Thái độ, ý thức quyết định việc bà Nguyễn Phương Hằng có được tại ngoại hay không
Pháp luật - Ngày đăng : 20:46, 06/10/2022
Ông Nguyễn Quang Tuấn (32 tuổi, ngụ quận 7, là con trai của bị can Nguyễn Phương Hằng) vừa có đơn cứu xét đến cơ quan tố tụng xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt và xin được bảo lĩnh cho mẹ tại ngoại để điều trị bệnh cho đến khi kết thúc vụ án.
Lý do mà ông Tuấn xin khoan hồng cho mẹ là do các tình tiết bà Hằng có những đóng góp cho hoạt động từ thiện, nhân đạo, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua.
Trong đơn, ông Tuấn cũng trình bày, thông qua luật sư ông biết trong quá trình điều tra vụ án, mẹ ông đã nhận thức được sai phạm, thành khẩn khai báo, tỏ thái độ ăn năn hối cải và cam kết không tái diễn hành vi sai phạm.
Vậy đơn cứu xét này của ông Tuấn có được xem xét và là căn cứ để cho bà Nguyễn Phương Hằng được tại ngoại hay không?
Trao đối với P.V, luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay, việc xem xét cho tại ngoại hay không thì phải có nhiều yếu tố. Đầu tiên, phải có điều kiện bảo lĩnh và người thực hiện hành vi bị cho là phạm tội có thái độ thành khẩn khai, ăn năn hối cải; có nơi cư trú ổn định, rõ ràng và phải có cam kết chấp hành lệnh triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng khi có thư mời hoặc triệu tập để giải quyết vụ án. Điều này cơ quan tố tụng sẽ xem xét, đánh giá tất cả các yếu tố để quyết định cho tại ngoại hay không.
Về trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng, cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đánh giá thái độ, ý thức trong quá trình điều tra có nhận ra được sai phạm của mình hay không. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc đánh giá của CQĐT và Viện kiểm sát.
Còn nếu bị bệnh, tùy từng trường hợp, cơ sở trại giam sẽ thực hiện việc khám chữa bệnh cho bị can, bị cáo; nếu rơi vào trường hợp bệnh nặng hoặc có dấu hiệu bệnh như tâm thần hoặc mất năng lực về hành vi thì phải trưng cầu giám định, mới biết được bị can, bị cáo có rơi vào trường hợp đó không.
Nếu kết quả trưng cầu giám định thể hiện bị can, bị cáo hạn chế về năng lực hành vi hoặc là có dấu hiệu tâm thần thì phải thực hiện chữa bệnh bắt buộc. Đối với trường hợp bị can Nguyễn Phương Hằng, cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ thực hiện việc khám bệnh để xác định tình trạng bệnh của bị can.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên) cho hay, căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 121, Bộ luật tố tụng hình sự, người được phép bảo lĩnh cho người bị tam giam gồm: Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình; Cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh (và phải có ít nhất 02 người).
Người bảo lĩnh là người thân thích của bị can, bị cáo (gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột).
Trước đó (ngày 24/3), bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Lần kết luận điều tra gần đây, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho rằng, từ giai đoạn tháng 3/2021 đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam (tháng 3/2022), bà Nguyễn Phương Hằng sử dụng 12 kênh trên các nền tảng mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Tiktok… để thực hiện các buổi livestream.
Cơ quan điều tra xác định, các buổi livestream đó, bà Hằng đã xâm phạm đến bí mật đời tư, ảnh hưởng đến uy tín danh dự của một số người, đơn cử như bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (tức ca sỹ Vy Oanh, ông Võ Nguyễn Hoài Linh (tức danh hài Hoài Linh), bà Đặng Thị Hàn Ni (tức nhà báo Hàn Ni)…
Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng có khai báo, những thông tin liên quan đến đời tư của những người khác, trong đó có các cá nhân như trên là bà tham khảo trên mạng, đọc báo và nằm… mơ. Bà Hằng cũng thừa nhận các thông tin này không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, không có căn cứ xác thực.