Không còn “mùa Xuân chứng khoán”, cổ phiếu lao dốc, VN-Index mất mốc 1.050 điểm
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 12:36, 07/10/2022
“Thật khó tưởng tượng. Thị trường cứ lên được 1 phiên thì lao dốc 2 phiên. Những phiên giảm 30-40 điểm xảy ra liên tục cho dù VN-Index đã bốc hơi gần 500 điểm trong vài tháng”, bà Thu Hiền, một nhà đầu tư tại Ba Đình bày tỏ sự thất vọng.
Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm mạnh và rơi sâu hơn vào trong xu hướng giá xuống (bear market).
Sau khi giảm gần 30 điểm trong phiên 6/10, sáng 7/10 thị trường chứng khoán ghi nhận một cú giảm mạnh hơn, có lúc mất hơn 39 điểm xuống ngưỡng 1.035 điểm.
Tới 11h, chỉ số VN-Index mất gần 47 điểm (-4,4%) xuống 1.028 điểm.
Đóng cửa phiên sáng 7/10, chỉ số VN-Index mất 42,88 điểm (-4%) xuống 1.031,64 điểm. Thanh khoản tăng khá nhanh vào cuối phiên lên hơn 9,1 nghìn tỷ đồng, trong đó có 8,2 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE. HNX-Index giảm 4,6%.
Nhiều nhà đầu tư còn tiền mặt lao vào bắt đáy trong 1-2 tuần gần đây đều thua lỗ nặng cho dù thị trường ghi nhận những ngưỡng hỗ trợ rất mạnh, ở mức 1.200 điểm, rồi 1.150 điểm và giờ đây thủng luôn ngưỡng 1.050 điểm.
“Thị trường quá khó chơi. Không biết đâu là đáy, mò đáy vài lần những đều thua lỗ”, ông Đỗ Kiệt, một nhà đầu tư tại TP.HCM chia sẻ.
Theo nhà đầu tư này, cách đây 2 tuần ông bắt đáy một cổ phiếu bất động sản công nghiệp khi thị trường đã giảm hơn 300 điểm từ đỉnh 1.520 điểm hồi đầu tháng 4/2022. Nhưng ngay sau đó đã phải cắt nhanh và lỗ ít.
Hôm 4/10 khi thị trường tụt giảm vào buổi sáng, ông Kiệt chuyển 1 tỷ đồng vào tài khoản và bắt đáy một cổ phiếu bất động sản vốn có giá tụt giảm 70% trong vài tháng qua. Giá bắt ở mức khá thấp ở mức 26.000 đồng/cp và hưởng lợi ngay buổi chiều khi thị trường chung hồi phục và giá cổ phiếu lên trên 28.500 đồng/cp vào 6/10.
Tuy nhiên, tới sáng 7/10, có lúc về dưới ngưỡng 26.000 đồng/cp.
Nhạy bén và mua được cổ phiếu ở mức giá rất thấp như vậy nhưng cho đến thời điểm này, ông Đỗ Kiệt vẫn đang thua lỗ.
Đa số các nhà đầu tư khác không may mắn như vậy, cứ rót tiền vào là thua lỗ 10-20% chỉ trong vài ngày.
Thị trường trong xu hướng downtrend đang bào mòn tài khoản của nhiều nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán không còn ở trong giai đoạn “mùa Xuân” như trong năm 2021 và đầu 2022, khi mà thị trường chung tăng gấp rưỡi, nhiều cổ phiếu tăng 3-5 lần, thậm chí 10 lần.
Trong phiên sáng 7/10, tất cả các cổ phiếu trụ cột giảm giá. Nhóm ngân hàng và bất động sản đồng loạt giảm mạnh trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tụt giảm nghiêm trọng.
Tiếp tục lo ngại tình trạng căng thẳng thanh khoản
Thanh khoản trên thị trường tiền tệ ngân hàng căng tới mức, lãi suất trên cả thị trường 1 và 2 đều vượt ngưỡng 8% và hướng tới ngưỡng 10%.
Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng hôm 5/10 đã lên tới 8,44%/năm, trong khi cho kỳ hạn 9 tháng lên tới 9,72%. Lãi suất huy động của các ngân hàng nhiều nơi lên ngưỡng 8-9%/năm.
Trên thị trường cổ phiếu, thanh khoản tụt giảm. Tính tới 10h sáng 7/10, tổng 3 sàn chỉ có 3.700 tỷ đồng giá trị cổ phiếu được giao dịch, trong đó có 3.300 tỷ đồng được chuyển nhượng trên sàn HOSE, bằng khoảng 20% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2021
Trên thị trường mở, mặc dù Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá, nhưng không hút về được đồng nào trong phiên 6/10.
Theo Chứng khoán CSI, thị trường gần đây liên tục khiến các nhà đầu tư “mừng hụt” khi hồi phục tích cực hôm trước, nhưng lại xả hàng rầm rộ ngay phiên hôm sau. Kịch bản này lặp lại liên tục.
Theo CSI, phân tích kỹ thuật có sự xuất hiện của nến Bearish Marubozu cùng mức thanh khoản dâng cao cho thấy lực cung đã hoàn toàn chiếm thế chủ đạo, xóa đi toàn bộ sự cố gắng nâng dậy chỉ số của lực cầu phiên 5/10. Trên biểu đồ tuần cũng đang cho tín hiệu kém lạc quan của thị trường, được biểu hiện thông qua sự quay đầu sụt giảm khi chạm tới đường MA(200). Xu hướng tiêu cực có khả năng còn tiếp tục trong các phiên tới.
Nhóm kiền 3 chân bất động sản, chứng khoán, ngân hàng sụt giảm khiến thị trường không có trụ nâng đỡ.
Theo CSI, xu hướng hiện tại của VN-Index rất đáng lo ngại, khi những phiên hồi phục thì lực cầu khá yếu, trong khi những phiên giảm sâu đều có thanh khoản tăng cao. Khả năng cao VN-Index sẽ tiếp cận mốc hỗ trợ 1.030 điểm trong các phiên tới.
Gần đây, nhiều người lo ngại hiện tượng thanh khoản yếu đã lan rộng sang cả lĩnh vực bất động sản và sản xuất.
Trên thế giới, tình trạng sức cầu tiêu thụ hàng hóa sụt giảm đã diễn ra ở nhiều nước, trong đó có cả nền kinh tế số 1 châu Âu - nước Đức. Đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, Đức ghi nhận đơn hàng sụt giảm.
Sau khi tăng 5 phiên liên tiếp, cổ phiếu Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã giảm khá mạnh sáng 7/10.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa thành lập một doanh nghiệp mới là CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI (VMI), có vốn 18.000 tỷ đồng, với mô hình kinh doanh khá độc đáo. Doanh nghiệp mới sẽ mua sản phẩm Vinhomes rồi chia thành 50 phần bán cho nhà đầu tư vốn nhỏ.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng góp 90% vốn vào VMI bằng giá trị cổ phiếu Vingroup. Cụ thể, ông Vượng góp vốn bằng 243 triệu cổ phiếu Vingroup, tương đương 16.200 tỷ đồng theo thị giá trung bình 50 phiên tính đến 13/9/2022.
Hiện ông Vượng trực tiếp nắm giữ 985 triệu cổ phiếu Vingroup và gián tiếp nắm giữ 1,17 tỷ cổ phiếu Vingroup thông qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.