụ về nước Đức, 80% giấy họ đang sử dụng mỗi ngày đều là sản phẩm tái chế.

Mô hình của thôn Xà Cầu là một mô hình tốt. Song nó gặp một vấn đề rất phức tạp ở chỗ, chính quyền địa phương không quản lý được, hộ dân làm phân loại rác và những gia đình không làm công việc này đều phải chịu những ảnh hưởng về môi trường, sức khỏe giống nhau.

Vấn đề quan trọng ở đây, là họ phân loại chưa đúng, dẫn tới nhiều loại rác không thể tái chế, đặc biệt là nilon, sẽ phải mang đi đốt. Điều này cho thấy sự thiếu mô hình khoa học công nghệ trong xử lý rác thải, gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe của người dân.

Cho nên, việc thu gom và tái chế ở đây rất nguy hiểm và độc hại, gây các bệnh ung thư, ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất.

- Có tình trạng người dân lén lút đốt rác thải không thể tái chế như túi nilon từ vỏ của các chai nhựa, cách xử lý như thế này liệu có gây thêm tác động đến sức khỏe và môi trường sống hay không, thưa ông? 

Đối với việc đốt nilon, nếu không đốt cháy ở trên 1.200 độ C, sẽ thải ra rất nhiều khói độc vào môi trường trong đó có các hóa chất như khí Furan, Dioxin là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư, và có thể dẫn đến quái thai (dị tật cho thai nhi) về lâu dài cho những người dân nơi đây.

Ẩn họa ở ngôi làng buôn phế liệu: Chuyên gia bày cách biến nguy thành cơ - 4

Việc người dân nơi đây chất những đống phế liệu ngoài trời sẽ gây bốc mùi, dù không đốt vẫn sẽ tạo ra các chất gây ô nhiễm không khí, nguồn nước. Khi gặp mưa, những đống phế liệu này sẽ còn gây ra vấn đề ô nhiễm đất, không thể canh tác được.

- Nói riêng về rác thải nhựa, mức độ ảnh hưởng sẽ khác với những loại rác thải khác ra sao, thưa ông? 

Xử lý rác thải nhựa thì hiện nay trên thế giới đang theo một chiến lược, mà Việt Nam cũng đã có, đó chính là giảm thiểu và ngăn chặn loại rác này.

Bởi vì, hầu hết rác thải nhựa, đặc biệt là nilon phân hủy rất chậm. Thông thường, người ta ước tính phải mất nhiều năm, thậm chí hàng nghìn năm mới có thể phân hủy được.

Rõ ràng nếu nó nhiễm vào đất hoặc nước thì theo thời gian, sẽ gây ra ô nhiễm nặng về môi trường. Đặc biệt khi những loại rác này đổ ra biển nó sẽ bị phân tán, tạo ra các hạt vi nhựa, hiện nay mỗi năm thế giới thải ra biển hàng trăm triệu tấn nilon.

Những hạt vi nhựa này theo chuỗi thức ăn sẽ tồn tại trong các sinh vật như cá và cuối cùng trung gian truyền vào con người khi sử dụng thực phẩm.

Gần đây trên báo, có nói đến một giáo sư ở Trung Quốc phát hiện ra hiện tượng đông tụ máu trong người, mà nhân của cục máu đông này là những hạt vi nhựa. Cho nên, nilon là loại rác mà hiện nay thế giới đang vận động cần phải ngăn chặn.

Tuy nhiên, loại rác này vẫn có thể có rất nhiều lợi ích!

Thứ nhất, nếu như chúng ta đốt ở nhiệt độ cao trên 1.200 độ C, nilon sẽ không tạo ra những chất độc hại.

Việc đốt lén lút của người dân thôn Xà Cầu chỉ có thể đạt được nhiệt độ khoảng 300 đến 500 độ C thì rõ ràng là sinh ra chất độc, ô nhiễm như tôi đã nói ở trên.

Thứ hai, từ nilon người ta có tạo được gì? Đó chính là tách nilon quay trở lại để nó biến thành những nhiên liệu như dầu mỏ và đã có rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu thành công.

Trong tự nhiên, tất cả vật chất không mất đi. Nó chỉ chuyển dạng này sang dạng khác, đấy là nguyên lý.

- Thưa ông, trong quá trình xử lý phế liệu, nước thải sẽ gây ra những tác hại gì với môi trường và sức khỏe?

Trong quá trình người dân ở đây rửa nguyên liệu, chai lọ và các loại rác khác mà họ tiếp xúc có chứa rất nhiều độc hại!

Ví dụ như các vi khuẩn, virus gây bệnh tồn đọng ở đó sẽ theo nước thải hòa vào các hồ, sông xung quanh. Nếu không được xử lý thì nó sẽ là vấn đề lớn gây ô nhiễm nguồn nước.

Ẩn họa ở ngôi làng buôn phế liệu: Chuyên gia bày cách biến nguy thành cơ - 5

Nước thải từ quá trình xử lý phế liệu chứa nhiều vi khuẩn, virus gây bệnh (Ảnh: Tố Linh).

Theo tôi, nước thải mà người dân tái chế, cần phải được xử lý và tái sử dụng. Nếu làm được điều này, nó mang lại lợi ích kép, vừa giảm lượng nước tiêu thụ, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường.

Rõ ràng, như tôi đã nói ở trên, mô hình này là tốt nếu được có sự hỗ trợ của những quy trình công nghệ về tái chế và xử lý phế liệu.

- Để xử lý những loại rác thải này, giải pháp nào là tối ưu? Điều cần làm đối với 200 hộ dân Xà Cầu lúc này là gì, thưa ông? 

Tôi có một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, người dân tại thôn Xà Cầu cần phải biết các thành phần của các loại rác thải đó. Từ việc phân tích cái thành phần này để có thể tối ưu việc xử lý phế liệu, hạn chế những loại rác không thể tái chế và đem đi đốt.

Ví dụ: Như rác nilon tại đây, người dân thường đốt, loại rác này hoàn toàn có thể tái chế! Nếu họ không đốt thì sẽ chôn gây vẫn gây ô nhiễm nguồn đất. Nên tôi nghĩ việc hiểu được các thành phần của rác là vô cùng ý nghĩa.

Thứ hai, phải tìm ra biện pháp an toàn để phân loại, điều này chúng ta phải áp dụng khoa học công nghệ liên quan đến lĩnh vực này.

Vấn đề thứ ba, cái gì mà không xử lý được bằng cách thông thường như việc đốt, hay những rác thải nguy hại thì người dân phải phối hợp với công ty môi trường để xử lý.

Việc phối hợp với các công ty môi trường, buộc những người dân nơi đây phải bỏ ra một khoản chi phí. Theo tôi nghĩ chi phí này là rất nhỏ vì những loại rác đó không chiếm nhiều ở thôn Xà Cầu.

Nếu hai bên có thể phối hợp với nhau thì có thể giải quyết được tất cả những vấn đề, đặc biệt là việc đốt các rác nilon, người dân chỉ cần bớt đi một phần thu nhập nhỏ của gia đình sẽ có loại bỏ một phần ô nhiễm, và chất khí gây bệnh nguy hiểm. Khi việc này mang lại lợi ích như trên, tôi chắc chắn họ sẽ làm.

- Nhiều năm nay, vấn đề xử lý rác thải của người dân Hà Nội (không chỉ riêng rác thải nhựa) vẫn là vấn đề chưa triệt để, nhận nhiều phản ánh, ông có góp ý nào đối với thực trạng xử lý rác thải của môi trường Hà Nội không, thưa ông?

Trước hết, tôi sẽ nói hai vấn đề khác nhau. Thứ nhất là rác và thứ hai là đối với rác thải nhựa.

Vấn đề rác, hiện nay Hà Nội và rất nhiều tỉnh thành trong cả nước đều có một phương hướng là sử dụng lại rác, tận dụng để tái chế. Loại nào không tái chế được thì sẽ dùng để đốt chạy máy phát điện.

Tôi đưa ra ví dụ ngay tại khu vực bãi rác Nam Sơn đã xây dựng một nhà máy điện, hoạt động nhờ đốt rác lấy từ bãi này để sinh nhiệt. Hiện tại, nhà máy này đã đi vào hoạt động một tổ máy.

Do một số vướng mắc và quy trình quản lý môi trường chưa, nên nhà máy vẫn chưa thể hoạt động hết công suất. Đây đang là một xu hướng không chỉ riêng ở Hà Nội mà tại nhiều địa phương cũng đang thử nghiệm.

Theo tôi, giải pháp này là rất tốt, chúng ta vừa tận thu được nhiệt để tạo ra điện, đồng thời có thể loại bỏ được vấn đề ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, chính quyền các địa phương cần phải quản lý công nghệ của các nhà máy cụ thể làm thế nào để không thể thải ra các chất ô nhiễm khác. Thực ra, nhà máy có thể loại bỏ được khí độc hại này nhưng hoàn toàn có thể giải phóng ra các chất gây hại khác.

Vấn đề thứ hai riêng về rác thải nhựa, theo Luật Bảo vệ Môi trường, chúng ta đang thực hiện việc cố gắng phân loại rác thải để tận thu. Như tại thôn Xà Cầu, họ đang làm việc này, nhựa chai lọ không cần phải đốt mà có thể tái chế để biến thành nhựa mới, hoặc "tái sinh" thành những nguyên liệu để tạo nên các loại vải.

Như vậy, đối với công việc tái chế phế liệu của người dân thôn Xà Cầu là một hướng đi đúng và Việt Nam cũng đang có chương trình này.

Nhưng hiện tại để xây dựng những mô hình này chúng ta đang gặp phải hai thách thức lớn! Đó chính là công nghệ trong quá trình phân loại xử lý, rác thải và thị trường hàng hóa.

Tôi xin nói thêm về vấn đề thị trường hàng hóa, người dân thôn Xà Cầu đã có thị trường để xuất các sản phẩm đã tái chế nên mang lại cho họ lợi nhuận tốt!

Việt Nam hiện đang phân loại rác rất kém (chiếm khoảng 57%), nhưng lại nhập rất nhiều phế liệu tái chế từ nước ngoài về. Năm 2019, Việt Nam nhập tới 7,5 triệu tấn phế liệu đã tái chế này.

Trong khi, có rất nhiều rác thải bỏ đi tại bãi rác Nam Sơn mà chúng ta hoàn toàn có thể xử lý thành các nguyên liệu. Vậy tại sao chúng ta không làm?

Nếu giải pháp được hai vấn đề trên, tôi tin có thể giảm vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải đồng thời tạo điều kiện việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn!

Ông Nguyễn Hữu Nhất (Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu) cho biết, vấn đề "nóng" tại thôn Xà Cầu đã được xã lưu tâm trong nhiều năm qua. Về việc đổ trộm và đốt rác thải, ngoài việc tuyên truyền, xã đã cử lực lượng mật phục, tăng cường theo dõi các hành vi đổ trộm phế liệu, chưa nói tới việc đốt sẽ bị xử phạt rất nặng. Ngoài ra về vấn đề xử lý nguồn phế liệu dư thừa, địa phương đang kết hợp, ký kết với một số đơn vị, công ty xử lý rác thải từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu theo quy định.