Điểm tin kinh doanh 7/10: Giá vàng SJC diễn biến lạ kỳ
Kinh doanh - Ngày đăng : 07:00, 07/10/2022
- Giá vàng SJC diễn biến lạ kỳ, 'bay sạch' lợi nhuận từ đầu tháng 10
Với tốc độ điều chỉnh sâu trong phiên giao dịch chiều 6-10 đã khiến giá vàng miếng SJC “bay sạch” phần lợi nhuận đạt được kể từ đầu tháng 10 tới nay.
Đầu phiên giao dịch chiều 6/10, giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 64,9 – 65,9 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với chốt phiên chiều qua.
Tương tự, tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng miếng SJC được doanh nghiệp này niêm yết ở mức 65 – 66 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa phiên giao dịch hôm trước.
Đây là những vùng giá giao dịch thấp nhất kể từ đầu tháng 10 tới nay. Ngược chiều với đà lao dốc của vàng miếng SJC, các loại vàng nhẫn tròn trơn, vàng nữ trang 24K lại đi lên theo đà tăng của giá vàng thế giới.
Hiện các loại vàng nữ trang 24K đang được các doanh nghiệp kinh doanh vàng niêm yết quanh mức 51,8 – 52,6 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với giá cuối giờ chiều qua.
- Bộ Giao thông vận tải yêu cầu kiểm soát giá cước vận tải, bình ổn thị trường
Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cục thuộc bộ cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường...
Bộ Giao thông vận tải vừa có Công văn số 10239/BGTVT-VT gửi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc bộ về việc tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, sau khi thanh, kiểm tra phát hiện có vi phạm, cơ quan chức năng sẽ áp dụng chế tài mạnh như xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá hoặc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải.
Cùng với đó, bổ sung hình phạt mạnh tay hơn như doanh nghiệp phải trả lại tiền cho hành khách, thậm chí, các đơn vị chức năng sẽ thu hồi phù hiệu kinh doanh vận tải.
- Yêu cầu NHNN bán can thiệp ngoại tệ khi cần ổn định thị trường
Đây là một trong những yêu cầu Chính phủ đưa ra với Ngân hàng Nhà nước trong Nghị quyết 126/NQ-CP nhằm ổn định thị trường ngoại hối trước những biến động thời gian qua.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu cơ quan quản lý tiền tệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Thêm 4 ngân hàng được nới "room" tín dụng lên tới 85 nghìn tỷ đồng
Các ngân hàng được điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng lần này gồm Vietcombank, HDBank, MB, VPBank bởi đã . Các ngân hàng này đều đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho tổ chức tín dụng yếu kém...
Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức điều chỉnh hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho 4 ngân hàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho tổ chức tín dụng yếu kém theo chủ trương của Chính phủ.
Theo Công ty chứng khoán VNDirect, sau đợt điều chỉnh này, sẽ có thêm khoảng 83,5 nghìn tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Đồng thời, tính đến thời điểm hiện tại, hạn mức tăng trưởng tín dụng của 18 ngân hàng (chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống) đạt khoảng 13,6%.
- Lãi suất điều hành có thể tiếp tục tăng
Các chuyên gia cho rằng với bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước hiện nay, NHNN có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành thêm một lần nữa.
Ghi nhận trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia phân tích tại Bộ phận nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng UOB cho rằng trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có lập trường tiếp tục tăng mạnh lãi suất để kìm lạm phát, đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá và Đồng Việt Nam sẽ mất giá thêm.
Trong nước, với tỷ lệ lạm phát gần mức mục tiêu (không quá 4%), các chuyên gia tại đây cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có khả năng điều chỉnh tăng thêm 1 điểm % đối với lãi suất tái cấp vốn trong vòng 2 quý tới. Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên mức 5,5%/năm vào cuối năm nay và sau đó tăng lên 6%/năm vào cuối quý I/2023, bằng với mức lãi suất trước thời điểm Covid-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020.